Kính niệm bậc đạo sư

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thành kính tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Giác Ngộ online trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết đầy cảm xúc của Ni trưởng Thích nữ Như Đức (trụ trì thiền viện Viên Chiếu, Đồng Nai) về một bậc thầy minh triết, khả kính.

Những năm còn nhỏ tôi được dịp theo Sư bà Bổn sư lên Vạn Đức dự học lớp kinh Pháp hoa do Hòa thượng chỉ dạy. Tôi không hiểu được gì, chỉ đi theo làm tiểu đồng cho quý Sư bà. Vẻ cung kính cẩn trọng, niềm hoan hỷ trong những thời giảng pháp, cái nôn nao chuẩn bị cho mỗi lần đi học, khi gặp nhau quý vị lớn chào hỏi vui vẻ, chuyện vãn hỏi han y như học trò nhỏ chúng tôi buổi tựu trường. Đạo tràng Vạn Đức một thời đã in trong tâm khảm tôi như thế. Hòa thượng chấn tích tại đây, đầu gậy của người vẽ nên một cảnh giới Phật. “Một thời… tôi nghe như thế này… vô lượng Bồ-tát cung kính vây quanh…”, những câu kinh thâm áo đã thổi qua cõi nhân gian này một làn gió thanh lương.

Hàng đêm, thời kinh buổi tối ở Ni trường Dược Sư thường tụng kinh Pháp hoa. Chúng tôi ngồi đối diện hai hàng, kinh để trên giá kinh trước mặt, chấp tay lại và giở quyển, nhịp mõ bắt đầu “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Tựa thứ nhất…”. Bản dịch của Hòa thượng quen thuộc đến nỗi chúng tôi không đọc trang đầu của kinh quyển, chỉ chăm chăm lật đúng phẩm kinh tiếp tục, ý thức làm việc như cái máy, chữ qua chữ, trang qua trang, câu kinh êm, âm điệu nhịp nhàng rất dễ tụng.

Đó là những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, chương trình tu học chữ Nho chiếm phần lớn. Với những đầu óc đặc sệt vọng tưởng phiêu lưu như chúng tôi, nếu tụng kinh bằng âm Hán văn, chắc là sẽ khó khăn lắm. Làm sao hiểu được diễn tiến trong kinh, Phật nói gì, các Bồ-tát thưa hỏi chuyện gì, và có thể nào nghe được Phật thọ ký cho Tỳ-kheo-ni được thành Phật, và có vị nào từ chối không dám truyền bá kinh Pháp hoa ở cái cõi Ta-bà này?

Những ngày tháng đó là khoảng đời rất khó quên, tuy tuổi trẻ nhiều thứ lăng xăng nhưng âm vang của lời kinh vẫn len lỏi nuôi dưỡng chí nguyện. Vào lúc khói lửa liên miên, bầu trời đêm ở phía Gò Vấp, Thủ Đức luôn luôn rực sáng trái châu và một thành phố hoang mang ùa vào, qua cánh cửa không. Ni trường khai kinh tụng Pháp hoa một tuần lễ, tụng suốt mỗi ngày một bộ bảy quyển, đại chúng cứ xếp hàng ngồi tụng như mưa bay, lòng cầu nguyện nhờ uy lực Phật chúng sanh bớt khổ.

Có những vị trong chúng gần như thuộc văn kinh, chắp tay nhắm mắt tụng trang nghiêm, kinh quyển để vừa chừng trước mắt, đoạn nào không thuộc thì mở mắt đọc. Tụng Pháp hoa mà y như tụng chú Lăng nghiêm, thật đáng nể phục. Suốt ngày chỉ giải y áo ăn cơm nghỉ ngơi chút đỉnh rồi lên chùa. Quý Sư bà già cả cũng chẳng bỏ thời nào. Chúng tôi bị cuốn hút trong âm thanh, lời Phật, lời Bồ-tát, cõi giới trong sáng như pha lê. Tuy đôi lúc xếp kinh lại, cảnh giới thế gian chen lấn, vọng tưởng rì rầm. Tôi hồi đó không biết vọng tưởng là gì, vẫn y nhiên sống ở hai bờ cảnh giới.

Ân đức chuyển dịch những bộ kinh Đại thừa của Hòa thượng để lại cho chúng Tăng Ni và cư sĩ một gia tài quý giá. Ở thành thị hay thôn dã, mở bản kinh ra đều tụng đọc lời văn của Hòa thượng. Giới tại gia bận rộn nhọc nhằn, tụng một thời Pháp hoa cũng nghe được lời Phật. Những bộ Hoa nghiêm, Niết-bàn, Bát-nhã, Đại Bảo tích… được đưa từ tạng kinh đến gần quần chúng.

Một lần tôi theo huynh đệ về chùa quê, một vùng quê giàu cây trái và sông rạch. Sư bà của huynh ấy, buổi khuya ngồi tụng đọc kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Sư bà để mặc cho lũ nhỏ ngủ khì, biết rằng mấy ngày nghỉ cho tụi nó tự do. Giọng một người già chân chất, đọc lời kinh Phật theo âm điệu già nua chậm rãi, không xô đẩy chen lấn như chúng tôi tụng cho mau hết thời kinh. Buổi khuya đó tôi nằm thao thức nghe Sư bà tụng. Sáng ra quỳ sám hối vì khuya này không dậy công phu. Sư bà cười rất hiền, tui để mấy ông ngủ cho khỏe, về chơi có mấy bữa. Tôi nghĩ thầm, không biết mình tu chừng nào mới được như Sư bà. Chùa vắng, trời khuya, ngồi tụng một lời kinh Phật như đang trở về với chính mình.

Những bậc đạo sư, bậc thầy minh triết thường tạo cảm hứng cho mình phát tâm tu. Thấy hình ảnh hoặc nghe nói về người, chúng ta như được tiếp sức, tin tưởng và tự thúc hối mình phải gắng tu. Những triết thuyết đồ sộ nặng nề, ngôn ngữ văn chương khoa bảng, lý luận nghiêng trời lệch đất… có thể rất hay, rất hấp dẫn nhưng tận cùng là một khối chông chênh vì chưa biết được mình là ai.

Những năm học ở Vạn Hạnh, tôi có được dự giờ của Hòa thượng giảng dạy. Hình ảnh người rất giản dị, gầy ốm, áo màu nâu hơi bạc, giọng từ tốn vừa chừng. Hòa thượng thường gọi chúng tôi là “Các huynh đệ!”. Không biết sao, tôi không nghĩ ra là mình đang ngồi học ở giảng đường gần bên cái chợ Trương Minh Giảng với một cái tâm cũng ồn như cái chợ. Tôi cứ nghĩ lan man về một khung cảnh núi rừng nào đó, núi Linh Thứu hay động Kỳ-xà-quật, Trúc Lâm hay Kỳ Viên tinh xá, có Phật ngồi giảng dạy cho chư vị Tỳ-kheo. Hình như những bản kinh tụng đi theo Hòa thượng vào lớp học. Hòa thượng cũng không bảo chúng tôi xếp sách vở mà ngồi niệm Phật, nhưng sau mỗi giờ học với người, tôi về chùa thấy mình tinh tấn hơn. Hòa thượng giảng dạy trong phạm vi môn học, nói một cách bình thường như một chuyện bình thường, đến và đi nhẹ như không. Tính cách tĩnh lặng của người có vẻ như rất gần mà rất xa, rất nhiệt tình mà cũng rất cô liêu.

Bây giờ là tháng ba. Sau một vài cây mưa đầu mùa, những củ huệ lan suốt mấy tháng nắng vùi mình trong đất, đã mọc lên những chiếc lá xanh, những nụ hoa màu đỏ hồng cũng trình diện. Hòa thượng đến với cuộc đời này như một cơn mưa pháp tưới nhuần những tâm thức khô khan, như tiếng sấm chấn động thúc giục mọi người mau tỉnh ngộ. Từ từ và dần dà, hoa trái người gieo trồng năm xưa sẽ hiển hiện. Cảnh giới này chính là Phật tâm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày