Đứng trong sân chùa

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông. Trong văn học thì như vậy, thực tế miền Nam chỉ có hai mùa mưa và nắng. Muốn tìm một chút không khí mùa xuân, nên đi về miền Bắc, những ngày đầu năm.

Ở đây khí hậu thật dịu dàng, mặc dù vẫn bảo là rét, nhưng với dân miền nóng quanh năm, trời nắng chói chang thì thật là khó kiếm mây mù và mưa nhẹ.

Buổi sáng ngồi ở phòng khách, pha bình trà nóng, một chút Thái Nguyên Tây Bắc để thấy rất gần gũi những địa danh mà cả đời mình chưa được đặt chân đến. Mỗi khi cầm tay những món quà, trên hộp ghi bánh Hải Dương, Hưng Yên hoặc đồ gốm Bát Tràng… đều rất trân quý, thích thú về cả một vùng trời hoặc lịch sử dân tộc mang dấu ấn trên đó.

Tháng Giêng, trời đất ngọt ngào như những nụ hoa đào, trước sân chùa đánh nguyên một cây đào bích, hoa hồng một khoảng không gian. Không ngờ mình lại được ngồi đây, ngắm nhìn mùa xuân tha thướt bay qua sương. Mái chùa cong chìm ẩn, mái ngói rêu từng gót hài. Đã chuẩn bị khăn choàng và áo ấm, giày vớ cẩn thận để đi viếng chùa Dâu.

Có mặt ở đây, mùa này, mới hiểu tại sao người ta dành cả tháng đầu năm để đi chơi, nhất là đi lễ chùa. Một chút hội hè xôn xao, một chút điểm trang tô hồng chuốt lục để đánh tan giá rét. Thời tiết này không thể ngồi ở nhà, cùng rủ nhau đến một nơi để khấn vái, để cầu nguyện, gởi lời ước muốn. Và như thế, những ngôi chùa mùa xuân thay áo, tôi cũng bon chen đi thăm chùa, mặc dù suốt năm mình ở chùa. Những ngôi chùa miền Bắc, trong những ngày đầu năm thư thả.

Chùa Dâu, Bắc Ninh, cách Hà Nội không xa. Thành phố đang phát triển, hiện đại, đường xe ngang dọc, nhà nhà ngó nhau cạnh tranh bề mặt. Đi qua biển đề PHỐ DÂU - CHÙA DÂU - Di tích quốc gia. Vào sâu trong đường quê một chút, vẫn còn đôi bờ cỏ dại. Chùa Dâu đây, một cái cổng phụ thấp bé, mái rêu, hai bên cổng có đôi câu đối đắp bằng xi-măng:

Nhất cận thị, nhị cận giang, Nam thiên thắng cảnh

Cửu tầng tháp, bách gian thiền, Bắc địa già-lam.

Ý nói vị trí chùa ngày xưa gần chợ, gần sông, là thắng cảnh trời Nam. Kiến trúc tháp chín tầng, trăm gian phòng thiền, một già-lam nổi bật của đất Bắc. Chùa Dâu là trung tâm Phật giáo lớn nhất vào khoảng đầu kỷ nguyên, nằm ở khu vực Luy Lâu. Phật giáo Luy Lâu có mặt rất sớm, trước khi phát triển sang Trung Hoa. Các tài liệu khảo cổ cho thấy những di tích sinh hoạt của dân tộc Việt từ thời Hùng Vương tại vùng đất Dâu. Thương mại kinh tế phát triển theo đường thủy từ biển Đông qua sông Hồng, đón thuyền buôn Ấn Độ ghé Giao Châu, gót chân Tăng sĩ cũng dừng lại một vùng văn hóa giao lưu Phạn – Hán.

Thiền uyển tập anh, thiền sử xưa nhất của chúng ta, trích dẫn lời Pháp sư Đàm Thiên trả lời vua Tùy Cao Tổ (581-604): “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có 20 ngôi bảo tháp, độ được hơn 500 Tăng và dịch hơn 15 quyển kinh rồi…”. Chùa Dâu mang trên mình giá trị lịch sử cổ xưa, tên chùa cũng thay đổi theo nhiều thời đại. Thời Tiền Lý gọi là chùa Cổ Châu vì nằm trong làng Cổ Châu, huyện Siêu Loại, thời Trần gọi là chùa Thiền Định hay chùa Siêu Loại, thời Hậu Lê gọi là chùa Diên Ứng.

Dưới thời Hai Bà Trưng, chùa có tên Cổ Châu. Bà Vĩnh Huy, một nữ tướng của Hai Bà khi thua trận – năm 43, đã rút lui về chùa ở ẩn. Trong thời Bắc thuộc, tên chùa là Pháp Vân, vì có thờ tượng Pháp Vân.

Sang đời Trần gọi là chùa Thiền Định hay chùa Siêu Loại, đời Hậu Lê gọi là Diên Ứng tự. Những tên xưa đã trôi vào quá khứ, hiện tại người ta vẫn thường gọi chùa Dâu. Không biết mình có nên sửa câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp thành “Hôm nay đi… chùa Dâu” nhưng trong lòng rất rộn ràng để đi về một ngôi chùa lịch sử. Chắc chắn mọi điều đã đổi khác. Sông trước chùa đã cạn dòng, chợ thì vẫn đông, tràn vào sân chùa nhưng xem ra người mua bán không nhiều. Ngày đầu năm, bày hàng lấy may, người ta còn vội vào lễ Phật, để còn sang chùa khác. Nơi nào Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi gặp ngài Pháp Hiền, đối đáp như sấm chớp.

Tổ hỏi: Ngươi họ gì?

(Nguyên nghĩa trong Hán tự, chữ họ là “tánh”. Dò tận cội nguồn tâm tánh ấy). Sau buổi gặp gỡ ngài Pháp Hiền tự tỉnh, được Tổ ấn chứng, trở thành đệ tử đời thứ nhất, dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Chùa Dâu – Pháp Vân tự - nghiễm nhiên là tổ đình của dòng thiền sớm nhất Việt Nam.

Tượng Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi được thờ một cách khiêm tốn đơn giản, bên những hộp bánh kẹo, lọ hoa. Ai biết ngài đã từ đất nước Trung Á, miền Pakistan, đi các miền Tây Vực tham khảo thiền, đến Trường An (năm 574), gặp pháp nạn Chu Vũ Đế, lưu lạc đến Hồ Nam gặp Tổ Tăng Xán ở ẩn trong núi Tư Không. Nhận được yếu chỉ rồi sang phương Nam dừng chân tại chùa Pháp Vân, dịch kinh, truyền thiền, viên tịch (năm 602).

Một đoạn lịch sử rất ngắn, mô tả hành trạng không nhiều, nhưng mỗi câu ghi lại là một lời sấm sét. Đại tạng quyển 275, kinh Đại thừa Phương Quảng Tổng Trì, dòng mở đầu viết: “Tùy, Thiên Trúc Tam Tạng Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch. Ngài có hai dịch phẩm kết tập vào Đại tạng, duyên khai hóa ở phương Nam, công đức lưu nghìn đời. Có thể với ngài, ở đâu không quan trọng, đó chỉ là hành trình đi qua thế gian. Phần đầu của câu đối trước cổng, có thể gợi lại một thời gian huy hoàng của ngôi chùa, vị trí trung tâm để các bậc danh tăng ghé đến”.

Phần thứ hai, kiến trúc có tháp chín tầng, trăm gian phòng, một đại già-lam miền Bắc cổ. Ngôi tháp bây giờ chỉ còn ba tầng, nhìn vẻ thô sơ chắc chắn của những viên gạch nung, không nghĩ ra một thời vang tiếng: Tháp Hòa Phong. Vâng, đó là ngôi tháp chùa Dâu trong ca dao:

Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm bề

Tháng Tư ngày tám nhớ về hội Dâu.

Tháp đầu tiên được Thiền sư Pháp Hiền xây dựng để phụng thờ xá-lợi do vua nhà Tùy phong tặng. Điều này, may mắn được ghi vào bia ký dựng trước tháp. Các nhà khảo cổ đã dịch lại từ chữ Nho, đưa vào tập tài liệu chùa Dâu. Còn với ngày tháng Giêng, người đi lễ đông như hội, qua lại ngó nhìn tấm bia chữ không quen làm gì đọc được hết bi ký. Bên cạnh tấm bia, hai con sóc đá nằm hai bên bậc thềm bước lên tháp, một con cừu đá nằm gần đó. Sẽ không ai chú ý đến những di tích thô sơ này.

Truyền thuyết kể, vào thời Sỹ Nhiếp đặt trị sở tại Luy Lâu, có vị sư người Tây Thiên sang đây truyền đạo. Sư dắt theo hai con cừu, một hôm sơ ý để đi lạc, một con lạc đến chùa Dâu, một con lạc đến lăng Thái thú Sỹ Nhiếp. Dân chúng bèn tạc hai con cừu bằng đá để thờ. Con cừu đá lặng lẽ ngoan ngoãn, mang hành trình từ những quốc gia Tây Vực về đến Giao Châu, để nói một thời các du tăng có mặt.

Tháp Hòa Phong, tháp chùa Dâu, nhắc đến di tích hộp xá-lợi. Bia tháp Hòa Phong ghi: Nước Việt ta từ thời vua Tùy Cao Tổ đã dốc tâm nơi Phật đạo, sùng mộ người áo nâu. Vua sai sứ giả đem hòm xá-lợi ủy cho Lệnh sử họ Lưu kén đất Giao Châu xây cất. Khi đó, Đại sư Pháp Hiền nói rằng: Đây thực là chốn đại thắng danh lam, bèn xây tháp ở bên trong phụng thờ một hòm xá-lợi để truyền mãi mãi…

Niên đại xây tháp như vậy khoảng thế kỷ thứ VII, nước ta nội thuộc nhà Tùy rồi nhà Đường. Ngày tháng trôi đi, mưa dập gió dồi, rêu phong ngói vỡ, tháp và xá-lợi mất dấu.Đến khi Đại Việt sử lược ghi chép: “Vào năm Thiên Thành thứ bảy (1034) nhà sư chùa Pháp Vân ở Cổ Châu dâng lời nói trong chùa có ánh sáng phóng ra vài luồng. Theo ánh sáng đó mà đào lên thì được một chiếc hòm đá. Trong hòm đá có hòm bạc, trong hòm bạc có hòm vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly. Trong bình có xá-lợi Phật”.

Việc này xảy ra dưới thời Lý Thái Tông, vua cho rước bình xá-lợi vào cung chiêm ngưỡng rồi trả về chùa. Chúng ta được nghe hiện tượng xá-lợi Phật phóng quang, cứ tưởng như ở Ấn Độ hay Trung Hoa mới có, không ngờ trên miền đất Việt cũng được điềm lành.

Ngôi chùa hôm nay, bình yên giữa miền đất có nhiều thay đổi. Phố thị xa hoa, người người sang trọng đưa nhau đi lễ Phật, lướt qua những di tích của một thời xa xưa. Mùa xuân rồi cũng đi qua, nét đẹp của ngôi chùa thời cổ sơ, hình ảnh đạo đức tâm linh của chư Tổ cũng đi qua. Đứng trong sân chùa, khói hương phảng phất dưới diềm mái, một chút mưa nhẹ không ướt áo, như thầm nhắc: Bây giờ là mùa xuân, mình được đi thăm ngôi chùa di tích.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày