Bước thời gian

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1130 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1130 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ngày tháng trôi qua nhanh chóng, nhìn lại 40 năm, có nhiều thay đổi, đường vào thiền viện những cây lau trổ bông vào dịp tháng Mười không đổi khác.

Có những đám lau giữ yên được vị trí của mình, đợi gió tháng Mười thổi qua rồi đồng loạt trổ những bông lau nhọn mềm, vươn thẳng kiêu hãnh bên đường đi. Có một bụi lau còn sót ngoài mảnh đất đợi giá bán, cạnh nó là một ngôi nhà tường cao, cửa đóng.

Bông lau tự hỏi sao ngôi nhà kia không mở cửa đón gió mát, một năm sắp qua rồi. Khi đi ngang bông lau màu nâu đất, nhìn nó đúng hẹn với thời gian, tôi biết thời tiết đã chuyển mùa, mừng thay vẫn còn đồng cỏ lau y hẹn, nở mênh mông giữa những cuộc đổi thay. 40 năm, vẫn còn một số đất hoang vu, còn cỏ dại năm xưa. Người đã già, bao cuộc biến thiên xảy ra quanh đây, nhưng cỏ tới mùa cứ trổ bông, giữ y dáng của mình.

Thiền sư Văn Ích, nhân một hôm xem hoa mẫu đơn cùng Lý Vương, làm bài thơ nhắc nhở, trong đó có câu:

Phát tùng kim nhật bạch

Hoa thị khứ niên hồng.

Tóc hôm nay đã bạc

Hoa năm cũ vẫn hồng.

Có một dòng chảy ngang qua sinh mệnh, nhưng nhận thức là tánh biết không sinh diệt.

Năm 1982, Đại hội lần thứ nhất của Phật giáo tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được theo Ban Đại diện Phật giáo huyện Long Thành tham dự. Trong chốn quê mùa heo hút, ra phố thị có nhiều niềm vui. Quý thầy thời đó rất trẻ, hào khí, nhiệt tình đóng góp xây dựng đời sống Tăng-già phù hợp. Long Thành chưa phát triển, nói gì một xã nhỏ như chỗ chúng tôi. Mỗi lần đi họp, thấy thân quen chùa Bửu Lộc, thầy Trí Thâm - Chánh Đại diện Phật giáo huyện rất gần gũi, những buổi họp diễn ra giữa các người trẻ, bàn cãi sôi nổi xong dùng bữa cơm đạm bạc cười vui.

Quốc lộ 51 chỉ có một làn xe, hai bên nhà dân thưa thớt, 6-7 giờ tối đã đóng cửa. Một vài cây đèn dầu bày bên cửa sổ bán hàng, dáng người thư giãn chờ khách mua, không có kèn nhạc đèn chớp tắt rộn ràng. Một thời quá xa - viện chúng tôi hút sâu trong đêm, huynh đệ ngồi thiền quanh hành lang chánh điện, những ngôi sao lặng lẽ nhìn người ngồi lặng lẽ.

Năm 1987, thời gian trôi qua cũng được tính bằng vụ mùa, lúa đỏ đuôi đợi chín, gặt đập phơi xong cuốc ruộng cấy đợt đông xuân. Tháng Mười năm ấy, chúng tôi đi tham quan Hà Nội, nhân Đại hội Phật giáo kỳ II. Biết bao nô nức của những người lần đầu về thủ đô. Cả đoàn lên máy bay TU của Liên Xô, còn nghe râm ran tiếng một thầy:

- Tôi bán chiếc máy may, lấy tiền đi tham quan, cả đời mới có một lần.

Đoàn đi với tư cách chào mừng đại hội nên tổ chức sắp xếp chu đáo. Là dịp mở rộng cho Tăng Ni, Phật tử miền Nam viếng quê hương đất Tổ. Thầy trưởng đoàn dặn đi dặn lại, ăn nói đi đứng phải lịch sự văn hóa một chút, không phát ngôn thẳng thừng như trong Nam: “Đi nãy giờ mới gặp hai cái xe Honda”.

Được sắp xếp ở tại chùa Bà Đá, trụ sở Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội. Trên đường vắng êm, xe dừng trước cổng cũ xưa. Bước chân vào không gian tĩnh mịch. Trong một buổi nói chuyện đầu tiên, được biết mình đang ở trung tâm Thăng Long ngày xưa, gần bên hồ Hoàn Kiếm. Di tích tháp Báo Thiên một thời, nay chỉ còn những phiến đá im lặng. Tháp Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1057, tương truyền Thiền sư Minh Không sang nhà Tống xin đồng về đúc An Nam tứ khí.

Tại kinh đô, ngài cho đúc phần đỉnh của tháp Báo Thiên, đỉnh đồng chói ngời vươn cao khiến tất cả mọi nơi đều nhìn thấy. Ở chùa Quỳnh Lâm đúc một tượng Phật Di-đà cao gần 24m, tại chùa Phả Lại cho đúc đại hồng chung, tại chùa Phổ Minh thì cho đúc một cái vạc lớn. Từ đó, tháp Báo Thiên, tượng Quỳnh Lâm, chuông Phả Lại, vạc Phổ Minh trở thành biểu tượng tự hào, cũng là pháp khí quý giá của dân tộc.

Mới ngày đầu chạm mặt kinh đô, đã được nghe kể về một đoạn lịch sử Phật giáo, trôi chảy tự nhiên trong tâm thức Tăng-già. Tháp Báo Thiên bây giờ không còn, nhưng di tích một triều đại hùng mạnh chói ngời vẫn còn trong truyền khẩu.

Buổi sáng tại chùa Bà Đá, một tách trà thơm hương sen, trà ướp sen được đọc trong sách, bây giờ được thưởng thức. Rất khó quên cho đến mãi về sau. Rồi những ngày tiếp theo, đoàn đi ngang dọc thăm viếng khắp danh lam nức tiếng, tuy rất vội không dừng lâu nhưng bước qua từng nẻo ngõ cổ xưa, ngắm nhìn rêu phong mờ nhạt. Hồi đó, còn giữ nét thâm u tĩnh mặc.

Chùa xưa vang tiếng mõ

Gió thoang thoảng mùi trầm

Trăng dòm qua mái cổ

Rải ánh vàng trên kinh.

Tâm tình rất xúc động, mùa thu Hà Nội lần đầu được biết, để vương vấn trong hồi ức.

Cho đến bây giờ, dù có nhiều nhân duyên nên được đi ra đi về bằng phương tiện hiện đại. Hà Nội và các cảnh chùa quê có đổi thay, nhưng chắc rằng những người trong đoàn hồi đó còn giữ mãi ấn tượng lần đầu gặp gỡ. Bây giờ cũng là mùa thu. Người đi thăm mùa thu năm ấy đã già, nhưng “Ta vẫn còn em, mùa thu Hà Nội”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày