Kỳ 1: Những giọt nước tràn ly

Đây là những hồi ức sống động về một thời xuống đường tranh đấu chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm của lực lượng sinh viên Huế.

Là người trong cuộc, sinh viên Nguyễn Đắc Xuân, nay là nhà nghiên cứu nổi tiếng, đã tường trình những gì xảy ra tại Huế từ năm 1963, và tác động của nó đối với chính trường miền Nam lúc ấy.

Tôi là một sinh viên nghèo, gia đình ở nông thôn, chỉ gắn với Huế ở chỗ ngồi trong lớp học và bên cạnh tấm bảng đen, ở những gia đình tôi đến làm gia sư trên đường Phan Bội Châu (Phan Đăng Lưu ngày nay) và đường Trần Hưng Đạo, trước chợ Đông Ba. Trong môi trường đại học, dù có quy chế tự trị nhưng thực chất Tổng hội Sinh viên Đại học Huế lúc đó do đoàn sinh viên Công giáo nắm giữ. Những sinh hoạt đó xa lạ với tôi nên tôi luôn đứng bên tổ chức của sinh viên. Nhưng bất ngờ...

Giám mục Ngô Đình Thục (giữa), tổng thống Ngô Đình Diệm (phải) và cố vấn Ngô Đình Nhu - Ảnh tư liệu
Giám mục Ngô Đình Thục (giữa), tổng thống Ngô Đình Diệm (phải)
và cố vấn Ngô Đình Nhu  - Ảnh tư liệu

Đoàn sinh viên Phật tử Huế ra đời

Ngày 17-3-1963, 34 đoàn viên sáng lập họp khoáng đại tại nhà giảng chùa Từ Đàm. Hoàng Văn Giàu - cử nhân triết học, phụ khảo (Assistant) ban triết, Đại học Văn khoa, làm trưởng đoàn; Võ Văn Thơ (Đại học Sư phạm toán, phụ khảo ĐHSP); Thái Thị Kim Lan (sinh viên ban triết) làm phó đoàn; Phan Đình Bính (sinh viên y khoa) làm tổng thư ký. Các khoa trong Đại học Huế đều có đại diện. Đoàn có các ban chuyên môn: ban học tập giáo lý đạo Phật, ban hoạt động xã hội, ban văn hóa báo chí.

Từ ngày hôm ấy, bên cạnh các vị tăng ni uyên thâm giáo lý nhà Phật ở chốn thiền môn còn có thêm một lực lượng trẻ có học, năng nổ, hiểu biết mọi ngóc ngách của cuộc đời. Phụ khảo Hoàng Văn Giàu nhà ở ngã ba Thánh Giá - khu đồng bào Thiên Chúa giáo tiêu biểu của Huế, có phòng nghiên cứu đặt ngay trước lớp dự bị văn khoa của tôi. Giàu là người được các linh mục Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Hòa Nhã, Nguyễn Phương và sư huynh Ferdinand quý mến. Anh được bầu đoàn trưởng đoàn sinh viên Phật tử làm cho tôi rất bất ngờ. Các anh chị Võ Văn Thơ, Thái Thị Kim Lan, Phan Đình Bính và hàng chục sinh viên khác đều là những người nổi tiếng học giỏi, là những “con cưng” của cha Luận và các linh mục dạy Đại học Huế, bây giờ đứng ra thành lập đoàn SV phật tử bên cạnh đoàn SV Công giáo, càng làm cho tôi bất ngờ hơn nữa.

Anh Vĩnh Kha - bạn học cùng lớp với tôi ở Đại học Văn khoa, mời tôi vô đoàn sinh viên Phật tử. Tôi quy y Phật với hòa thượng Thích Đôn Hậu và được ban pháp danh Tâm Hằng từ năm 1956, đã cùng Vĩnh Kha học văn học Lý Trần với thượng tọa Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm, giờ được mời vô đoàn sinh viên Phật tử tôi thấy chẳng có gì phải suy nghĩ.Tôi làm đơn vô đoàn và được phân công vào ban văn hóa báo chí. Lúc ấy tôi đâu có ngờ mình vừa đặt chân lên một ngã rẽ cuộc đời.

Đoàn sinh viên Phật tử sinh hoạt được vài tháng, đang bàn định đến việc tập họp lực lượng ở Đại học Huế thì bất ngờ...

Tranh của họa sĩ Bửu Chỉ minh họa cho tự truyện của Nguyễn Đắc Xuân

Tranh của họa sĩ Bửu Chỉ minh họa cho tự truyện của Nguyễn Đắc Xuân

Chính quyền Diệm cấm treo cờ nhân ngày Phật giáo

Nhân sự việc 25 năm (1938-1963) ông Ngô Đình Thục tựu chức giám mục, công bộc họ Ngô quyết định quyên góp tiền bạc chuẩn bị tổ chức trọng thể lễ Ngân khánh cho ông vào ngày 29-6-1963. Ông Thục - anh ruột của tổng thống Diệm, là người có quyền uy nhất ở VN cộng hòa lúc ấy, và cũng là vị tổng giám mục cao tuổi nhất trong hàng giám mục VN nên ông hi vọng sau lễ Ngân khánh ông sẽ được tòa thánh Vatican phong làm vị hồng y giáo chủ đầu tiên của VN.

Một nhà báo của tờ Informations Catholiques Internationales kể rằng có lần ông Thục đã nói với ông ta rằng: “Ở VN có nhiều làng đòi làm lễ rửa tội tập thể một lần tất cả dân chúng trong làng và Giáo hội Công giáo không đủ sức cung cấp số người dạy đạo cho họ”. Nhiều lần ông Thục tuyên bố “80% dân chúng trong địa phận Huế của ông là Kitô hữu”. Để chứng tỏ điều đó là có thật, mỗi lần có lễ lược gì thì ông Thục cho cắm cờ Vatican từ nhà thờ La Vang (Quảng Trị) vô đến nhà thờ Phủ Cam (Huế). Lần cắm cờ Vatican sau cùng diễn ra vào ngày 6-5-1963.

Đúng vào thời gian chuẩn bị tổ chức lễ Ngân khánh, Phật giáo cũng chuẩn bị tổ chức đại lễ Phật đản 2507. Tại Huế, khắp mọi nhà, trên mọi nẻo đường, phật tử treo đèn, treo cờ Phật giáo thế giới rực rỡ. Ở đầu các ngõ đường đều dựng cổng chào kết hoa lá và đặt hương án, treo ảnh Phật Thích Ca Mâu Ni để bái vọng. Cố đô Huế biến thành một rừng cờ phật giáo. Chứng tỏ Huế có đến 90% dân chúng theo đạo Phật. Sự kiện này vô tình đã diễn ra đúng vào lúc phái đoàn đại diện Vatican qua miền Trung. Đó là một nguy cơ cho lễ Ngân khánh sắp tới và chức hồng y trong tương lai của ông Thục. Ông Thục vô cùng tức giận bèn điện thoại ngay cho tổng thống Diệm bắt phải dẹp bỏ ngay chuyện treo cờ Phật giáo. Thế là công điện 9195 cấm treo cờ Phật giáo trong lễ Phật đản 2507 của phủ tổng thống ra đời.

Công điện 9195 ra đến Huế vào chiều 7-5-1963 (là 14 tháng 4 năm Quý Mão). Đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương, tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng thành phố Huế Nguyễn Văn Đẳng báo cáo ngay với cố vấn Ngô Đình Cẩn. Cẩn đề nghị xin hoãn thi hành công điện ấy để giữ quan hệ với chùa Từ Đàm. Trong lúc ông Cẩn và các quan chức đang bàn thảo nên hay chưa nên thì có người đem thư của tổng giám mục Ngô Đình Thục đến. Thư chỉ là một mảnh giấy nhỏ với mấy chữ: “Mai tôi đi La Vang, nếu còn thấy cờ Phật treo nhiều thế nữa thì các ông liệu đấy...”. Cuộc hội ý ngắn ngủi chấm dứt.

5 giờ chiều hôm ấy, công việc trang trí để đón Phật đản của phật tử Huế vừa xong thì thấy ngoài đường ùn ùn xe công an cảnh sát với xe loa thông tin đọc lệnh của phủ tổng thống. Họ yêu cầu phải tháo bỏ tất cả cờ Phật giáo, nếu ai trái lệnh sẽ bị tội. Quá bất ngờ, dân chúng hoang mang chạy lên chùa Từ Đàm - trụ sở của Giáo hội Phật giáo, hỏi.

Các vị lãnh đạo Phật giáo ở Huế cũng bất ngờ nên hai đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Thích Giác Nhiên dẫn đầu một phái đoàn đến tư dinh của tỉnh trưởng trên đường Lê Lợi chất vấn về lệnh triệt hạ cờ Phật giáo. Trong lúc đó đoàn sinh viên Phật tử cùng với 5.000 phật tử kéo xuống biểu tình trước tòa tỉnh trưởng phản đối công điện cấm treo cờ Phật trong ngày Phật đản sắp đến. Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng thấy không thể làm gì khác hơn nên đã liều mạng tuyên bố tạm thời chưa thực hiện công điện 9195. Tưởng như thế là yên.

Phục vụ mùa Phật đản 2507, Đài phát thanh Huế dành cho gia đình phật tử phát một chương trình vào tối 6-5, dành cho đoàn sinh viên phật tử Huế chúng tôi vào tối 7-5, và sẽ dành cho giáo hội phát lại cuốn băng đại lễ Phật đản diễn ra tại chùa Từ Đàm sáng 8-5-1963 (tức rằm tháng tư năm Quý Mão) như mọi năm. Chương trình phát thanh hai đêm 6 và 7 không có vấn đề gì. Nhưng tối 8-5-1963, Đài phát thanh Huế không cho phát cuốn băng đại lễ Phật đản có ghi lời phát biểu của thượng tọa Trí Quang.

Thay vào chương trình phát thanh của Giáo hội Phật giáo bằng một chương trình ca nhạc. Hàng vạn phật tử Huế liền tắt máy thu thanh kéo nhau đến Đài phát thanh Huế ở đầu phía nam cầu Trường Tiền. Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng đến yêu cầu đồng bào hãy về. Thượng tọa Thích Trí Quang cũng được mời đến khuyên đồng bào hãy bình tĩnh và giải tán, mọi việc thương lượng với chính quyền đã có Giáo hội.

Nhưng đồng bào không chịu giải tán và cương quyết đấu tranh với hi vọng chính quyền sẽ nhượng bộ và cuốn băng Đại lễ Phật đản sẽ được phát. Nhưng không. Đáp lại nguyện vọng của hàng vạn đồng bào phật tử Huế, một đoàn xe thiết giáp và hàng chục lính súng cầm tay lưỡi lê giương thẳng, do thiếu tá phó tỉnh trưởng nội an Đặng Sĩ chỉ huy, xuất hiện. Họ xông vào khuôn viên Đài phát thanh đông nghịt người.

________________________

Binh lính tấn công Đài phát thanh Huế, giải tán biểu tình. Nhiều người chết và bị thương. Cuộc tranh đấu chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu.

Kỳ tới: Súng đã nổ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày