Vào hạ tuần tháng 5-1966, qua tin tức của các đài phát thanh BBC, VOA, chúng tôi biết Thiệu - Kỳ bất chấp những thỏa thuận với quý thầy lãnh đạo của Phật giáo. Họ sửa soạn cử tổng giám đốc cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan đưa quân, xe tăng M41 ra Đà Nẵng để từ đó tiến quân dẹp phong trào vận động hòa bình dân chủ ở Huế.
“Phật xuống đường”, sinh viên ra tối hậu thư
Ông Nguyễn Ngọc Loan còn tuyên bố nếu ra Huế ông ta sẽ bắt hiếp sư cô Trí Hải - người phiên dịch tiếng Anh của thầy Thích Trí Quang, trước mặt mọi người cho biết tay. Biết thế nên sư bà Thích Nữ Diệu Không đã gửi sư cô Trí Hải vào nhà một phật tử, bà con của Nguyễn Ngọc Loan, nên khi Nguyễn Ngọc Loan ra Huế không tìm được sư cô Trí Hải. Trước viễn cảnh đẫm máu đó, thầy Thích Trí Quang - linh hồn của các cuộc tranh đấu trong ba năm qua, rất đau xót nhưng không còn cách chi để chặn đứng được bước tiến của lũ người hung bạo.
Cuối cùng thầy phải dùng đến hạ sách là kêu gọi dân chúng bưng bàn thờ Phật ra đường, hi vọng lũ người hung bạo kia sẽ chùn bước. Nhưng thầy lại nhầm. Bọn người theo chân Nguyễn Ngọc Loan đã xem những bàn thờ Phật kia không hơn một bụi cây, một đống cỏ khi xe tăng của chúng tràn qua. Sau khi “Phật xuống đường”, tình hình tranh đấu ở Huế trở nên căng thẳng, dồn dập. Sinh viên tổ chức tuyệt thực ngay trước tòa lãnh sự Mỹ trên đường Đống Đa và gửi thư cho Chính phủ Mỹ nêu nhiều vấn đề giống như một tối hậu thư. Nội dung tối hậu thư này nêu lại những điều đã nêu với Mỹ khi Mỹ giúp Thiệu - Kỳ đưa quân ra Đà Nẵng hồi đầu tháng 4-1966. Tôi chưa tìm lại được tối hậu thư này, nhưng còn nhớ đại khái mấy điểm: 1. Xác định tất cả những hoạt động quân sự đàn áp của Thiệu - Kỳ đã và sẽ diễn ra đối với phong trào đấu tranh đòi dân chủ, hòa bình của quần chúng VN đều do người Mỹ viện trợ, do đó người Mỹ phải chịu trách nhiệm; 2. Nếu người Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tay cho Thiệu - Kỳ thì sinh viên Huế sẽ lần lượt thực hiện những việc sau đây:
a) Người Huế sẽ bất hợp tác với Mỹ trên mọi hoạt động trong và ngoài thành phố Huế; b) Sẽ hạ ba cột ăngten đài phát thanh Tự do của Mỹ trên cánh đồng Thanh Lam, huyện Hương Thủy; c) Đốt USIS - cơ quan thông tin văn hóa của Mỹ trên đường Lý Thường Kiệt; d) Đốt tòa lãnh sự Mỹ trên đường Đống Đa.
Tối hậu thư của sinh viên vẫn được trả lời như cũ “Chính phủ Mỹ chỉ viện trợ cho một chính phủ hợp pháp ở Sài Gòn để chống cộng sản”. Đáp lại thái độ ngoan cố của Mỹ, sinh viên và quần chúng Huế thực thi những điều đã thông báo với người Mỹ: việc người Huế bất hợp tác với Mỹ đã thực hiện từ trước khi có tối hậu thư. Chuyện hạ ba cột ăngten ở cánh đồng Thanh Lam không diễn ra vì lẽ ba cột ăngten ấy đã xoay hướng phát thanh vào Sài Gòn từ hồi phong trào tranh đấu chiếm Đài phát thanh Huế từ trung tuần tháng 3-1966, chứ không như thiết kế của Mỹ chỉ phục vụ tuyên truyền với đồng bào miền Bắc Việt Nam.
Nói là làm!
Xế trưa 26-5-1966 sinh viên đốt cơ quan USIS. Thượng tọa Thích Trí Quang đứng trên xe mui trần kêu gọi hạn chế sự đốt phá vẫn không dừng được ngọn lửa căm hờn. Sáng 31-5-1966, nữ sinh Nguyễn Thị Vân tự thiêu trước sân chùa Thành Nội để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ đang thực hiện ở VN. Trong mấy bức thư viết tay của Vân để lại có một thư gửi cho Tổng thống Mỹ Johnson. Vân là con bác Khả - thợ sửa xe máy, nhà ở ngay bên ngoài cửa Thượng Tứ.
Mọi người liền kéo đi biểu tình chống Mỹ, kêu gọi dân chúng trả thù cho nữ sinh Nguyễn Thị Vân. Khoảng 8g sáng 31-5-1966, dân chúng bao vây tòa lãnh sự Mỹ trên đường Đống Đa. Lãnh sự Mỹ Corcoran đã đưa vợ con xuống Phú Bài tị nạn trong các trại lính Mỹ từ mấy hôm trước. Tòa lãnh sự chỉ còn vài người Huế làm thuê gác cổng thôi. Không một người nào của tòa lãnh sự dám có hành động hay nói năng khiêu khích đồng bào. Họ im re. Trước khi nổi lửa đốt tòa lãnh sự, thanh niên sinh viên học sinh hạ cờ Mỹ xuống và xé trước ống kính của nhiều phóng viên báo chí, truyền hình ngoại quốc.
Những ngày đấu tranh cuối tháng 5-1966 ở Huế có thể xem là đỉnh cao của lịch sử 12 năm (1963-1975) phong trào đô thị chống Mỹ ở miền Nam VN. Lần đầu tiên trên thế giới có một tòa lãnh sự của đại cường quốc Hoa Kỳ bị đốt cháy. USIS bị đốt ngày 26-5, ngày 31-5-1966 cơ quan đại diện ngoại giao ở cố đô Huế lại bị thiêu rụi. Quân đội VN cộng hòa chỉ đứng trơ mắt ngó chứ không giúp được gì cho “bạn đồng minh”. Tổng thống Johnson rất ngao ngán trước tình hình đấu tranh ở các đô thị miền Nam. Sau này đọc công trình nghiên cứu Phong trào hòa bình Phật giáo Miền Nam (1964-1966) của tiến sĩ Robert Topmiller, Đại học Kentucky (Unleashed Lotus, the Buddhist Peace Movement in South Vietnam 1964-1966), tôi được biết nếu không có sự cam kết của Thiệu - Kỳ sẽ dẹp tan phong trào đấu tranh của Phật giáo, sinh viên, học sinh ở miền Trung bằng vũ lực hồi ấy, Chính phủ Mỹ đã tìm cách rút khỏi VN bằng con đường thương thuyết hòa bình rồi. Nhưng các ông Thiệu - Kỳ đã không cho lịch sử diễn ra như thế.
Nữ sinh Nguyễn Thị Vân giấu gia đình đi tự thiêu. Khoảng 3 giờ sáng Vân dậy lấy trộm của cha một can xăng 5 lít và đi vội vào chùa Thành Nội, gần phía tay mặt bên trong cửa Thượng Tứ. Vì quá uất ức sự ngoan cố của chính phủ Johnson, Vân tưới xăng lên người và quẹt lửa đốt. Ngọn lửa phựt lên và chỉ làm cho Vân bị bỏng nặng nhưng không chết. Khi được báo tin tôi và anh Vĩnh Tùng và một số anh em nữa chạy vào thấy người nhà của Vân đang vây quanh. Anh Tùng la hoảng bảo gọi xích lô đưa Vân đi bệnh viện gấp. Vân cố gắng nói như van nài: Mấy anh đổ thêm xăng cho em được mãn nguyện hiến dâng cho hòa bình. Vĩnh Tùng la lên: “Không được. Không được. Giáo hội không cho phép”. Xe đến, Vân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế. |
__________
Chính quyền phát lệnh truy nã Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Tác giả phải trốn vào các chùa, cạo đầu, mặc áo cà sa.
Kỳ tới: Trốn lệnh truy nã, mặc áo cà sa