Là Phật tử, kiên quyết không "hôi của"

Vụ hôi của ở Bình Định xôn xao dư luận đầu tháng 11-2016
Vụ hôi của ở Bình Định xôn xao dư luận đầu tháng 11-2016

GNO - Vụ việc mới nhất xảy ra ở Quy Nhơn (Bình Định) và thông tin mới nhất, công an sở tại yêu cầu người hôi của trả lại hàng. Đương nhiên phải trả lại hàng, vì đó là những tài sản không phải của mình, trong lúc họ gặp nạn và người “hôi của” đã lấy đem về. Xét cho cùng, đấy cũng là hành vi cướp giật công khai của một nhóm người.

Không phải của mình mà lấy đã là việc không đúng, trong khi lấy của người khác lúc họ đang gặp nạn thì càng là điều không nên, khó chấp nhận.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, một vụ hôi của đình đám đã bị dư luận lên án. Cụ thể, vào ngày 4-12-2013, tài xế Hồ Kim Hậu (quê Bình Định) - lái xe của Công ty TNHH Vận tải Tuấn Trang (Khánh Hòa) điều khiển xe tải chở 1.360 thùng bia, lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng TP.HCM về tỉnh Bình Thuận, gặp nạn tại vòng xoay Tam Hiệp (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) do bị mất lái. Nhiều người đã nhào vô hôi của, để rồi cuối cùng, vụ việc dẫn tới một vài người đã phải hầu tòa.

Có nhiều lý do để lý giải cho việc hôi của, trong đó có việc bị chi phối bởi tâm lý đám đông - khi thấy nhiều người làm việc gì đó thì người trong cuộc (gặp phải hoàn cảnh đó) cũng bắt chước làm theo. Tất nhiên, để bị chi phối bởi đám đông là do bản thân chúng ta không đủ vững chãi để định vị chính mình: nên và không nên làm gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Lòng tham, thiết nghĩ ai cũng có, nên việc bị lòng tham thúc bách làm những việc xấu xí, tệ hại, đi ngược lại quy chuẩn đạo đức của xã hội là điều dễ hiểu. Nhưng, nếu vượt quá mức có thể chấp nhận thì đương nhiên sẽ trở thành hành vi xấu xí cần được điều chỉnh bởi các thiết chế xã hội, trong đó có dư luận, luật pháp...

Là người học Phật, hẳn ai cũng biết tham-sân-si là ba món độc dẫn dắt con người trầm luân, xuống lên trong vòng luân hồi sáu nẻo, vì vậy, thực tập lời Phật dạy, mà bước đầu là quy y Tam bảo, phát nguyện giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức (năm giới: tôn trọng sự sống mọi loài - không sát hại; tôn trọng sự thật - không nói sai sự thật; tôn trọng tiết hạnh - không tà dâm; tôn trọng tài sản của người khác - không tham lam, trộm cắp; gìn giữ sự tỉnh táo - không nghiện ngập).

Khi có sự tinh tấn giữ gìn nguyên tắc đạo đức cao đẹp (giới) thì tâm hồn sẽ dần thanh sạch, định-tuệ sẽ phát khởi để hành giả vững chải trên bước đường tu.

Trên tinh thần đó, là Phật tử - không những không thực hiện hành vi hôi của (giữ giới không tham lam, trộm cướp) - mà còn dốc sức sẻ chia trong khả năng của mình cũng như luôn ngăn chặn hành vi xấu bằng lòng từ, trí sáng của mình.

Thực tế, trong bất kỳ xã hội văn minh nào, mỗi người đều quan tâm và mong muốn được hướng đến sự lương thiện để hoàn thiện mình, do vậy, việc đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác, cũng như những hành vi xấu xí như hôi của, ăn cắp vặt (ngay cả với những người có học, có địa vị, công việc ổn định như tiếp viên hàng không chẳng hạn cũng tồn tại thói tật không tốt này) là cần thiết.

Tất nhiên, trong quá trình làm việc đó, mỗi người cũng nên tự nhìn lại mình xem việc lên án hành vi xấu ấy là do mình muốn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn hay chỉ để minh chứng (tệ hơn là che giấu) cho cái xấu của bản thân, cho chính thói tật đang lên án mà chính mình cũng có.

Thực sự, có rất nhiều người “ném đá” là vì muốn chứng tỏ tôi là người tốt, thậm chí là một biểu hiện của “tâm lý đám đông” khác: thấy người ta nháo nhào lên án thì mình cũng làm theo. Trong trường hợp này - đó là đánh hôi - cũng là việc cần nhìn lại, dừng lại!

Chúc Thiệu

_____________

* Bạn đọc có góc nhìn nào về hành vi hôi của? Xin mời tiếp tục gửi ý kiến chia sẻ với Giác Ngộ, bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày