Lại thấy nôn nao hình bóng quê nhà…

Giác Ngộ - Ờ, thì nôn nao, thì nhớ, thì… nôn nao. Nhớ hình bóng quê nhà, là nhớ mẹ. Nhớ lúc mẹ lật đật chạy từ trong nhà ra ngõ đón mình về. Lúc nào đi về nhà mình cũng gọi mẹ từ ngoài ngõ gọi vào. Gọi để cảm cái vui trong lòng của mẹ, cũng là trong lòng mình.

Lại thấy nôn nao hình bóng quê nhà… ảnh 1

Quê mình, hai hòn núi ni gọi là hòn Vung, núi Chúa

Mình thương mẹ. Đương nhiên. Nhưng mình xa mẹ, nên tình thương đôi khi cũng không tròn đầy. Xa mẹ là lỗi. Xa mẹ là là thiếu thốn. Lỗi bởi vì xa mẹ mình sẽ làm mẹ nhớ, mẹ lo. Lỗi vì có khi mẹ ốm đau mình đâu có bên cạnh để mua thuốc, để nấu cháo, để năn nỉ mẹ ăn cho mau khỏi… Thiếu thốn vì như một thi sĩ đã nói “mẹ là chuối ba hương, là xôi nếp mật…”, những gì ngon lành nhất được ví von với mẹ, với tình mẹ nhưng mình đi xa nên không có nhiều cơ hội để tận hưởng.

Hình bóng quê nhà còn là căn nhà nhỏ, ở đó có tượng Bụt, Bồ tát, có tiếng kệ kinh hôm sớm của mẹ. Có dây trầu sum suê mẹ trồng (mẹ trồng hồi ngoại còn sống, dây trầu chưa kịp lớn ngoại đã đi xa). Lâu lâu nhìn dây trầu mẹ cũng hay miên man nhớ, rồi kể với mình rằng: “Bà ngoại bây hồi nớ…”. Sau dấu ba chấm là những tháng ngày lam lũ, áo rách, nón cời (nón lá bị rách), là những bữa chạy chợ của ngoại. Và nhiều nhiều nữa!

Hình bóng quê nhà còn là những đợt gió mùa hè, mưa giông tháng 6, là những tiếng nước mưa rớt lộp bộp trên tàu lá chuối vào những ngày mưa tháng 10. Là nhớ những đêm ba bà con (ngoại, mẹ và mình) nằm chung trên cái chiếc giường, có cái mền rách một lỗ ở ngay dưới chân. Thế là ngoại và mẹ trở thành hai “cái mền” để mình khỏi rét giữa mùa đông. Thương lắm cái hồi nớ (thời ấy), là những năm mình còn học cấp 1, cấp 2…

Rồi bóng dáng quê nhà còn là con đường nhỏ, quanh quanh, co co. Hồi mình rời quê, con đường làng chưa phủ bê tông nên mùa mưa thường có sình lầy. Bây giờ bê tông hóa nông thôn, con đường láng coóng, xe chạy ào ào. Những hàng rào chè tàu được cắt tỉa đẹp hơn để tương xứng với những ngôi nhà mới xây lên, khang trang, bề thế. Quê mình chừ có nhiều đổi thay lắm. Lâu lâu vẫn “nghe ngóng” quê nhà, rồi lại được mẹ “báo cáo” những điều đại loại như thế. Mừng, mà cũng lo. Bởi hình như khi vật chất càng phát triển thì tình làng nghĩa xóm cũng nhạt dần. Ai đó gọi theo kiểu văn hoa, dùng từ chuyên môn là “đô thị hóa nông thôn”, kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”.

Cũng phải, chừ ở quê nhà ai cũng có tivi, xe máy nên đâu còn cảnh cả làng trên xóm dưới trưa trưa, tối tối chạy lên nhà cậu Sáu, bác Ba xem tivi. Hồi nớ xem phim Tây du ký, lúc nào cũng đông, tivi trắng đen, xem bằng bình ắc quy. Có khi đang xem giữa chừng, hết bình, cái màn hình co rúm lại còn có phân nửa, đen thui nhưng cũng sướng ơi là sướng. Lắm lúc xuýt xoa chạy về giữa chừng vì bình ắc quy hết, vì giông gió… Lại thương…

Hình bóng quê nhà chừ đổi thay lắm. Mấy đứa trẻ trẻ cỡ tuổi mình, với nhỏ hơn, chỉ cần học hết lớp 12 là “tháo chạy” khỏi quê nhà. Để đi làm ăn. Để đi học. Để đổi đời. Và… để dần quên tiếng quê, để mang về quê lối sống thị thành, để rồi hình bóng “tắt lửa tối đèn có nhau” dần trở thành ký ức xa xa, nhạt nhòa dần. Lớp trẻ kiểu 9x hoặc 10x gì gì đó làm sao có được những cuốn phim ngắn về tuổi thơ đầy nắng, gió, lam lũ mà rất đỗi bình dị, thân thương như mình?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày