Làm sống dậy mùa xuân

GN - Đi trên con đường của Bồ-tát, ngày nay, ta không chỉ riêng cần lắng nghe nhau. Hạnh lắng nghe của một vị Bồ-tát không chỉ gói gọn trong cộng đồng hay xã hội con người, ta còn phải lắng nghe tiếng kêu của tự nhiên, của vạn loại đã và đang góp tay tạo dựng sự sống trên mặt đất này.

Tiếng nói của sự sống

Trong cuốn sách The Hidden Life of Trees (Đời sống bí ẩn của cây) của Peter Wohleben, vị chuyên gia lâm nghiệp người Đức, được mệnh danh là “người hiểu ngôn ngữ của cây cối”, đã dẫn dắt người đọc bước vào một hành trình kỳ thú và chất chứa đầy sự ngạc nhiên giữa thế giới của các loài cây. Trong chuyến hành trình với Peter Wohleben, người ta thấy thực vật không hề là những giống loài vô tri vô giác, mỗi loài cây đều có ngôn ngữ và những bài học, cách sinh tồn riêng cho mình, biết rung cảm, xúc động và biết “nói”. Nghe qua có vẻ hoang đường, nhưng rất nhiều người gắn bó cuộc đời mình với ruộng đồng, rừng rẫy lại tin vào điều đấy. Họ tin rằng tự nhiên có tiếng nói và cuộc sống của riêng chúng, cũng sinh động không kém cuộc sống của con người. Cuộc sống đó vẫn âm thầm lưu chuyển suốt hàng triệu năm qua, nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho các tôn giáo, hệ tư tưởng và nghệ thuật ra đời.

BTN_0282.jpg


“Sái khô mộc nhi tác dương xuân, khiết uế bang nhi thành tịnh độ…” - Ảnh: Bảo Toàn

Đức Phật của chúng ta, nhà hiền triết vĩ đại bậc nhất của nhân loại gắn bó gần trọn những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời mình với thiên nhiên: đản sanh dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây và thị tịch cũng dưới gốc cây. Giáo pháp của Ngài song hành cùng tự nhiên, sự sống; những cảm hứng của tự nhiên cũng tràn ngập trong kinh điển từ Nam đến Bắc tạng. Những cái tên gắn chặt với thiên nhiên như Trúc Lâm, Kỳ Viên, Linh Thứu, Lộc Uyển,… là nơi Đức Phật thuyết giảng những bản kinh Nguyên thủy trong bốn mươi lăm năm hành hóa của Người trên cõi đất này; rồi bài học với cảm hứng từ những hình ảnh chung quanh như đất, nước, gió, lửa mà Thế Tôn dạy cho chú Rahula. Hay những hình ảnh mang đầy tính thi ca của kinh điển Đại thừa cũng thể hiện nguồn cảm hứng bất tận từ tự nhiên: ẩn dụ về cơn mưa và cây cỏ thuốc, hàng triệu vị Bồ-tát từ dưới đất xuất hiện,…

Những cảm hứng thiên nhiên cứ vậy mà âm thầm chảy trôi trong kho tàng kinh điển Phật giáo. Và nên chăng, ta cũng có thể coi đó chính là biểu hiện khác của sự sống, một “tiếng nói” khác của sự sống và tự nhiên biểu hiện trong triết lý của con người.

Hạnh nguyện của một vị Bồ-tát

Phổ môn là một phẩm vô cùng đặc biệt trong kinh Pháp hoa, bộ kinh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong truyền thống Phật giáo Á Đông. Phẩm kinh này nhận được sự kính ngưỡng, tôn sùng và hành trì nhiều hơn hết thảy. Đặc biệt, hình ảnh biểu trưng của phẩm Phổ môn: Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát chuyên hạnh lắng nghe, đã trở thành một hình tượng thân thuộc trong lòng người. Chúng ta đôi lúc gọi người là Mẹ. Mẹ thì luôn biết lắng nghe con mình, biết con cần gì và muốn gì, nghe được từng nhịp đập sâu xa nhất nơi cõi lòng con. Có lẽ vì vậy mà người ta đã dung hòa Bồ-tát Quán Thế Âm với người mẹ, hai hình tượng gần gũi với nhau về phẩm tính.

Khi ta thống khổ, bất trắc, ta tìm tới bên Ngài, tìm sự an ủi che chở nơi Ngài và đôi khi cũng mong mỏi một sự lắng nghe từ Ngài. Nhưng một vị hành giả đi theo bước chân của Bồ-tát Quán Thế Âm không thể chỉ gói gọn mình trong phạm vi của sự lễ lạy, tụng niệm mà còn phải hành. Hành ở đây là lắng nghe. Lắng nghe nỗi khổ của mình, nỗi khổ của người và tìm cách xoa dịu chúng.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Sự sống trên hành tinh của ta tương tục không ngừng nghỉ, và tất cả sinh vật đều là một phần trong đó. Mặt đất không chỉ có con người, mà còn hàng triệu triệu những loài sinh vật khác. Đó có thể là những loài động vật có thể đi đứng nằm ngồi, di chuyển được như chúng ta; cũng có thể là những loài thực vật gắn chặt mình nơi đất. Dù cho ở hình thái nào, thì tất cả đều là một phần quan trọng của sự sống. Giả sử chỉ một loài biến mất thôi, thì sự nguy khốn với hành tinh xanh cũng đã lớn lao biết chừng nào.

Nhưng con người chúng ta, trong quá trình phát triển, lại đang tạo nên mối nguy hại cho vô số những giống loài khác. Biết bao tin tức đã và truyền đi hàng ngày: cái chết của những chú cá voi, hươu sao vì nuốt phải quá nhiều rác thải ny-lông, tiếng kêu xé ruột của chú rùa biển vì bị một chiếc ống hút nhựa cắm ngập trong mũi, hàng trăm cánh rừng trên khắp thế giới chìm trong lửa đỏ, hạn hán bão lũ bất thường,… đó chính là những tiếng kêu thống thiết của tự nhiên, của các loài sinh vật đang cùng ta chung sống trong cõi đất này. Con người mong mỏi Phật, Bồ-tát, hay các bậc xuất trần lắng nghe lời nguyện cầu của mình, ấy vậy mà trớ trêu thay, dường như chúng ta chẳng lắng nghe được mọi loài quanh ta. Mỗi ngày chúng ta vẫn sống, mải miết tiêu thụ và lạnh lùng thải ra bao nhiêu thứ có thể gây tàn hại đến tự nhiên giới. Rồi chúng ta lại cầu nguyện, lại mong mỏi Phật, Bồ-tát nghe tiếng chúng ta, dùng oai lực để bảo hộ chúng khỏi những thiên tai, tật ách.

Vậy, ai sẽ lắng nghe tự nhiên?

Sái khô mộc…

Hơn bao giờ hết, con người cần phải nhìn lại và hành động. Mặt đất đang xáo động mạnh mẽ. Những con sông đã lên tiếng, những ngọn núi đã cất lời, những cánh rừng đang van vỉ,… Chúng ta không thể làm ngơ. Những người con Phật tự ngàn năm qua đã tiếp thọ được bài học thiểu dục tri túc mà Đức Thế Tôn từng dạy. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải mang bài học ấy đi vào cuộc đời. Hơn một trăm năm kể từ cuộc đại cách mạng công nghiệp khởi đầu từ nước Anh, nhân loại đã đi tới nhanh hơn bao giờ hết, hùng mạnh và hiện đại hơn bao giờ hết. Nhưng nhân loại cũng đã và đang chứng kiến những nỗi đau khổ và bất hạnh lớn lao chưa từng có. Chiến tranh, xung đột vẫn còn âm ỉ và dai dẳng, chủ nghĩa tiêu thụ đẩy con người tới tận cùng của cô độc, và cũng đẩy dần Trái đất đến bên bờ vực của suy kiệt và diệt vong. Nhiều người đã nhận ra được vấn đề, đã lắng nghe được tiếng kêu cứu của tự nhiên và hành động vì sự sống còn của tự nhiên, cũng là của con người.

Khi chúng ta lắng nghe được và biết hành động, giảm thiểu sự tiêu thụ có thể gây hại đến môi trường và gây thêm khổ đau cho các loài sinh vật khác, cũng đồng nghĩa, ta đang hành động cho chính sự sống, mà ta là một phần phụ thuộc trong đó. Hành động của một vị Bồ-tát không nằm ở cái siêu phàm mà ở chính ngay biết bao điều nhỏ nhặt, ví dụ như bớt đi những hành động tạo nên rác thải gây hại hay tiêu hao quá nhiều năng lượng gây ảnh hưởng đến môi trường và các giống loài khác.

Không ít người trong chúng ta từng nghe đến những câu văn rất hay trong bài pháp ngữ thường được sử dụng khi thực hiện nghi thức cam lồ sái tịnh ở chốn thiền môn: “Sái khô mộc nhi tác dương xuân, khiết uế bang nhi thành tịnh độ…” - Rưới (nước này) lên làm cho mùa xuân sống dậy từ cây khô, dựng nên cõi tịnh từ trong uế trược. Đó là những câu văn rất hùng tráng, tán dương sức mạnh lớn lao nơi giọt nước cành dương trên tay Đức Quán Thế Âm. Giọt nước ấy tuy bé nhỏ nhưng lại chứa đựng trong nó một tình thương vô biên phát xuất nơi đại bi tâm của Bồ-tát.

Sự lắng nghe tạo nên tình thương, tình thương nuôi dưỡng đại bi tâm, và từ đại bi tâm, điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể tạo ra sức chuyển hóa lớn lao nhất. Và khi ta làm nên những việc lành nhỏ nhặt nhất, bằng cả tình thương yêu và cảm thông với tự nhiên và mọi loài, ấy cũng là lúc sức mạnh chuyển hóa lớn lao bắt đầu được tạo nên. Những giọt nước mầu nhiệm trên tay Bồ-tát Quán Thế Âm phải được gieo xuống mãi hoài trên đại địa, bằng sự nối dài của cánh tay những kẻ noi theo công hạnh Bồ-tát, bằng tình thương và sự tỉnh thức. Chúng ta phải làm sống dậy và gìn giữ mùa xuân cho vạn loại, cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày