Làm từ thiện ở “vùng đất khó”

Giác Ngộ- Cô gọi điện cho tôi, bảo: bị công an xã gọi lên, rồi tới công an huyện gọi lên. Hỏi: “Bà làm như vậy nhằm mục đích gì”; “Ai trả lương cho bà mà bà làm như vậy”, rồi gán cho cô đủ thứ, nào là “phản động”, nào là “âm mưu”. Nhưng cô thản nhiên cười, đáp rằng: “Lương tâm tôi trả lương cho tôi. Tôi thấy người dân quanh tôi mê muội bởi mê tín dị đoan, bởi sự vô minh nên không đành lòng”…

Gần 3 năm nay, người phụ nữ chừng 60 tuổi, là dược sĩ ở vùng quê xa xôi và chồng - một viên chức nhà nước đã bỏ tiền nhà ra mua hàng trăm cuốn sách nhập môn đạo Phật, đĩa pháp đàm, pháp thoại về đạo Phật của các chùa Hoằng Pháp, chùa Giác Ngộ, của Ban Ấn tống kinh sách THPG TP.HCM và nhiều vị Tăng Ni có uy tín khác về tặng miễn phí cho người dân quê mình hay đến chùa niệm Phật trong những dịp ngày rằm, ngày mồng một âm lịch.

“Tôi hỏi một số bà già hay đi chùa rằng, có biết ý nghĩa của cụm từ “ Nam mô A di đà Phật” là

2.jpg

Cô Nguyễn Thị Mát

 Ảnh: N.T.H

gì không thì họ đều lắc đầu, chịu. Theo Phật mà không hiểu Phật thì có ích gì” - cô nói. Nói vậy nhưng thương, cô và một người bạn trẻ tuổi, vốn có tâm mộ đạo đã đứng ra tổ chức cho những người năng đi chùa lễ Phật tham dự một khóa tu ngắn hạn định kỳ tại một đạo tràng ở một tỉnh bạn, cách làng chừng 40 - 50 km; nhưng cũng bị người ta hạch sách, bị điều tra là nằm trong tổ chức nào, nguồn tiền từ đâu...

Về sau họ mới hiểu ra đó là do tiền túi của cô và tấm lòng vì muốn mọi người hiểu hơn về giá trị của lời Phật dạy… “Buồn lắm! Nhiều khi tôi cũng không hiểu là tại sao những điều Phật dạy là đúng đắn, phù hợp với đời sống lại bị coi rẻ, còn những thứ mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, mặc cả với thánh thần thì người ta lại ùn ùn kéo tới. Các cụ đã dạy: Phật tại tâm, theo Phật để tu tâm dưỡng tính, nhưng tại sao ngày nay người ta cứ lễ to bái lớn, rồi cầu xin đủ thứ. Phật đã dạy không sát sinh, mà sao cúng Phật, họ vẫn mâm cao cỗ đầy đồ mặn?”.

Tặng vài trăm đĩa pháp thoại, pháp đàm về đạo Phật cho dân quê, “Người ta có nghe, nhưng nghe rồi để đấy, vì bảo rằng: “Chúng tôi theo Sư, chứ không theo những người ở đâu xa xôi”. Những lúc ấy cô nhủ thầm, chắc do nhà cô chưa đủ duyên để người ta hiểu đúng đắn về đạo Phật cũng như văn hóa nhà Phật. Theo Sư nên chùa làng có tới 3 vị Ni cai quản, nhưng lễ lạt thì vàng mã vẫn chất đống, rồi đồ mặn ùn ùn chất ở cửa Tam bảo.

Gần 3 năm nay, vợ chồng cô chú bỏ công quét vôi, lát sân tập, mua vợt cầu lông cho trẻ con trong xóm tới chơi ở ngay sân nhà mình, dù “cứ vài ngày là phải thay một quả cầu lông mới”. Và mới đây, cô chú lại tíu tít biến nhà mình thành một điểm đọc sách miễn phí dành cho mọi người, mà việc đầu tiên là đặt thợ mộc đóng một giá sách trị giá 3,5 triệu đồng. “Thợ mộc bảo là nếu đóng giá sách bằng ván ép thì rẻ hơn, nhưng cô chú quyết định là đóng tủ sách có 7 tầng, bằng gỗ cho chắc chắn, chứ ván ép thì vài tháng là hỏng. Sách thì chưa nhiều, nhưng cháu biết ai thích đọc sách trong vùng hay tìm hiểu về đạo Phật thì cứ giới thiệu tới nhà cô chú nhé”.

IMG_2473.jpg
Nhiều năm qua cô Mát đã làm một thư viện tại nhà
cho mọi người đến đọc miễn phí- Ảnh: N.T.H

Làm từ thiện ở một nơi chưa hiểu về đạo Phật, con người ở đó còn hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là sự hiểu biết, thì thật khó. Bởi lẽ, một bộ phận cư dân trong vùng ấy cứ có câu cửa miệng là “làm như thế có được tiền không, có lợi gì không, có được ai trả lương không?”. Thậm chí, một người bạn của gia đình cô vốn có vài chục năm đứng trên bục giảng, khi thấy một số bạn trẻ trong vùng hoạt động tình nguyện cũng buông một câu: “Làm thế để làm gì, có lợi lộc gì không”.

Ấy là giáo viên, trí thức làng quê còn vậy thì trách gì người nông dân, người ta đã chú tâm quá nhiều đến những giá trị vật chất mà bỏ qua những quan hệ về lòng từ, về sự quan tâm và chia sẻ từ những người xung quanh. Họ đã bỏ qua giá trị của cuộc sống.

Tôi luôn tự hỏi trong một lúc nào đó, lòng tốt của cô có mệt mỏi không. Hỏi vậy nhưng tôi biết và hiểu việc làm của cô. Những việc cô đã làm vì người dân ở làng quê dù chưa có hiệu quả trông thấy ngay nhưng nó sẽ dần dần được hiểu và chia sẻ vì lẽ việc tốt và người tốt vì cộng đồng thì luôn được ủng hộ. 

Người đàn bà đa đoan ấy là cô Nguyễn Thị Mát, dược sĩ ở làng Nguyên Xá (tên nôm là làng Vược, nơi có đình Vược - ngôi đình đá đồ sộ, duy nhất còn lại ở Việt Nam) thuộc xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày