Lắng đọng từ khóa tu Phật thất chùa Hoằng Pháp

GNO - Lễ vía Đức Phật A Di Đà năm nay (2018), lần đầu tiên tôi trải nghiệm khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp (TP.HCM). Đây cũng là lần đầu tiên tụng kinh, lần đầu tiên biết cách chắp tay lạy Phật thế nào là đúng - của một Phật tử đã đọc nhiều cuốn sách về đạo và nghe nhiều bài pháp thoại mà chưa đến chùa.

Suốt một hành trình kỳ diệu 7 ngày là những cảm xúc tuyệt vời, nhiều lúc lòng bình an vui vẻ mà mắt ngấn nước dù tự nhắc mình rằng đang an lạc mà, đừng rơi nước mắt, đừng chìm đắm quá trong niềm vui hoặc nỗi buồn.

anh DL.jpg


Đêm hoa đăng mừng Khánh đản Đức Phật A Di Đà năm 2018 tại chùa Hoằng Pháp

Bữa sáng cuối cùng trước khi rời chùa, đứng tại chỗ ngồi 7 ngày - là chiếc bàn cạnh cửa sổ nhìn ra nghĩa trang, tự nghĩ rằng từ ngày mai không được ngân vang tiếng tụng kinh an nhiên cho những hương linh ngoài kia, những cánh chim, những lũy tre, lùm cây, những mây trời và cảnh sắc 3 thời sáng trưa tối luôn luôn thay đổi.

Tịnh khẩu, quên đi những ồn ào của cuộc sống thường ngày, quên tuyệt đối. Chiều chiều thấy một số bạn đồng tu đứng trên ban công nhìn ra dòng người đến chùa chiêm bái, mình không bao giờ đứng đó, không đưa ánh mắt nhìn đời nữa, cuộc sống chỉ trong không gian của chùa thôi.

Mỗi lần ăn chay, thanh đạm, nhìn vào bát cơm và thấy vạn vật trong đó, thấy những hạt mồ hôi của người nông dân, thấy công sức của những người đến làm công quả trong chùa, thấy đất, gió, lửa, nước, không khí, thấy vạn vật điều hòa; và thấy… ngon. Thấy sự may mắn của những bữa cơm đủ đầy ngoài đời, thấy sự may mắn của việc được ngồi đây ăn những bữa cơm thanh đạm, thương những người vất vả để đủ ăn và thương những người không đủ cơm no. Bữa nào cũng 3 bát, ăn chậm, ăn vui trong tĩnh lặng.

Rồi đi kinh hành, chân đi phải đúng nhịp, miệng niệm Phật, tay đúng tư thế. Rất nhiều người đổ trái, đổ phải, đi lênh khênh. May mắn rằng trước khi bước những bước đầu tiên trong đầu vang lên tiếng thầy Thích Nhất Hạnh nói "vững chãi, thảnh thơi", và cứ thế rảo bước, loại bỏ mọi tạp niệm, chỉ có tiếng niệm "Nam mô A Di Đà Phật" chân không hề phải tính, phải đếm mà hầu như không sai bước nào, lòng vui vẻ như đứa trẻ đi bên đức Phật, đi những bàn chân Phật từng đi, đi an lạc cho mình và cho người thân, bạn bè, cho khắp tất cả mọi người.

Niệm Phật cũng thế, vì trình độ kém nên mắt nhắm lại để tắt đi thị giác. Miệng niệm Phật thấy lòng an lạc, tự nghĩ rằng Phật hiện tiền ở đây với con, trong lòng con. Niệm Phật để tán dương công đức Phật, niệm Phật để nhớ lòng từ bị của Người, niệm Phật để xua tan những tăm tối trong lòng. Dù là thời khóa tụng niệm 4hgsáng hay tối trước khi ngủ, chưa hề thấy buồn ngủ, dù đôi khi thấy tiếng ngáp của ai đó cạnh bên.

Gần 2.000 Phật tử cùng ăn ngủ chung như nối dài một tình thương mến đơn sơ mà đẹp đẽ, có thể ngoài đời là anh taxi, chú thợ xây, người thương gia hay diễn viên, ca sĩ. Vào đây không ai biết ai, ngay cả cái tên vì tịnh khẩu, chỉ tiếp xúc với nhau bởi những nụ cười. Tăng đoàn hiền lành và thân thiết.

Các thầy trong chùa nhiều người còn trẻ quá, mà dù lớn hay nhỏ tuổi các thầy vẫn kính trọng người già, gần gũi người trẻ, trong cái nghiêm trang thanh tịnh là sự thân thiết chứ không xa cách. Rồi các thầy giảng sư ai cũng tài giỏi, pháp thoại sâu sắc, thâm diệu.

anh DL 2.jpg


Tác giả là một trong những hành giả dự khóa tu (khoanh tròn trong hình) - Ảnh: TGCC

Thời gian 7 ngày nhìn lại thấy trôi qua nhanh vùn vụt, bởi liên tục hoạt động chứ không nhiều thời giờ rảnh, mang theo sách Đạo vào chùa, tranh thủ đọc đêm ngày, đọc trong cả lúc mọi người ngủ trưa nên được kha khá mà không thể nào đủ, sẽ đọc dần tiếp.

Mong được tới khóa tu thứ hai, thứ ba. Mong được nghe tiếng thầy trong vắt hô kệ tĩnh tọa: "Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông chánh niệm đưa về nhất tâm", vừa về đã nhớ, đã mong quá mất rồi. Tại con còn phát tâm tu giữa cuộc đời này cho đến khi hết trần duyên nên cầu thường xuyên được về dưới chân đức Phật trong những khóa tu.

Cầu Phật gia hộ cho chùa, cho các thầy - những vị Tăng đưa Phật pháp tỏa sáng khắp muôn phương.

Nguyễn Đăng Lam

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày