GNO - Đối với tôi, Tết là dịp được về nhà lâu hơn sau những ngày chu du khắp chốn, về lại nơi mà mình có thể nhẹ lòng với gia đình, không lo nghĩ chuyện trên trời dưới đất. Tết là dịp kỷ niệm từ thời thơ ấu đem ra kể thành những câu chuyện dài bất tận.
Tết, ba má và các cháu - Ảnh: Huỳnh Đăng Khoa
Tết về, cảm nhận ngày tháng trôi đi, để thấy Ba Mẹ ngày càng già, cứ mỗi năm sức khỏe càng yếu đi. Dẫu biết rằng định luật tự nhiên (sanh - lão - bệnh - tử) nhưng ẫn ước mong có thể kéo dài hơn. Để rồi tự nghĩ phải làm nhiều điều gì đó tốt hơn, những mong tạ ơn công lao trời biển mà Ba Mẹ đã dành cho mình.
Tết là dịp người ta đi xa thật xa, chạy trốn cái Tết thì tôi lại trở về nơi những tuổi thơ có thể gọi tên, có thể kể ra rành mạch, không một chút ngại ngần.
Sáng mùng 7 Tết coi Kính đa tròng, có một đoạn phim ngắn về Tết, khi những người con đi xa không chịu về quê và cứ cuốn gói đi chơi xa. Hình ảnh người mẹ già đơn độc ngồi trông mòn mỏi ở vùng quê nghèo xa lắm được quay cận cảnh mà nghẹn lòng. May thay, những người con bừng tỉnh vào giây phút cuối, khi đứa con nhỏ của gia đình đó nói với mẹ rằng, lớn lên con cũng sẽ làm như vậy vào những dịp Tết...
Phút giây bừng tỉnh ấy mang tên Tết là sum vầy, là sự tri ân và thành kính nghĩ nhớ về Đấng sanh thành, tổ tiên. Kết thúc phim là một mùa xuân sum họp của gia đình kia. Phim ngắn nhưng đầy ý nghĩa, tôi luôn mong muốn những kết thúc đẹp thế này, y như lão già trong cuốn “Lão già mê đọc truyện tình” thuở nào từng đọc.
Ừ thì phim nhưng cũng đã phản ánh đúng xã hội ngày nay, khi Tết dần mất đi nhiều nét đẹp truyền thống.
***
Với tôi, Tết là niềm vui, cũng không phải để ăn chơi, không phải để kiếm tiền, nhưng là dịp mình nhìn lại một năm nơi đất khách, dịp quay về chúc phúc Ba Mẹ, họ hàng - nền tảng hàng ngàn năm nay vẫn đậm nét. Tổ ấm mùa Tết - ghi dấu những đòn bánh tét, mùi dưa kiệu, hương trầm thơm ngát cả nhà, nơi những bao lì xì, nhỏ thôi cũng làm cả nhà rộn vang tiếng cười.
Tết, những lo lắng muộn phiền dường như tan biến, thay vào đó là những câu cười nói rộn ràng. Hiếm lắm, quý lắm những phút giây này, khi ngày nay sự rộn ràng của cuộc sống làm con người ta chạy khắp nơi, thì Tết, cô cậu chú bác, ngồi lại với nhau, uống miếng trà nóng, thưởng thức một tí bánh mứt và những câu chuyện vui mà cả năm không khi nào nói được.
Tết, tôi đã dạy hai đứa cháu rằng, tụi con phải quay về với ông bà bên nội, bên ngoại, nói cho các cháu biết đâu là nguồn gốc và tổ tiên - nơi mà bà cháu ngồi lại, trao nhau những yêu thương. Với tôi, đó là những giây phút đó luôn dạt dào niềm vui, dường như là bất tận.
Tết, niềm vui vỡ òa khi những cành mai nở ra vàng óng, những chậu bông vạn thọ tỏa ngát mùi hương của miền quê xứ biển - ở thành thị ít ai trải lòng được. Sáng pha một bình trà, khi gió xuân lành lạnh thổi qua, ngắm những con sẻ đang ríu rít trên hàng dâu tằm ba trồng trước nhà, những con ong bầu bay rộn ràng quanh chậu mai tứ quý và hàng vạn thọ vàng rực khắp góc nhà. Thanh thoát nhất là sự thoảng qua của hương trầm được hòa quyện trong hơi lạnh của gió từ bàn thờ Đức Phật từ bi đang nở một nụ cười hỷ xả.
Tết, luôn là mùa của những bắt đầu, của tình thương dành cho nhau. Trưa nằm với mẹ, mẹ nói mai tụi mày đi rồi nhà còn mình hai ông bà già, sẽ buồn lắm đây. Mà không sao, ba mẹ lại đi công quả ở chùa vui hơn. Tự nhiên thấy nghẹn, đã 13 năm xa nhà, vậy mà cứ mỗi lần ăn Tết rồi lại lên Saigon, thấy nhớ da diết nơi đây…
Những đứa con tha hương lại tất bật chạy cho một năm mới, nhưng trong lòng vẫn hướng về ngôi nhà đầy ấp tình yêu thương - nơi tình thương luôn dành trọn vẹn như ngày nào.
Nguyện cầu chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ một năm an bình cho tất cả, cho gia đình, nhưng người bạn và tha nhân…
Đầu Xuân Giáp Ngọ 2014
Huỳnh Đăng Khoa
(Phú Quốc, Kiên Giang)