Làng lư đồng An Hội lưu giữ những tinh hoa

Giác Ngộ - Ít ai ngờ giữa chốn Sài Gòn phồn hoa vẫn tồn tại một làng nghề với truyền thống đúc lư đồng từ trên 100 năm qua. Mỗi độ xuân về, cánh thương lái từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại nhộn nhịp kéo về đây đóng hàng. Từ làng lư đồng An Hội, Gò Vấp, hàng ngàn bộ lư đồng đã theo chân thương buôn ngược ra miền Bắc, miền Trung, xuôi về khắp Nam Kỳ lục tỉnh, có lúc sang tận các nước: Lào, Campuchia, Myanmar...

Thế nhưng hiện giờ, thị trường chuyển biến mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa khá nhanh đã khiến làng nghề lư đồng nổi tiếng một thời đang dần mai một, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ.

Trăm năm danh tiếng

Theo các nghệ nhân cao niên trong ngành và tài liệu ghi chép, nghề đúc đồng xuất hiện ở Sài Gòn có trên 200 năm nay, sôi động nhất lúc bấy giờ là các lò đúc đồng ở Chợ Quán, Phú Lâm. Thuở xưa, người Gò Vấp có nghề trồng hoa kiểng nổi tiếng nhưng dòng họ Trần thì lại không có người theo nghề này. Để có nghề tìm kế sinh nhai, ông Trần Văn Kỉnh (Năm Kỉnh) khăn gói ra mấy lò đúc đồng ở khu vực Chợ Quán để học.

DSC00579.JPG

Nghệ nhân Hai Thắng đang thực hiện công đoạn hàn lư đồng - Ảnh: M.An

Mang nghề mới về làng, ban đầu ông Năm Kỉnh chỉ nhận dạy và truyền nghề cho các con cháu trong dòng họ. Nghề đúc đồng An Hội ra đời từ đó. Đó là những năm cuối thế kỷ 19. Thời gian sau, ông Trần Văn Thắng (Hai Thắng), một trong những học trò xuất sắc của ông Năm Kỉnh - muốn phát triển hơn nghề này nên đã truyền dạy cho con em trong vùng.

Được ông Năm Kỉnh truyền nghề từ những năm 13-14 tuổi, suốt hơn 50 năm qua, ông Hai Thắng vẫn giữ lửa và đeo đuổi nghề đúc lư đồng, dẫu trải qua bao năm tháng chiến tranh, cả những lúc nguyên liệu rất khan hiếm (những năm cuối thập kỷ 80) tưởng chừng phải rẽ ngang. Ông Hai Thắng kể, trước năm 1975 là thời điểm làng nghề phát triển nhất, cả làng có đến trên 60 hộ với hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Lúc này, ở khu vực Chợ Lớn - Gia Định đã hình thành các khu bán hàng thủ công và rất nhiều sản phẩm đúc đồng từ nồi, niêu, xoong, chảo đến đồ thờ cúng, lư hương, chân đèn.

“Nhộn nhịp nhất là những tháng gần Tết, thương buôn các nơi đổ về An Hội đông vui như hội, hàng làm không kịp bán nên chúng tôi thường nhận đơn đặt hàng từ trước. Không ít vị giám đốc, đại gia còn đánh xe con đến tận đây để chở hàng về chuẩn bị cho mấy ngày Tết”, ông Hai Thắng nhớ lại. Sản phẩm lư đồng An Hội lúc bấy giờ không chỉ có mặt khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh mà còn sang tận các nước Lào, Cao Miên, Miến Điện…

Những người giữ lửa làng nghề

Nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn, tất cả lại được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Mỗi thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn.

Bắt đầu là làm khuôn ruột bằng đất sét tốt, không lẫn cát. Loại đất đáp ứng yêu cầu này thường được đặt mua từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, đem cán nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu giã nhuyễn.

DSC00523.JPG

Mài giũa lại lư đồng - Ảnh: M.An

Thứ hai là công đoạn đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy - một công đoạn đòi hỏi người có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế ấy. Công đoạn thứ ba là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài khuôn sáp, loại đất này nhất thiết phải được rây thật mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt.

Sau khi phơi khô khuôn (thường phải mất từ 7 đến 10 ngày), người ta cho đổ đồng đã nóng chảy vào (đồng chỉ được nấu vào ban đêm). Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.

Nói đâu xa, chừng 10 năm trước, nhất là những tháng cận Tết, về làng lư người ta còn thấy không khí làng nghề rất xôm tụ, thương lái về đặt hàng nườm nượp, ai nấy tuy cực mà vui, còn giờ rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Từ làng nghề đông đúc nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, nay An Hội chỉ còn 5 hộ gia đình gắn bó với nghề lư đồng truyền thống gồm các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển.

Bà Phạm Thị Liên, chủ lò lư Ba Cồ vừa vỗ lư vừa tiếp chuyện chúng tôi: “Giá đồng nguyên liệu thất thường, lại làm thủ công nên phần lớn chúng tôi lấy công làm lời, chủ yếu là giữ nghề truyền thống của ông bà truyền dạy chứ hiệu quả kinh tế không nhiều”.

Ông chủ lò lư Hai Thắng tâm tư: “Đô thị hóa quá nhanh, một số gia đình bán đất nên không thể tiếp tục theo nghề, đất đâu còn nhiều như trước. Giá đồng nguyên liệu tăng cao nhưng giá bán không tăng mấy, vả lại địa phương cũng siết chặt về ô nhiễm môi trường”. Lò lư của ông hiện mỗi tháng chỉ xuất xưởng từ 100 - 120 bộ lư, với 6-7 công nhân làm việc.

DSC00592.JPG

Sản phẩm lư đồng An Hội - Ảnh: M.An

Một thách thức không nhỏ với nghệ nhân làng nghề là mấy năm gần đây, thị trường có sự góp mặt của lư đồng được sản xuất công nghiệp. “Lớp già chúng tôi thì vẫn bám nghề ngày nào hay ngày ấy, chứ lớp trẻ bây giờ mấy ai theo nghề cực khổ, độc hại này. Các con tôi mấy đứa lớn là kỹ sư, nhà giáo, chỉ hai đứa con trai theo nghiệp tôi. Trước, tôi truyền nghề cho 5 em trai nhưng giờ chỉ còn 2 đứa bám nghề, còn lại tụi nó chuyển qua làm nước đá, hợp đồng xe du lịch hết rồi. Khó mà biết được nghề truyền thống này rồi sẽ đi về đâu”, ông Hai ngậm ngùi. Tính đến thời điểm hiện tại, làng nghề đã trải qua 5 thế hệ cha truyền con nối.

Làng lư đồng An Hội, mai này còn không?

Một tin vui khi chúng tôi hoàn tất bài viết này là Sở VH-TT-DL TP.HCM đã có kế hoạch khảo sát các làng nghề truyền thống ở TP.HCM để có phương án bảo tồn và làng nghề truyền thống đúc lư đồng An Hội, Gò Vấp là một trong những địa chỉ trong danh sách bảo tồn. Mong rằng một làng nghề truyền thống với danh tiếng trên 100 năm, mai này vẫn sẽ còn tiếp tục đỏ lửa. Làng nghề đúc lư đồng An Hội cũng như các làng nghề truyền thống khác được giữ gìn, phát triển góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn xưa.

Lư đồng An Hội có 2 loại: loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5-6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 đến 15-20 triệu đồng/bộ, tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết rồng phụng, trúc mai, song long hay phúc lộc thọ...

“Mới đây, chúng tôi được các sư thầy một số chùa ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... tìm đến tận nơi đặt hàng lư đồng, bát nhang, chân đèn. Các thầy bảo lư đồng An Hội có màu vàng ánh vàng đặc trưng, không bị xỉn màu, họa tiết tinh xảo và rất có hồn. Giới Phật tử thường mua hàng ở xóm Lò lư này cũng rất nhiều”, nghệ nhân Quốc Kiển và Hai Thắng cho biết.

“Mong sao Nhà nước kịp thời hỗ trợ để chúng tôi giữ được làng nghề truyền thống mà vẫn đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Tôi không muốn bỏ nghề truyền thống của cha ông cũng không muốn làng lư đồng An Hội mai một”, nghệ nhân Quốc Kiển, chủ cơ sở Út Kiển nói thêm.   

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?
[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...

Thông tin hàng ngày