Lắng nghe để hiểu rồi thương...

GN - Sáng nay tôi trách bệnh nhân của mình: Sao tháng rồi cô không tái khám, rồi cũng không chịu uống thuốc đều đặn, đường huyết bây giờ gần 300, huyết áp thì 170?

- Bác sĩ đừng la tôi, tội. Tôi phải chăm chồng tôi. Ổng bị tai biến 11 năm nay rồi.

- 11 năm nay rồi à?

- Đúng rồi. 11 năm nay, ổng nằm một chỗ. Ăn phải đút. Ỉa đái chẳng biết kêu.

- Cháu hiểu rồi. Nhưng cô thử nghĩ xem, nếu cô không khỏe mạnh và bình an, làm sao cô lo cho cô và cho ổng được?

- Bác sĩ nói đúng rồi. Để tôi rút kinh nghiệm.

- Chèn đéc. Cô nói rút kinh nghiệm giống mấy ông cán bộ quá…

Tôi đùa một chút cho dịu bớt giữa không gian khoa khám bệnh đông đúc ồn ào, căng thẳng. Cô cười nhưng chỉ gượng.

yduc.jpg


Bác sĩ cần lắng nghe bệnh nhân từ trái tim của "mẹ hiền" - Ảnh minh họa

Nghe cô Châu giãi bày, bây giờ tôi đã hiểu tại sao lần nào đi khám bệnh cổ cũng tất tả, hối hả. Đúng là chỉ có vài ba phút thì khó có thể “truyền thông” tốt được giữa bác sĩ và bệnh nhân. Mà người bệnh ngoài gánh gồng bệnh tật còn gánh gồng cả hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa xã hội trên vai.

Nhiều khi nhìn chưa hẳn đã thấy. Nhiều khi thấy chưa hẳn đã hiểu.

Bạn có thể tưởng tượng được không, hình ảnh người vợ chăm sóc chồng bị tai biến nằm một chỗ 11 năm trời? Chắc cổ chỉ có một nơi khi đi ra khỏi nhà, đó là bệnh viện, để khám chữa bệnh cho mình.

Chúng ta thường dễ dàng rơi vào tình yêu bởi những hình bóng hào nhoáng lộng lẫy, cô đó ngực đầy, anh kia địa vị giàu sang... Nhưng nếu nghĩ đến một ngày người thương rơi vào cảnh túng quẫn, bần hàn, bệnh tật... chúng ta có còn thương?

11 năm ròng...

*

- Em mới la cô kia bỏ trị, giờ tới lượt anh.

- Xin lỗi bác sĩ.

- Xin lỗi em chi. Hãy xin lỗi trái tim và trái thận của anh kìa. Huyết áp lên tới 200/120mmHg.

- Tại tôi không thấy có biểu hiện gì hết.

- Tăng huyết áp, đái tháo đường và ung thư là những kẻ giết người thầm lặng. Những bệnh lý đó thường không có biểu hiện gì cho đến khi bùm một cái... chết hay đột quỵ.

- Vâng. Để anh rút kinh nghiệm.

- Chèn, lại rút kinh nghiệm.

Tôi chẳng biết nên cười hay nên khóc. Thường, người ta chỉ khóc, hối hận khi đã thấy quan tài rồi, đã ở tận cùng của đớn đau, bệnh tật rồi. Bình thường ai tin.

Nhưng khi thấy quan tài rồi, chúng ta làm sao quay ngược thời gian lại để sửa chữa những lỡ lầm?

- Nói chứ mấy tháng nay tôi buồn, nhậu suốt, hai vợ chồng ly dị. Con vợ tôi ngoại tình.

- Vậy lỗi do vợ anh hay do anh?

- Lỗi do vợ tôi.

- Lỗi do vợ anh mà anh lại trừng phạt bản thân mình, có kỳ lạ lắm không?

- Ơ...

Bệnh nhân của mình bật khóc.

Tôi chẳng hiểu được lý do anh ta khóc. Nhưng tôi vẫn tin ai còn rơi nước mắt là còn cứu được.

Đàn ông thường ít đi khám bệnh hơn đàn bà không phải vì sự chịu đựng tốt hơn mà là cái tôi lớn hơn. Nhưng dù giới tính nào cũng có một ngưỡng chịu đựng nhất định. Đừng bao giờ chủ quan để nỗi đau đi quá xa, khi muốn quay đầu thì không thấy bờ nữa.

Tình là gì? Nếu chỉ có tình thôi thì người ta mau rời bỏ nhau lắm.

Bởi vậy hãy sống vừa có tình vừa có nghĩa!

BS Nguyễn Bảo Trung

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, từ số báo này, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày