Đoạn đê nhỏ, giữa cái nắng hanh hao pha lành lạnh của trưa mùa đông cuối năm, tràn ngập màu vàng, màu đỏ.
Nhang phơi thành những vòng tròn quanh hai bên vệ đường. Mùi trầm, mùi quế lẫn mùi thuốc bắc phả ra, thơm ngào ngạt.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ sực mùi trầm, bác Tiến - chủ hiệu nhang Tiến Sơn cho biết, nhà bác theo nghiệp làm nhang, tính đến năm nay, đã là đời thứ tư.
“Người làm nhang bận rộn quanh năm. Nhưng càng gần Tết, việc lại càng nhiều. Từ thời điểm này đến Tết, cả làng nghề không có một ngày rảnh rỗi”, thoăn thoắt đóng gói nhang, bác Tiến nói.
Loại nhang phổ biến nhất, nhà nào cũng làm được và công thức gần như giống nhau là nhang se. Cách làm nhang se khá đơn giản: chỉ cần trộn bột nhang được xay nhuyễn từ nhiều loại hương liệu, gồm trầm, quế, thuốc bắc với nước keo. Sau đó lấy chân nhang quấn bột, se lại với bột khô rồi đem phơi.
Thứ tạo nên mùi thơm đặc trưng của nhang là hương liệu. Tuy nhiên, mỗi người làm nhang lại có bí kíp pha trộn hương liệu riêng, không thể tiết lộ với người ngoài.
Người làm nhang ở đất Phùng chủ yếu làm ra bốn loại là nhang se, nhang vuốt, nhang đậu tàn và nhang vòng. Cách làm từng loại, cũng đồng thời là tên gọi.
Theo chị Thảo - chủ hiệu nhang Thu Thảo ở sát chợ Phùng, mỗi một ngày, chị và ba nhân công tại xưởng làm được hơn 60.000 nén nhang. “Trung bình hai ngày mới được một mẻ nhang. Nhưng ra bao nhiêu hết bấy nhiêu vì toàn khách quen từ các nơi đến lấy hàng”, chị Thảo nói.
Cũng theo chị, năm nào, người làm nhang cũng làm đến ngày 28, 29 Tết mới nghỉ vì nhu cầu mua nhang thắp Tết của người dân rất lớn.
Dạo qua làng nhang Phùng, chúng tôi xin ghi lại không khí tất bật làm nhang bán Tết của người dân nơi đây. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:
|