Lãnh đạo GHPGVN tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang

Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng trầm cúng dường Tổ sư Minh Đăng Quang nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài
Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng trầm cúng dường Tổ sư Minh Đăng Quang nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN đã đến tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang và dâng trầm tưởng niệm vị Tổ sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ, được tổ chức tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào sáng nay 8-11.
Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự tham dự buổi lễ
Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự tham dự buổi lễ

Hiện diện chứng minh tại buổi lễ có chư vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh: Trưởng lão Hòa thượng Giác Nhường (kiêm Giám luật), Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang; Trưởng lão Hòa thượng Giác Giới, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh; chư vị giáo phẩm Ủy viên Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư; chư vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu; các vị Phó Chủ tịch, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, Văn phòng I, II T.Ư, Phân ban Ni giới T.Ư; chư tôn đức Ban Chứng minh, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và các tỉnh thành.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, Văn phòng I, II T.Ư, Ban Trị sự các tỉnh thành tại buổi lễ
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, Văn phòng I, II T.Ư, Ban Trị sự các tỉnh thành tại buổi lễ

Đại diện chính quyền có ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Minh Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo thuộc Ban Dân vận T.Ư; bà Nguyễn Lê Hà, Cục An ninh nội địa - Bộ Công an; ông Trần Xuân Điền, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM; lãnh đạo chính quyền TP.HCM, TP.Thủ Đức.

Hòa thượng Thích Giác Pháp sơ lược hành trạng của Tổ sư Minh Đăng Quang
Hòa thượng Thích Giác Pháp sơ lược hành trạng của Tổ sư Minh Đăng Quang

Sau nghi thức niệm Phật và mặc niệm, Hòa thượng Thích Giác Pháp, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Nghi lễ T.Ư, Phó ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ sơ lược hành trạng của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Theo đó, Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm 1923 tại Tam Bình, Vĩnh Long.

Năm 1937, lúc ấy chỉ mới 15 tuổi nhưng ngài xin phép với thân phụ rời Vĩnh Long sang xứ chùa Tháp (Campuchia) xuất gia tầm chân lý. Sau gần 5 năm nghiên tầm giáo lý, ngài nhận ra giá trị cao cả của Phật giáo Nam tông Nguyên thủy với nét đẹp trong việc hành trì y bát khất thực, giới luật của vị Sa-môn phạm hạnh.

Phân ban Ni giới T.Ư, TP.HCM và các tỉnh thành tham dự
Phân ban Ni giới T.Ư, TP.HCM và các tỉnh thành tham dự

Năm 1941, ngài về lại Sài Gòn và trải qua 2 năm báo hiếu cũng như trải nghiệm nghiệp duyên trần thế. Đến năm 1944, ngài dốc chí ôm bổn nguyện ra đi tìm cầu giáo lý giải thoát. Đầu tiên, ngài đi đến Mũi Nai, Hà Tiên định lần qua Phú Quốc, rồi sau đó sẽ tìm sang các nước học đạo truyền giáo. Nhưng khi vừa đến nơi thì đã trễ tàu. Ngài ở lại ra đầu gành bãi biển Mũi Nai ngồi tham thiền 7 ngày 7 đêm quán xét nhơn duyên. Trước cảnh thiên nhiên trời đất bao la, những chiếc thuyền nhấp nhô, bọt nước tụ tán, vào một buổi chiều, ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát-nhã”, ngộ lý vô thường, vô ngã, cảnh khổ trầm luân, đầy-vơi, có-không, còn-mất, sống-chết, khổ-vui của cuộc đời khi tròn 22 tuổi.

Đầu năm 1946, ngài được một cư sĩ cung thỉnh về Linh Bửu tự tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho phổ hóa nhân sinh. Tại đây, ngài phát nguyện thọ trì y bát, giới Sa-di, rồi Cụ túc giới với pháp hiệu Minh Đăng Quang, tiếp tục “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, sống đời phạm hạnh, giải thoát.

Tăng Ni, Phật tử tại buổi lễ
Tăng Ni, Phật tử tại buổi lễ

Sau 10 năm tu tập và hoằng hóa (1944-1954), Tổ sư đã chứng minh, thành lập 24 ngôi tịnh xá đạo tràng tại các tỉnh miền Đông và Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như thành lập đoàn du Tăng hơn 100 vị. Những thời thuyết pháp của ngài còn ghi lại trong bộ Chơn lý gồm 69 tiểu luận.

Đến mùng 1-2-Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc qua Vĩnh Long đến Cần Thơ, ngài thọ nạn và vắng bóng cho đến ngày nay. Trong suốt 70 năm qua, kể từ khi Tổ sư vắng bóng, chư Tăng Ni các miền tịnh xá chỉ thờ chân dung chứ chưa từng thắp hương tưởng niệm ngài.

"Hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang, Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ chọn mốc ngoặt lịch sử này để công bố và thắp hương tưởng niệm ân đức bậc khai tông lập giáo, thực hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với Tổ sư", Hòa thượng Thích Giác Pháp phát biểu.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ban đạo từ
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ban đạo từ

Phát biểu chứng minh, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, kể từ khi Tổ sư Minh Đăng Quang chứng ngộ, lập nên một hệ phái mang đậm nét bản sắc Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Nam Bộ nói chung, miền Tây Nam Bộ nói riêng, với những bài kinh, giáo lý bằng thể loại thơ mộc mạc, dễ hiểu và gần gũi với đồng bào có niềm tin đối với Phật giáo lúc bấy giờ.

Hòa thượng cũng khẳng định trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ cận hiện đại thì "Sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang và Tăng đoàn Khất sĩ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong sự kế thừa, ổn định và phát triển Phật giáo Việt Nam trên hai phương diện đạo pháp và dân tộc"; góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thành lập GHPGVN (1981).

"GHPGVN xin được tri ân công đức đóng góp của Tổ sư Minh Đăng Quang đã để lại cho Phật giáo Việt Nam một kho tàng di sản quý báu, tri ân chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử Hệ phái Khất sĩ đã đóng góp công sức, trí lực cho sự hình thành, ổn định và phát triển GHPGVN trong hơn 40 năm qua", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu.

Bà Trần Thị Minh Nga phát biểu
Bà Trần Thị Minh Nga phát biểu

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Trần Thị Minh Nga đánh giá cao sự ra đời của Hệ phái Khất sĩ - một hệ phái Phật giáo nội sinh, mặc dù ra đời sau nhưng trở thành 1 trong 3 hệ phái Phật giáo lớn, có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, cũng như tạo ra nhiều hệ giá trị về di sản, văn hóa, tâm linh cho dân tộc.

"Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng những công lao mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Chúng tôi mong rằng, Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ tiếp tục kế thừa và phát huy tâm đạo rạng ngời, tinh thần hòa hợp của Tổ sư, phát huy những giá trị tốt đẹp của hệ phái, đoàn kết trong ngôi nhà chung của GHPGVN", bà Trần Thị Minh Nga phát biểu.

Thay mặt Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang, Hòa thượng Thích Minh Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN phát biểu cảm tạ tri ân chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Nhà nước, Tăng Ni, Phật tử các nơi trở về tham dự chương trình.

Dâng trầm cúng dường
Dâng trầm cúng dường

Sau đó, chư tôn đức dâng trầm tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang trước tôn tượng ngài. Ban Tổ chức cung thỉnh Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư cử hành khóa lễ cầu nguyện.

Trước đó, Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thắp hương tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang, vị sáng lập Hệ phái Khất sĩ, trong dịp Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài.

Một số hình ảnh ghi nhận sáng nay:

Quang cảnh buổi lễ sáng nay, 8-11, tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM)
Quang cảnh buổi lễ sáng nay, 8-11, tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tượng Bồ-tát Phổ Hiền

Hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ-tát

GNO - Hạnh nguyện Phổ Hiền là đề tài rất quan trọng mà trong trang báo có hạn, tôi chỉ có thể gợi ý, không thể triển khai đầy đủ.
Lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây

Trường Sa thiêng liêng...

GNO - Trường Sa - hai tiếng gọi thiêng liêng, mỗi người con đất Việt đều mong ước sẽ có một lần được trải nghiệm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, được đặt chân lên mảnh đất thân thương của đất nước ở các đảo giữa biển khơi sóng gió…

Thông tin hàng ngày