Lễ giỗ Tam Tổ Huyền Quang tại Trúc Lâm Yên Tử

GNO - Sáng 23-1-Ất Mùi (13-3) chư tôn đức Thiền phái Trúc Lâm đã vân tập về thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh) long trọng tổ chức kỷ niệm lễ giỗ lần thứ 681 Đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm - Tổ sư Huyền Quang.

Lễ giỗ có sự hiện diện đông đảo chư tôn đức Tăng Ni đại diện các thiền viện và thiền tự trong Tông môn Trúc Lâm và gần 5.000 Phật tử các đạo tràng tu học.

legio10.jpg


Chư tôn đức Thiền phái Trúc Lâm thành kính hướng về Đệ tam Tổ sư

Đúng 9g45, sau 3 hồi chuông trống Bát-nhã cung thỉnh chư tôn đức Tăng Ni quang lâm Chánh Pháp đường tác lễ giỗ Tổ, dưới sự thành kính trang nghiêm thanh tịnh của hàng ngàn Phật tử, sau phần nghi thức cúng giỗ Tổ,  Thượng tọa Thích Tuệ Phúc - phó trụ trì thiền viện đã cung tuyên hành trạng của Tổ sư.

Sư tên Lý Đạo Tái, sanh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ dòng dõi quan liêu, nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy. Tuy có công dẹp giặc Chiêm Thành, mà ông không nhận chức quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức.

Nhà Sư ở phía nam chùa Ngọc Hoàng. Năm Sư sanh, một hôm thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Thiền sư Huệ Nghĩa, tối tụng kinh trên chùa xong, xuống phòng ngồi trên ghế trường kỷ, chợt ngủ quên mộng thấy trên chùa đèn đuốc sáng trưng, chư Phật tụ hội đông vầy, Kim cang Long thần chật ních, Phật chỉ Tôn giả A-nan bảo: “Ngươi thác sanh làm pháp khí cõi Đông”. Chợt có ông đạo gõ cửa, Thiền sư chợt tỉnh giấc, làm bài kệ viết trong vách chùa:

Người mà vì đạo chớ tìm đâu

Phật vốn tâm mình, tâm Phật sâu

Mộng thấy điềm lành là ảnh hưởng

Đời này ắt gặp bạn tâm đầu.

(Nhân chi vị đạo khởi tha tầm

Tâm tức Phật hề Phật tức tâm

Tuệ địch kiết tường vi ảnh hưởng

Thử sanh tất kiến hảo tri âm)

legio20.jpg


Chư Tăng, Phật tử lắng nghe cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ

Thuở nhỏ Sư dung nhan kỳ lạ, ý chí xa vời, cha mẹ mến yêu dạy các học thuật. Sư học một biết mười, biện tài hiển Thánh. Niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274) đời vua Trần Thánh Tông, Sư thi đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên), lúc ấy được hai mươi mốt tuổi. Cha mẹ tuy đã định hôn cho Sư, nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gả công chúa cho, Sư vẫn từ chối.

Sư được bổ làm quan ở Hàn lâm viện và phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của Sư vượt hơn sứ Trung Hoa, khiến họ phải nể phục.

Một hôm, Sư theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phụng Nhãn nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, Sư chợt tỉnh ngộ duyên trước, khen ngợi quý mến, tự than: “Làm quan được lên đảo Bồng, đắc đạo thì đến Phổ Đà, đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới Tây thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quý như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến?”.

Sư mấy phen dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. Chính nhà vua rất mến trọng Phật giáo, nên sau cùng mới cho. Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1305), Sư xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang.

Niên hiệu Hưng Long thứ mười bảy (1309), Sư theo hầu Pháp Loa y theo lời phó chúc của Điều Ngự. Năm Đại Khánh thứ 4 (1317), Sư được Pháp Loa truyền y của Điều Ngự và tâm kệ. Sư vâng lệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do Sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người.

Sư thường phụng chiếu đi giảng kinh dạy các nơi và tuyển chư phẩm kinh, công văn... Những khoa giáo trong nhà thiền mỗi mỗi đều phải qua tay Sư cả.

legio15.jpg


Hướng về Đức Tổ trong niềm tri ân

Ngày rằm tháng Giêng năm Quý Sửu (1313), vua Anh Tông mời về kinh ở chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Sư dâng chiếu xin về quê thăm viếng cha mẹ. Nhân đây, lập ngôi chùa phía tây nhà Sư để hiệu là chùa Đại Bi.

Sư trở về chùa Vân Yên, lúc đó đã sáu mươi tuổi. Nhà vua muốn thử lòng Sư nên cho Thị Bích là một cung nhân tìm cách gần Sư để lấy bằng chứng đem về dâng vua. Thị Bích dùng man kế gợi lòng từ bi của Sư, rồi về tâu dối với vua. Vì thế, Sư bị tai tiếng không tốt. Nhưng sau cuộc lễ chẩn tế của Sư, thấy những sự linh nghiệm lạ thường, nhà vua không còn nghi ngờ. Vua liền phạt Thị Bích làm kẻ nô bộc quét chùa trong cung Cảnh Linh ở nội điện.

Sau, Sư trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm. Kế sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Đến ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Sư viên tịch tại Côn Sơn, thọ tám mươi tuổi.

Vua Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm thiền sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang tôn giả.

Những tác phẩm của Sư:

- Ngọc Tiên tập

- Chư phẩm kinh

- Công văn tập

- Phổ Tuệ ngữ lục

Tin, ảnh: TVTL Yên Tử

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày