GNO - Chư tôn đức Thiền phái Trúc Lâm vừa trang trọng tổ chức lễ giỗ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma tại thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (tổ 10, P.Cự Khối, Q.Long Biên, Hà Nội) trong hai ngày, 8 và 9-10-Giáp Ngọ (29, 30-11-2014).
Lễ giỗ Tổ diễn ra trang nghiêm
Tối ngày mùng 8-10-Giáp Ngọ, sau thời khóa sám hối và thiền hành, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã vân tập về Tổ đường tham dự buổi pháp đàm với chủ đề "Chiếc giày của Tổ sư". Đúng 10g đêm, toàn thể đại chúng bước vào thời khóa tọa thiền và thiền hành trong 6g đồng hồ cúng dường Tổ sư.
Rạng sáng ngày mùng 9, đại chúng nhiếp tâm thanh tịnh trong lễ truyền đăng sâu lắng. Toàn thể đại chúng đồng phát nguyện luôn tinh tiến hơn nữa trên con đường học đạo giác ngộ giải thoát, nguyện noi theo gương hạnh của chư vị Tổ sư, nguyện cho ngọn đèn tâm luôn luôn sáng tỏ cho đến ngàn đời sau.
Dịp này, thiền viện được cung đón tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc do Phật tử cúng dường. Ba hồi chuông trống bát-nhã ngân vang, hoa tươi rải cúng dường trên từng bước chân an lạc cung đón tôn tượng Đức Phật về chánh điện.
Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm, sau thời khóa cúng Phật tại chính điện, chư tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã vân tập về Tổ đường, cùng ôn lại công hạnh Tổ sư, đảnh lễ Tổ. Đặc biệt là thời khóa toàn thể đại chúng tọa thiền cúng dường Tổ sư.
Trang nghiêm hướng về Đức Tổ
Nghe tuyên đọc đạo nghiệp Tổ sư
Tại lễ giỗ, TT.Thích Thông Quán cung tuyên hành trạng Tổ sư: “Tổ Bồ Ðề Đạt Ma tên thật là Bồ Ðề Ða La (Bodhi Tara), con thứ ba của vua Chí Vương, thuộc dòng Sát Ðế Ly, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc (vùng cao nguyên Dekkan), thuộc phía nam Ấn Ðộ.
Bồ Ðề Đạt Ma là pháp hiệu, được đặt khi bái sư với ngài Bát Nhã Ða La (Prajanatra), một tổ sư Thiền tông đời thứ 27 của Ấn Ðộ. Bồ Ðề Đạt Ma được sư phụ truyền thụ y bát, để kế thừa nhiệm vụ Tổ Thiền tông Ấn Ðộ đời thứ 28.
Ðể thực hiện lời di huấn của thầy mình, vào năm 517, Tổ sư Bồ Ðề Đạt Ma từ giã Ấn Ðộ, dùng thuyền vượt biển, trong ba năm, đến Quảng Châu (Trung Hoa) vào ngày 21-9-520 (Canh Tý), triều Lương Võ Ðế, niên hiệu Phổ Thông thứ bảy.
Sau đó Ngài từ giã cung Kim Lăng, vượt sông Dương Tử, qua vùng Bắc Giang, nhập cảnh nước Ngụy, đến Lạc Dương, dừng chân tại chùa Thiếu Lâm, thuộc núi Tung Sơn, vào ngày 23-11-520 (Canh Tý) đời Hậu Ngụy, vua Hiếu Minh Ðế, niên hiệu Chánh Quang Nguyên. Tại Thiếu Lâm tự, Ngài ngồi im lặng, mặt hướng về vách đá để tham thiền nhập định. Người đời lúc bấy giờ gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn, nghĩa là thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách (theo Cao Tăng truyện).
Trong chín năm (9) "Diện bích tham thiền", Ngài đã tiếp độ và truyền y bát cho Nhị Tổ Huệ Khả (tức Thần Quang). Sau đó lần lượt được kế thừa đến vị Lục Tổ thứ sáu (6).
Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma viên tịch trong lúc ngồi tham thiền nhập định năm 529. Nhục thân được an táng tại chùa Ðinh Lâm, núi Hùng Nhĩ, sau đó bài vị được thờ tại chùa Thiếu Lâm (theo sách Bích Nham Lục). Sau đây là bia văn của Lương Võ Ðế tưởng niệm ngài: "Thấy như chẳng thấy. Gặp như chẳng gặp. Ðối mặt như chẳng đối mặt. Xưa đâu? Nay đâu? Oán bấy! Hận bấy!"”.
Thế phát cho 6 vị đồng chơn chọn đường xuất gia đầu Phật
Truyền đăng và hành thiền trong những thời khóa khuôn khổ lễ giỗ hầu dâng lên cúng dường Đức Tổ
Chiều cùng ngày, chư tôn đức Tăng tổ chức lễ thế phát xuất gia cho 6 cư sĩ tập tu. Đây là lần đầu tiên quý thầy tổ chức lễ xuất gia tại thiền viện. Được biết trước đây, khi độ đệ tử, quý thầy đều gửi vào thiền viện Thường Chiếu để chư tôn Hòa thượng làm lễ thế phát.
Sau lễ thế phát xuất gia là lễ quy y cho hơn 200 thiện nam tín nữ phát tâm thọ trì Tam quy Ngũ giới.