Đầu tiên, kinh Hộ Quốc do ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva)(1) đem từ Ấn Độ vào Trung Hoa, dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
Vào thời Nam Bắc Triều, thế kỷ thứ V, vua Minh Đế nhà Nam Tề, vua Hiến Minh nhà Bắc Ngụy đã nhiều lần thiết lập lễ Hộ quốc.
Đến thế kỷ thứ VIII, triều vua Đại Tông nhà Đường, ngài Tam Tạng Bất Không đem diễn dịch lại, và từ đó kinh Hộ Quốc mới được truyền bá rộng rãi.
Từ đời nhà Đường về sau, sử sách ghi chép về lễ Hộ quốc rất nhiều.
Lễ Hộ quốc ở Việt Nam thời phong kiến
Nước ta tuy đã được ân trạch của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật gần 2.000 năm nay, nhưng mãi đến triều đại nhà Lý mới thấy chép rõ ngày lễ Hộ quốc được tổ chức long trọng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
Bính Thìn, Thái Ninh năm thứ V (1076), mùa xuân tháng 3, nhà Tống sai Quảng Nam Tuyên vũ sứ Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó đem quân hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp xâm lược nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt dẫn quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) thì quân ta thắng lớn.
Đầu tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077), niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ II, Quách Quỳ chấp nhận đề nghị hòa đàm của Lý Thường Kiệt và rút quân. Ngay sau đó, Lý Nhân Tông ra lệnh thiết lập một lễ lớn ở ngay điện Thiên An gọi là Hộ quốc hội hay hội Nhân vương. Hội tụng kinh Nhân Vương để cầu tiêu trừ tai nạn cho nước nhà.
Hơn 70 năm sau, vào tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1149), niên hiệu Đại Định năm thứ 10, vua Lý Anh Tông mở hội Nhân vương ở trước sân rồng Long Trì, ra lệnh đại xá người có tội(2).
Sách sử từ thời Lê trở đi không thấy chép về lễ này nữa, phải chăng lúc đó Nho giáo đã lấn át Phật giáo nên triều đình không tổ chức lễ Hộ quốc?
Như vậy, lễ Hộ quốc thời phong kiến ở nước ta do triều đình tổ chức tại cung đình với nội dung tụng kinh Nhân Vương để cầu tiêu trừ tai nạn cho quốc gia, đại xá các tội nhân.
Lễ Hộ quốc sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
Cách mạng tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đã mở ra vận hội mới cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, không đầy một tháng sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh đã tiến đánh Nam Bộ. Nhà nước cách mạng non trẻ đứng trước tình cảnh thù trong giặc ngoài hết sức cam go.
Trước tình hình đó, Phật giáo đã có những hoạt động tích cực để ủng hộ cho chính quyền cách mạng, góp phần hộ quốc an dân.
Đầu tháng 11 năm 1945, đại biểu Tăng già các tỉnh Bắc Bộ cùng đại biểu ba hội: Phật giáo Cứu quốc, Phật tử Việt Nam, Phật giáo Bắc Kỳ đã họp và quyết nghị thành lập tại Bắc Bộ, trước khi đi đến đại hội toàn quốc, một Ủy ban chấp hành Tăng già Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Mật Ứng, chùa Quảng Bá, Hà Nội làm Chánh Chủ tịch; Thượng tọa Tố Liên, chùa Quán Sứ, Hà Nội làm Phó Chủ tịch. Trụ sở Ủy ban đặt tại chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.
Ngày 6 tháng 11 năm 1945, Ủy ban Tăng già Phật giáo Việt Nam đề nghị các Phật tử và những người thờ Phật lập bàn thờ ở nhà hoặc đến chùa lễ Phật để cầu nguyện cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc. Đúng 8 giờ sáng, tất cả các chùa khu vực Hà Nội đều thỉnh chuông trong 15 phút.
Ngày 14 tháng 8 (16-7 âm lịch) năm 1946, tại chùa Sùng Nghiêm (chùa Nưa) huyện Phúc Thọ, Sơn Tây tổ chức lễ cầu nguyện cho Hồ Chủ tịch và phái đoàn Việt Nam đi dự cuộc đàm phán tại Phongtennoblo bên Pháp được dũng mãnh tinh tiến, giành được mọi sự thắng lợi. Toàn thể các giới trong hạt Phúc Thọ tới dự lễ và đã quyết nghị:
Triệt để ủng hộ Hồ Chủ tịch và phái đoàn Việt Nam.
Tuyệt đối vâng theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Việt Nam Độc lập muôn năm!
Tinh thần Phật giáo muôn năm!
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Có lẽ, lễ Hộ quốc an dân do Phật giáo Nam Định tổ chức cuối tháng 8 đầu tháng 9-1946 có quy mô và bài bản hơn cả.
Lễ này được tổ chức trong 3 ngày kể từ ngày 31-8 cho đến hết ngày 2-9-1946. Ngày 31-8, hàng nghìn Tăng Ni Phật tử Nam Định tề tựu tại chùa Hội Quán Hội Phật giáo tỉnh. Chúc từ của Hội do sư Như Như, trụ trì chùa Hội Quán đọc tại lễ khai mạc có đoạn:
… Đại lễ này, theo đạo Phật gọi là Hộ quốc, mục đích là cầu nguyện cho Tổ quốc được hoàn toàn độc lập, cầu nguyện cho đồng bào nước nhà thoát được cái ách nô lệ, thoát được các tai nạn, tiến tới đường vinh quang hạnh phúc. Việc cầu nguyện này vượt ra ngoài phạm vi chính trị, nhưng thuộc về tinh thần từ bi hỷ xả của nhà Phật, lại là bổn phận thiêng liêng của tín đồ Phật giáo, là con dân của Tổ quốc trong lúc này.
… Phật giáo Nam Định chúng tôi thiết nghĩ ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch 1945, ngày kỷ niệm độc lập của Tổ quốc, là ngày đã đánh dấu nước nhà đi vào con đường mới.
… Đức Phật có dạy: "Nhất thiết duy tâm tạo", đạo Nho cũng nói: "Thiên lý tại nhân tâm", thì phàm ở đời việc gì cũng vậy, thành hay bại, mất hay còn, cũng là do lòng người mà ra cả. Sự cầu nguyện của tín đồ của Phật giáo cũng thế, nếu chúng ta biết làm một cách chân thành, thì đó chính là một sức mạnh phi thường, giúp chúng ta trong khi chúng ta nỗ lực tinh tiến để đạt lấy kết quả trong các hoạt động đầy khó khăn.
Tin tưởng ở sự cầu nguyện ấy cũng có nghĩa là tự tin ở ta, tức là chúng ta tự làm lấy để đạt được kết quả sau một ý nguyện đã được phô bày, biểu lộ lòng thành kính sâu sắc.
Hơn nữa, Phật tổ là đấng phúc trí vẹn toàn, từ bi vô lượng, cho nên chắc chắn Ngài sẽ cảm ứng tâm thành của chúng ta mà hộ trì chúng ta, an ủi chúng ta. Chính Ngài đã khuyên răn và sách tấn chúng ta bằng những lời vàng, hiện còn được ghi rất nhiều trong các kinh điển.
Đó chính là Phật đã ủng hộ chúng ta, giúp chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp vậy.
Chúng tôi, xin theo gương người xưa cầu nguyện cho quốc thái dân an. Đứng trước Phật đài, chúng tôi xin chân thành kính dâng mấy điều cầu nguyện:
Cầu nguyện cho Tổ quốc được hoàn toàn độc lập.
Cầu nguyện cho Chính phủ luôn luôn tinh tiến và sáng suốt để lãnh đạo quần chúng.
Cầu nguyện cho quốc dân đồng bào ai ai cũng nhận thấy bổn phận và trách nhiệm của mình trong lúc này để cùng tiến tới mục đích chung là giành lấy độc lập hoàn toàn.
Cầu nguyện cho quốc dân đồng bào thoát được những tai nạn xâm lăng, dịch lệ, đói kém, tiến tới đường vinh quang hạnh phúc.
Trước khi bắt đầu buổi lễ, xin quốc dân đồng bào cùng chúng tôi tung hô muôn năm các khẩu hiệu:
Việt Nam hoàn toàn Độc lập muôn năm!
Thế giới Hòa bình muôn năm!
Sau buổi khai lễ, đại chúng lên đàn tụng kinh Nhân Vương Hộ Quốc, liên tục luôn ba ngày để cầu nguyện cho Tổ quốc.
Chiều ngày 2-9, lễ Hộ quốc an dân kết thúc bằng hoạt động mua quà bánh thăm anh em binh sĩ bị nạn và lập đàn phóng sinh, lập đàn bố thí để giúp đỡ cho một số anh chị em và đồng bào cơ nhỡ, thiếu thốn.
Thiết nghĩ, tổ chức lễ Hộ quốc an dân là một việc làm có ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc góp phần đoàn kết toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.