Lễ hội bát nháo vì đâu?

GN - Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội. Bao gồm: 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%); 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%); 514 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%); 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là các lễ hội khác.

1 bat nhao 2.jpg


Tình trạng chung của lễ hội: chen lấn, lộn xộn, giành giật nhau,
ngay cả lực lượng công an cũng bị kẹp cứng trong dòng người xô đẩy - Ảnh minh họa

Qua số liệu đó cho thấy đây là khối di sản phi vật thể đồ sộ, vừa mang giá trị lịch sử - văn hóa, vừa là nguồn tài nguyên cho ngành kinh tế du lịch. Những năm gần đây, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc của các dân tộc.

Rõ ràng, việc chấn chỉnh những bát nháo của lễ hội, để lễ hội vừa trở thành một trong những mũi nhọn của ngành kinh tế du lịch, đồng thời góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc của các dân tộc, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiên cứu nhận diện những yếu kém, tìm ra nguyên nhân, từ đó mới “bốc thuốc” chữa được cho vấn đề này.

Không nên chỉ đổ cho ý thức kém của người dân hành hương, hay những người kinh doanh ở các lễ hội.

Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp và giá trị nhân văn, lợi ích kinh tế cho du lịch, kích cầu thương mại, thì lễ hội cũng ngày càng bát nháo với vô vàn những bất cập nảy sinh. Đó là: ùn tắc giao thông; mất vệ sinh an toàn thực phẩm; bán hàng “chặt chém” với giá cả “trên trời”; nạn trộm cắp móc túi, cướp giật tài sản; các biến tướng hủ tục mê tín dị đoan, bói toán, ăn xin lộng hành tràn lan...  đã làm giảm tính tôn nghiêm, làm biến dạng bức tranh đẹp của lễ hội, gây nên sự bức xúc trong dư luận.

Tình trạng này xuất phát từ những yếu kém trong quản lý, tổ chức lễ hội. Việc phân cấp quản lý lễ hội chưa thống nhất, có nhiều chủ thể cùng tham gia: UBND xã, phường, Ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ. Việc phân cấp quản lý lễ hội ở từng địa phương cũng khác nhau, có nơi do UBND huyện, thị xã tổ chức và quản lý lễ hội, có nơi giao cho UBND xã, phường tổ chức và quản lý, có nơi do Ban quản lý chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ.

Tình trạng các địa phương thi nhau làm lễ hội, nơi nào cũng muốn lễ hội của mình “hoành tráng”, thu hút được thật nhiều khách thập phương, trong khi họ không có đủ tầm, đủ khả năng và kiến thức để tổ chức, rốt cuộc là lại để mặc cho lễ hội “tự biên, tự diễn”.

Những yếu kém trong tổ chức lễ hội được thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Một là, tình trạng quá tải. Tại nhiều lễ hội lượng du khách lên đến hàng triệu mỗi mùa. Điển hình như năm 2013, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách; Yên Tử đã đón 2,3 triệu lượt khách; Đền Hùng khoảng 3 triệu lượt khách. Những lễ hội khác có lượng khách cũng rất lớn như: Hội Lim (Bắc Ninh), Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định),  Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lễ hội Làng Sen (Nghệ An), Lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng), Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang)…

Có những ngày, lượng du khách đến một địa điểm lễ hội lên tới hàng vạn người, thậm chí hàng chục vạn người, trong khi khuôn viên của khu di tích, danh thắng và không gian tổ chức lễ hội có giới hạn, đã dẫn đến tình trạng quá tải. Khả năng cung ứng các mặt không đáp ứng nổi nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông, tự nâng giá dịch vụ… Vì thế, cảnh người đi hội chen nhau, cảnh hỗn loạn, giẫm đạp, trộm cắp... vẫn xảy ra. Cuộc hành hương, du hội nhiều khi trở thành cuộc hành xác của hàng nghìn người dấn thân vào không gian chật hẹp.

Hai là, đơn điệu hóa lễ hội. Mỗi lễ hội thường bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mỗi lễ hội đáng lẽ phải có nét riêng, phải có cốt cách, sắc thái riêng để cuốn hút khách thập phương theo kiểu người xưa nói “Chiêng làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”.  Thế nhưng ngày nay, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa. Hội làng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột tính đa dạng của lễ hội. Sự lúng túng, yếu kém của Ban tổ chức lễ hội đã khiến chủ đề của mỗi lễ hội khác nhau nhưng nội dung các lễ hội như “nhân bản”: rước lễ, hát hò, trò chơi dân gian, ẩm thực!

Không chỉ với hội làng, mà ngay cả đến các lễ hội lớn như Yên Tử, chùa Hương, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Đền Sóc, Cổ Loa, Hội Lim… thường thấy bắt đầu bằng lễ rước với những màn múa rồng, sư tử, kiệu. Sau đó là nghi thức khai hội đều đã được sân khấu hóa, với những lời phát biểu của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo địa phương về ý nghĩa của di tích, lễ hội. Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật thường là do một đoàn nghệ thuật của tỉnh biểu diễn. Như ở Yên Tử năm nào cũng có màn biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh, lễ hội chùa Bái Đính là màn múa của Đoàn nghệ thuật Ninh Bình…

1 bat nhao 1.jpg
Chen chúc ở chùa Đồng - Yên Tử - Quảng Ninh

Một điều đáng nói là những chương trình này đều có mô-típ na ná nhau. Đó là một chương trình tạp kỹ với sự góp mặt của các loại hình sân khấu, các màn biểu diễn như ca nhạc, múa, hoạt cảnh và lồng ghép qua phim ảnh.

Đã từng có những tác giả chỉ cần "thêm mắm thêm muối" sửa chỗ nọ, thêm bớt chỗ kia từ kịch bản của lễ hội ở một địa phương này, là có thể ra một kịch bản lễ hội cho một địa phương khác. Một trong những cách thường xuyên được những người viết kịch bản lễ hội áp dụng là theo kiểu mô tả lịch sử một cách đơn điệu là phần đầu thì diễn cảnh miêu tả nhân dân trước đây đói khổ lầm than do bị giặc ngoại xâm đàn áp với nghệ sĩ trong trang phục rách rưới,  âm nhạc thì não nề; rồi sau đó nhân dân vùng lên đánh đuổi quân thù, giành tự do độc lập với cách diễn xuất là cảnh nhảy nhót, reo hò, trang phục màu mè rực rỡ…

Sự giống nhau của các chương trình khai hội thường tạo cho người xem cảm giác nhàm chán. Ở phần hội, đáng lẽ người đi dự hội được tham gia vào các trò chơi cổ truyền như đánh đu, bịt mắt bắt dê, đấu vật… thế nhưng các trò chơi này hầu như đã biến mất tại các lễ hội. Thay vào đó là các hàng “đánh bạc trá hình” dưới hình thức vui chơi có thưởng mọc ra nhan nhản tại các lễ hội.

Ba là, thương mại hóa lễ hội. Ở lễ hội nào cũng đầy ắp các hàng quán. Đã đành từ xa xưa, trong lễ hội không thể thiếu việc mua bán các sản phẩm độc đáo của địa phương, các món ăn đặc sản. Chính các hoạt động mua bán đó vừa mang ý nghĩa văn hóa, phong tục “mua may, bán rủi” vừa mang ý nghĩa quảng bá các sản phẩm địa phương. Đó là hoạt động rất đáng khuyến khích. Thế nhưng ngày nay, người ta đã lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính.

Người bán hàng thì nâng giá bán cao ngất ngưởng, ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội. Tình trạng người đi lễ hội rải tiền lẻ lên các bàn thờ Phật,  thánh, thần cũng là một hậu quả của thương mại hóa lễ hội. Mặc dù Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có hẳn một văn bản quy định cấm đổi tiền lẻ ở các khuôn viên di tích, nhưng tại mùa lễ hội năm 2014 này, chúng tôi đến các lễ hội, thấy hầu như đến khu vực đền chùa nào cũng có dịch vụ đổi tiền lẻ. Đặc biệt ở chùa Hương, chỉ riêng khu vực Đền Trình chúng tôi đã đếm được hơn 40 quầy đổi tiền lẻ, ở trước chùa Thiên Trù có gần 30 quầy và trước cửa động Hương Tích cũng như vậy.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ở mùa lễ hội năm trước có tới 1.200 bao tiền lẻ - loại tiền mệnh giá thấp 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng… (tương đương với 20 tỷ đồng) được đưa từ khu vực Hương Sơn về các ngân hàng. Lượng tiền lẻ khổng lồ được lưu thông tại các lễ hội đang gây lãng phí rất lớn cho Nhà nước và nhân dân. Để in được một tờ tiền mệnh giá 500 đồng, Nhà nước phải chi phí tới 2.000 đồng. Trong khi đó, những đồng tiền mệnh giá nhỏ này đang bị sử dụng hoàn toàn sai chức năng, thay vì để thanh toán ngoài thị trường, những đồng tiền này đang phục vụ cho việc lễ bái phản văn hóa.

Rõ ràng, việc chấn chỉnh những bát nháo của lễ hội, để lễ hội vừa trở thành một trong những mũi nhọn của ngành kinh tế du lịch, đồng thời góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc của các dân tộc, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiên cứu nhận diện những yếu kém, tìm ra nguyên nhân, từ đó mới “bốc thuốc” chữa được cho vấn đề này.

Không nên chỉ đổ cho ý thức kém của người dân hành hương, hay những người kinh doanh ở các lễ hội.

Chu Minh Khôi

____________


* Đọc thêm:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày