Lễ hội hay lễ lợi ?

Nhân lễ hội để thu lợi, đưa vào lễ hội nhiều nội dung xa lạ, vốn kết hợp với nhau chỉ vì có cùng mục đích và phần còn lại là do sự dị đoan thái quá của con người, chừng mươi năm nay, nhiều lễ hội truyền thống mất đi đáng kể sự thuần khiết.
Chỉ một con ngựa giấy đặt trước đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), ông thầy này với vài lời khấn gieo quẻ “hái” ra lộc... - Ảnh: Văn Định
Chỉ một con ngựa giấy đặt trước đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), ông thầy này với vài lời khấn gieo quẻ “hái” ra lộc... - Ảnh: Văn Định

Bản chất của lễ hội truyền thống đã thay đổi đáng kể khi nền kinh tế thị trường hình thành. Trong lễ hội truyền thống, yếu tố kinh tế (thu lợi) không bao giờ được đề cập, hay muốn nói nó hoàn toàn bị cấm. Ở nơi nào còn ít giao lưu, xa xôi, như trò Xuân Phả (Thanh Hóa), thì lễ hội còn thuần túy là hoạt động văn hóa cổ truyền, nhưng ở không ít nơi đã thành di tích, danh thắng, điểm du lịch, tiện đường thì lễ hội được bán khoán như một dịch vụ đắt tiền, ít văn hóa.

Lễ hội: Thanh - tục tùy ở cả chủ lẫn khách

Những vấn đề trên chưa thể rút ra một quy luật chung cho việc tổ chức lễ hội hiện tại, mà tùy từng loại lễ hội và ai tổ chức, những bất cập nào mới xuất hiện. Người ta có thể thấy vấn đề từ lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Khai ấn đền Trần, lễ hội Lim, chùa Bút Tháp, lễ hội đền Hùng, lễ hội núi Bà Đen... - những lễ hội nguyên là từ làng xã, nâng dần lên tính chất vùng miền, thậm chí còn có tính quốc gia. Nhưng đã thấy những sự gai chướng vì nâng cao đến đâu thì môi trường bị hủy hoại đến đó, lòng tư lợi và lợi dụng thần thánh cũng sâu sắc thêm đến đó. Kết quả là có khi sau khi đi lễ hội về người ta cảm thấy giống như bị mất cắp. Người địa phương thì mỗi năm một lần coi đó là cơ hội kiếm ăn, không cần cái gọi là lòng hiếu khách và uy tín kinh doanh, du khách thì mê tín dị đoan, sinh hoạt cẩu thả mặc cho địa phương dọn dẹp, nên ngồi đâu đi đâu là xả rác và sẵn sàng phá hoại di tích. Khi cái hồn của lễ hội chưa được giác ngộ trong dân chúng, phần tri thức văn hóa mờ nhạt, thì những việc như đốt hương cả bó, vàng mã cả xe, vứt rác đầy chùa, nhét tiền vào tay tượng Phật hay bẻ hẳn tay tượng (như đã thấy chùa Bái Đính) gần đây hẳn là cái hậu chua xót tất yếu.

“Sáng kiến” khoán các khoảnh đất kinh doanh cho những người tham gia phục vụ lễ hội khiến nhiều ban quản lý di tích không còn kiểm soát được nội dung văn hóa và môi trường nữa. Tôi thuê một mảnh đất thì tôi bán phở hay mở trò chơi rút số ăn tiền, bầu cua cá là tùy. Đấu thầu, khoán còn khiến giá thuê đất kinh doanh ngày một cao hơn và tất nhiên là lại giáng vào đầu du khách. Trước đây vé vào cửa cho khách nước ngoài đến chùa Bút Tháp là 15.000 đồng/người do ban văn hóa thu, nay khoán cho một gia đình lập tức vé tăng lên 20.000 đồng. Tương tự, giá trông xe, tiền đi đò tăng vô tội vạ, tùy theo ngày đông hay vắng khách mà không theo bất cứ quy định nào. Hình ảnh của địa phương xấu đi bao nhiêu trong mắt du khách, thì thái độ ứng xử văn hóa với nhau và với môi trường của du khách kém đi bấy nhiêu. Có nơi, sau lễ hội, mùi khai thối còn tồn đọng đến cả tháng và rác rưởi chất cao như núi bên ruộng đồng.

Văn hóa lễ hội đuối sức?

Thái độ văn hóa của người tham gia lễ hội là việc rất đáng nói trong hoàn cảnh hiện tại. Trong số đó, phần nhỏ là người về thăm lại quê hương nói chung có thái độ rất tốt với bản quán, trừ việc cung tiến đến mức đưa vào di sản bừa bãi những đồ thờ không hợp với cảnh quan. Ví như đỉnh vạc, voi thờ quá to, cột cờ vài ba cái, lại đòi sửa cái nọ, muốn thêm cái kia bất chấp sự hoàn thiện sẵn có của kiến trúc và di sản. Phần đông khách đi chơi hội là thanh niên và đây cũng chính là đối tượng vẽ bậy lên tường chùa, khắc tên lên cây, bôi xóa trên chuông khánh và thải rác dọc các triền đê vào tới tận cửa di tích. Phần còn lại là những người đi lễ theo tín ngưỡng chung và riêng. Nhìn cách nhiều người hành xử trong những lễ hội mới thấy dường như chưa bao giờ sự dị đoan bùng nổ như hiện nay, làm mất hết ý nghĩa thiêng liêng của các tín ngưỡng bản địa và Phật giáo. Tôi từng thấy ở đền Mẫu (Hưng Yên), người ta nhốt hàng trăm con chim vào một cái lồng nhỏ chuẩn bị cho ngày phóng sinh, ở đáy lồng chim đã chết hàng chục con. Nếu bạn đến làng tranh Đông Hồ danh tiếng thì sẽ thấy nay phần lớn các nhà đều làm hàng mã, sẽ thấy các đồ mã như kích thước thật, voi ngựa nhà xe to lù lù chiếm hết sân. Vào năm 2000, thống kê mùa lễ hội xuân người ta đốt mất 4 tỉ đồng cho vàng mã. Đến nay con số đó có thể là 40 tỉ đồng? Chưa kể, tất cả những di tích lớn đều được Nhà nước xây đường sá dẫn vào, nhưng sau mỗi mùa lễ hội, không hiếm những con đường xuống cấp, bẩn bụi cả năm liền sau đó.

Lễ hội văn hóa trong xã hội hiện đại ở bất cứ nước nào đều phải gắn với kinh doanh. Nhưng điều tiết giữa những món lợi và hành vi văn hóa để lễ hội còn sống mãi với thời gian là việc mà các địa phương nên đặt lên hàng đầu, trong đó những nội dung văn hóa truyền thống phải được coi là thiêng liêng bất biến để trân quý, giữ gìn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày