Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn: Một sự kiện văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa

:Lễ hội Quan Thế Âm năm 2010
:Lễ hội Quan Thế Âm năm 2010
(GNO-Đà Nẵng): Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn được tổ chức hằng năm vào ngày 19/2 âm lịch được xem là một sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng, không chỉ với Phật giáo trong và ngoài nước mà còn thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều tầng lớp nhân dân cả nước vì ý nghĩa văn hóa đặc trưng của vùng địa linh Ngũ Hành Sơn.

Vào mùa xuân 1957 - tại chân núi Kim Sơn thuộc vùng linh khí thiêng liêng Ngũ Hành Sơn lúc bấy giờ, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn trong một đêm nằm mộng thấy hào quang của Đức Quán Thế Âm thị hiện trên pháp đàn và theo nguồn ánh sáng mầu nhiệm ấy Ngài đã lần ra một hang động. Quả thật, sau giấc mộng đó, Hòa thượng đã cùng các môn đệ  nhiều ngày đêm soi đèn tìm khắp hang động dưới chân ngọn Kim Sơn sâu chừng hơn 50 thước, rộng chừng gần 80m2 một hang động hoàn toàn do thiên tạo, trên vách đá óng ánh các nhũ thạch xuất hiện một Đức Quán Thế Âm dáng đứng hiền dịu như đang xuống trần phổ độ chúng sinh. Từ đó, chùa Quán Thế Âm có động được đặt tên là động Quan Thế Âm.

Ngày vía của Ngài Quán Thế Âm 19-2 năm 1960 được Hòa thượng cùng đạo tràng tổ chức thành một lễ hội bao gồm nghi lễ Phật giáo trang nghiêm đông đảo đồng bào Phật tử hành trì niệm kinh tán dương công đức, hạnh nguyện mẹ hiền tầm thanh cứu khổ đồng thời là ngày hội văn hóa cho các trại sinh, GĐPT, các đạo tràng và bà con địa phương sinh hoạt vui chơi và tu học trong dịp đầu xuân.

Do biến động của chiến tranh kéo dài, kể từ năm 1964 cho đến khi Hòa thượng Pháp Nhãn viên tịch, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sn không được tiếp tục tổ chức.

Từ lễ hội tâm linh cấp tỉnh đến lễ hội cấp quốc gia

Với phát nguyện báo đáp thâm ân của hòa thượng tiền nhiệm cùng nguyện vọng của chư Tăng Ni Phật tử, đầu năm 1990, cố HT. Thích Huệ Hướng trụ trì chùa Quán Thế Âm đã kiên trì thuyết phục, ngày đêm lặn lội ngược xuôi, gặp gỡ trần tình cùng lãnh đạo các ban ngành, các nhà quản lý văn hóa lúc bấy giờ, trình  các văn bản thủ tục đến ngành VH-TT và chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng quyết chí khôi phục lại “Lễ hội vía Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn".

Thế rồi, vào ngày 19/2 Tân Mùi - năm 1991, sau một thời gian dài vắng bóng, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hoạt động trở lại đáp ứng mong ước của hàng hàng tín đồ Phật giáo trong cả nước. Cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các cơ sở Phật giáo đã hoan hỷ đón nhận tin vui, Phật tử và đồng bào đã vân tập về Non Nước Ngũ Hành Sơn tham gia lễ hội văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa này. Hàng chục chiếc xe Lada (Liên Xô) màu đỏ lần đầu tiên kể từ sau ngày Đà Nẵng giải phóng đã cắm cờ Phật giáo diễu hành quanh TP.Đà Nẵng.

Đoàn cung nghinh chư tôn đức và quan khách chính quyền nghiêm trang, cung kính do đạo tràng chắp tay cung nghinh hai bên đường (Sư Vạn Hạnh sau này) dài hàng cây số. Nghi lễ Phật giáo được cử hành trang nghiêm, long trọng bậc  nhất, các xe của hãng Phi Long chở hành khách đi hành hương từ chùa Hương Tích, núi Bà Đen tập trung về chùa mất 3 - 4 ngày đường. Với một lòng thành kính và tín ngưỡng Đức Quán Thế Âm, hàng trăm Phật tử nằm qua đêm quanh chùa dù khi đó chưa có điều kiện để nhà chùa cung cấp chiếu màn, trong cái rét căm sau Tết Tân Mùi (1991) để thấy rằng trong những ngày tháng còn nhiều gian khó lòng thành của những người con Phật vẫn sáng trong như nhất, trong sáng như pha lê cho đến các thế hệ con cháu mai sau.

Qua 20 mùa lễ hội, mỗi mùa được chư Tăng, Phật tử thuộc đạo tràng chùa Quan Thế Âm cùng thiện tín thập phương hiến kế, hiến công để lễ hội Quán Thế Âm ngoài yếu tố tâm linh tín ngưỡng đã trở thành nơi chốn diễn ra những hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo tồn và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đại đức Thích Huệ Vinh cho biết: “Qua những mùa lễ hội, mỗi mùa chúng tôi như được sự hộ độ vi diệu nhiệm mầu của Bồ tát mẹ hiền, mẹ đã tiếp sức cho những nổ lực không ngừng nghĩ của đạo tràng, thầy trò chúng tôi, càng về sau chúng tôi nhận thấy có sự tinh tấn, thăng tiến rõ rệt về các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Đã có hàng chục nhà thư pháp trưởng thành rạng danh từ lễ hội qua học hỏi, sáng tạo và giao lưu, nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo, nhà nhiếp ảnh đã có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ lễ hội. Có người gắn bó với hàng chục mùa lễ vía mẹ hiền Quán Thế Âm, họ giàu lên lòng nhân từ, thăng hoa trong tình thương yêu, lòng bao dung và hiền hòa của người mẹ tâm linh nhân loại…”.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn kết văn hóa Phật giáo trong hội nhập quốc tế

Từ những hoạt động văn hóa nghệ thuật tâm linh trong phạm vi cấp quận, nay Lễ hội Quán Thế Âm đã phát triển mạnh hơn với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng. Phần lễ, ngoài các nghi thức lễ trọng của Phật giáo như: cung nghinh chư tôn đức Trung ương Giáo hội, các Tăng già nổi tiếng trên thế giới như Pháp vương Tây Tạng, Đức Lama ZOPA’S TEACHER RINPOCHE và Tăng đoàn, các Tăng đoàn Phật giáo Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Hồng Kông, lễ rước ánh sáng, rước tôn tượng Quán Thế Âm, rước linh vị ông Tổ nghề đá làng nghề Non Nước, lễ hóa trang Quan Âm thị hiện, hóa trang các Thánh đế trong các màn hội thi gây sốc ấn tượng, thuyền hoa du hành trên sông v.v… và đặc biệt là ngài Ia Green - chủ nhân khối ngọc bích - niềm kiêu hãnh Bắc Cực, dấu ấn của thế kỷ với tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới đã triển lãm đầu tiên tại lễ hội. Nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học tôn giáo trong và ngoài nước đã về tham dự lễ hội. Một điểm nhấn tâm linh quan trọng của lễ hội là từ sự giao thoa, kết nối và hội nhập, chùa Quán Thế Âm đã đón nhận khối ngọc từ Phật ngọc Hòa bình thế giới của ngài Ia Green để trung tâm chế tạo ngọc lớn nhất Thái Lan dựng nên tượng Phật ngọc Quán Thế Âm thiên thủ, thiên nhãn với danh hiệu “Ngọc Quán Âm cho tình thương nhân loại”. Nhà vua Thái Lan cùng Tăng đoàn hơn 200 vị đã trực tiếp gia trì, chú nguyện khai quang cho tượng Quán Âm trong một đại lễ hết sức long trọng với sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan trước khi đưa bằng chuyên cơ về an vị tại chùa Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian có sáng tạo phù hợp tuổi trẻ, trong đó các trò thu hút đông các Phật tử và bạn trẻ gồm cờ người, kéo co, thi viết thư pháp trên nhiều chất liệu, giao lưu thơ, nhạc, triễn lãm tranh, ảnh, điêu khắc mỹ thuật Phật giáo cùng văn hóa dân tộc, đêm hoa đăng, các Gia đình Phật tử tổ chức hội thi cắm hoa, kiệu hoa và hóa trang mẹ hiền Quan Thế Âm thu hút nhiều người xem và cổ vũ, các gian ẩm thực khắp miền cũng được hội tụ với chủ đạo là món ngon xứ Quảng đem đến cho du khách hành hương những hương vị đậm đà chất Thiền và dung dị trong sắc màu nâu, lam vàng lấp lánh chút gì mang tính tâm linh, tinh khiết mà thắm tình đạo vị của một vùng biển xanh non nước hữu tình.

Một công trình thế kỷ đang dần hình thành từ nhu cầu phát triển của lễ hội tâm linh Quán Thế Âm 19/2 Ngũ Hành Sơn. Ngôi chùa đá (ngọc thạch) trên diện tích 750m2 với quy mô kiến trúc hiện đại đủ sức phục vụ cho việc tu học, hành lễ thường xuyên của hàng ngàn Phật tử và đón nhận khách hành hương dự lễ hội lên đến 500 ngàn người.

Các hoạt động lễ hội tại đây đã vượt không gian, tiếp cận hàng chục quốc gia có tín ngưỡng Quán Thế Âm, sẵn sàng tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi, biểu diễn và tu học tại chùa Quán Thế Âm trong những mùa lễ hội sắp tới.

Lễ hội quốc gia Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn với tầm vóc mới sẵn sàng đón nhận sứ mệnh thiêng liêng về văn hóa tâm linh để giao lưu cùng bè bạn trong khu vực và thế giới.

Năm nay từ 17 - 19/2 Tân Mão (tức từ ngày 21 - 23/3/2011), lễ hội lại rộn ràng bước chân của du khách hành hương hội tụ về đây dâng hương trong ngày vía Bồ tát, Ban Tổ chức đã nỗ lực từ hơn nữa tháng trước khi diễn ra lễ hội, thu dọn đường giao thông sạch đẹp khoảng 3km các bandrol, cờ phướn đèn điện trang trí lung linh, khung cảnh lễ hội giờ đây đang dần nóng lên từng giờ, nhiều cuộc điện thoại ở các đoàn trong và ngoài nước đã gọi đến thúc giục một mùa lễ hội tâm linh trang nghiêm thanh tịnh và đông vui theo nhịp sống rộn ràng cuối mùa xuân trên vùng đất linh khí Ngũ Hành Sơn thiêng liêng và mến khách.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày