GNO - 7g sáng nay, 3-5, lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh diễn ra trọng thể tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội, hội trường Thống Nhất TP.HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã tường thuật trực tiếp các buổi lễ tại Hà Nội, TP.HCM.
Nhiều phái đoàn đại diện Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, tôn giáo đã đến viếng tang Đại tướng.
Lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh sáng nay, 3-5
Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 10g45 ngày 3-5 tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong văn truy điệu đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã dành cả đời cho sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước viếng tang
Ông Lê Mạnh Hà - trưởng nam của Đại tướng đã đại diện gia đình gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, các đoàn thể trong và ngoài nước, nhân dân... đã dành nhiều tình cảm cho cha ông những ngày qua và đặc biệt là trong lễ viếng hôm nay.
11g25 nay, đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng rời Nhà tang lễ Quốc gia để về với TP.HCM và an táng tại nghĩa trang TP.HCM lúc 17g chiều cùng ngày.
Tại lễ truy điệu, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết hơn 1.000 đoàn đại biểu đã đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại ba địa điểm: Hà Nội, TP.HCM và Thừa Thiên - Huế.
Tang lễ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức theo nghi thức Quốc tang và Quốc tang hai ngày: 3 và 4-5-2019 do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang.
Linh cữu Đại tướng rời Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội
Và được đưa qua các cung đường của Hà Nội - ngang qua Phủ Chủ tịch
Được biết, Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời tại Hà Nội tối 22-4-2019 do bệnh nặng, hưởng thọ 99 tuổi.
Ông Lê Đức Anh được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã chiến đấu hơn 30 năm trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và 10 năm trên chiến trường nước bạn Campuchia giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.
Tại thời điểm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Anh là tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, ông là phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, kiêm tư lệnh Đoàn 232 - cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn - Gia Định.
Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9-1997, có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đại tướng Lê Đức Anh chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4-2001), Đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn viếng tang tại Dinh Thống Nhất
Đại diện các tổ chức tôn giáo viếng tang
Gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh