Lễ Vu Lan với ý nghĩa nhân văn

Lễ Vu Lan với ý nghĩa nhân văn
Vu Lan là một lễ lớn của Phật Giáo. , năm nay Mùa Vu Lan ở nước ta lần đầu tiên được khởi đầu bằng Lễ hội Ăn chay tại nhà Thiếu nhi TP HCM do Đoàn Thiện Nguyện thuộc Học viện PGVN tp HCM tổ chức và tại tp Mỹ Tho Tiền Giang do Bồ Đề Quán đảm nhiệm.

Được biết trong Lễ hội Ẩm thực chay - Mùa báo hiếu 2009 ở tp HCM diễn ra trong 3 ngày từ ngày 20 đến 23 / 8 gồm nhiều chuyên đề thuyết trình và thảo luận:

- “Ăn chay vì một thế giới hòa bình” (Tiến sĩ Thích Nhật Từ);
- “Ăn chay có lợi cho sức khỏe” (Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh Dưỡng TP),
- “Ăn chay bảo vệ môi trường” (Tiến sĩ Nguyễn Thọ Nhân, Viện năng lượng nguyên tử quốc gia), cùng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ phục vụ.

Nhà sư Tâm Diệu viết: “Hiện nay trái đất đang nóng lên, có phải là Mẹ trái đất đang oằn mình rên xiết. Có ai đó đã hơn một lần nghĩ về cuộc sống chung quanh chúng ta và sự hiện diện của trái đất chúng ta???” Quả vậy, Trái Đất đang hàng ngày hàng giờ bị tàn phá ghê gớm bởi các dự án khai thác đào bới mỏ quặng, chặt phá rừng xanh. Các chương trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang hủy hoại thiên nhiên, phá hủy môi trường.

Hy vọng Văn hóa ẩm thực chay đang được nâng cao bằng hàng trăm món chay rất ngon miệng và bổ dưỡng luôn nhắc nhở mọi người về việc tri ân cha mẹ cũng như Trái Đất – ngôi nhà chung của chúng ta.

Vu Lan được phiên âm từ tiếng Sanskrit ULLAMBANA, có nghĩa là “Ngày hội cứu những oan hồn”, được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm theo truyền thống Phật giáo.

Lễ Vu Lan được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa. Lần đầu được tổ chức vào đêm rằm tháng bảy năm 768 ở Trường An - trung tâm kinh đô đời nhà Đường. Lễ này được phổ biến sang các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, và vào Việt Nam khoảng năm 1302. Sau đó lễ Vu Lan được thịnh hành vào thời nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chấn tế, nghĩa là bố thí thức ăn cho loài quỷ đói.

Lễ Vu Lan đã được tạo dựng từ truyền thuyết về Mục Kiền Liên, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, người có nhiều khả năng biến hóa thần thông. Một hôm Mục Kiền Liên triển khai huệ nhãn thì thấy mẹ mình là bà Thanh Đế đang bị đày ở địa ngục vì trong tiền kiếp đã gây nhiều nghiệp ác. Mục Kiền Liên vì muốn báo hiếu mẹ nên đã dùng thần thông xuống địa ngục để cứu mẹ. Nhưng không đạt được mục đích dù ngài là bậc A La Hán, Ngài bèn nhờ đến Đức Phật giúp đỡ. Đức Phật mới nói với ngài rằng chỉ có thể phối hợp tất cả nỗ lực của tất cả chư tăng mới có thể cứu thoát được mẹ. Ðức Phật dạy cho Mục Kiền Liên tổ chức cúng dường các tăng ni sau ngày an cư kiết hạ vào ngày rằm tháng bảy để cùng làm lễ cứu giúp cho mẹ ngài.

Kết hợp với truyền thống văn hóa dân gian là tập tục thờ cúng tổ tiên nên trong lễ Vu Lan người ta cúng đồ ăn như cháo, bánh, hoa quả, quần áo và cả các vật dụng khác làm bằng giấy. Ca dao Việt Nam cũng có câu:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con

Vì thế lễ Vu Lan cũng là dịp để cho con cháu thực hiện đạo hiếu đối với cha mẹ không chỉ những người đã khuất, ông bà tổ tiên, mà còn có trách nhiệm với các bậc cha mẹ đang còn sống:

Trẻ cậy cha, già cậy con

Vu Lan đã trở thành ngày lễ “Báo hiếu”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Phật giáo trong việc coi trọng “Tứ Ân” (ơn cha mẹ, ơn tổ quốc, ơn chúng sinh và ơn Tam Bảo). Đây cũng chính là nét giao thoa của Phật giáo với nền văn hóa Việt.

Không những thế, về sau trong ngày Vu Lan người ta còn hướng tới việc tri ân các chiến sỹ đã hy sinh trong trận mạc, bảo vệ quê hương Tổ quốc, và còn chia sẻ với những vong hồn chết bất đắc kỳ tử hoặc không có người thân cúng viếng. Vu Lan lại được người Việt phát triển thành ngày lễ cúng cô hồn với tên gọi là ngày “xá tội vong nhân”.

Trong khi hành lễ để cứu mẹ Mục Kiền Liên, có nơi đã thực hiện nghi thức “phá ngục”, do đó mà một số chúng sinh cũng được thoát khỏi khổ nạn, đây coi như họ được xá tội cùng với bà Thanh Đế.

Về mặt hình thức thì Vu Lan là lễ cúng cô hồn nhưng nội dung thì Vu Lan là một dịp thuyết pháp cho chúng sinh Quy y Tam Bảo. Tam Bảo là Phật Pháp Tăng mà mọi đệ tử nương nhờ (y theo) vào đó để tu tập nhằm quay về Tâm Phật của bản thân mình mà soi sáng để hướng tới cứu cánh là đạt Giác ngộ và Giải thoát khỏi Khổ. Vì theo giáo lý thì mọi khổ nạn đều do Vô minh, vì tham sân si mà tạo nghiệp và vì vậy mà chúng sinh phải lăn lộn trong vòng luân hồi Sinh Tử với quy luật Nhân quả do Vô minh tạo ra. Khi nhận biết được nguyên nhân là Vô minh thì loại bỏ nó và mọi hậu quả sẽ không còn – thoát vòng luân hồi, thoát khỏi Khổ, trở về với Niết bàn. “Mọi chúng sinh đều là Phật” và “Phật tại Tâm”. Mỗi khi Tâm tĩnh lặng, ta phát huy được nội lục của Tâm thì đạt Tuệ (sự sáng suốt) và nhận biết được sự Vô minh của mình để loại bỏ Nghiệp mà thoát ra khỏi vòng sinh tử.

Qua Vu Lan Đức Phật muốn dạy cho chúng ta những bài học về điều cơ bản của Phật Pháp để thoát Khổ:

1. Không thể dùng thần thông mà giải thoát được kể cả cho bản thân và cho bất kỳ ai, qua việc Mục Kiền Liên không thể cứu được mẹ mình mặc dù có khai triển thần thông cao đến đâu.

2. Không có một đấng siêu nhân nào có thể cứu được mình ngoài bản thân mình. Muốn thoát khổ thì chỉ có bản thân mình tự cứu mình nhờ sự trợ giúp của Tam Bảo bằng cách soi xét lại mọi nghiệp chướng do mình gây ra, sám hối và loại bỏ vô minh.

Ý nghĩa của Vu Lan mà Đức Phật muốn dạy là sau kỳ kiết hạ mọi chư tăng đều đã thu thập được nhiều tâm lực. Tâm lực ở đây có thể hiểu như một dạng năng lượng tinh thần (ý thức) được tập trung cao độ nhờ thiền định trong ba tháng kiết hạ. Nhờ lực lượng này mà có thể giúp bà Thanh Đế thay đổi tâm sai trái độc ác trước đây, đế chuyển hóa thành tâm thiện, tự thoát khổ.

Ở Việt Nam lễ Vu Lan thường được tổ chức tại các chùa và ở cả những nơi công cộng như chợ búa, bến xe… Trong khi hành lễ các vị sư thường tụng kinh Vu Lan Bồn và một số văn tế khác. Đặc biệt ở Việt Nam thường được dùng nhiều nhất là bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.

Văn tế thập loại chúng sinh là một trong những kiệt tác thơ nôm thấm đậm giáo lý nhà Phật. Văn tế thập loại chúng sinh được bắt đầu bằng cảnh trời thu ảm đạm ảo não như ở cõi âm. Thời gian ở đây là sau mùa kiết hạ như trong Kinh Vu Lan:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ độ về Tây phương.

Thập loại chúng sinh mà Nguyễn Du đề cập ở đây bao gồm tất cả những thành phần có trong xã hội như: các bậc anh hùng liệt nữ, quan chức đến các sỹ tử, lính tráng, thương gia và cả gái giang hồ, kẻ ăn xin, tù nhân, những kẻ mệnh yểu, chết bất đắc kỳ tử… Tất cả những ai đã trải qua cuộc đời oan nghiệt do dục vọng, vô minh hoặc do cảnh đời oan trái mà phải mê lầm trong cõi nhân thế:

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cất gánh non sông
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau! …

Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay …

Cũng có kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi. ..

Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa

Nhờ có sự từ bi phổ độ của Phật Pháp Tăng mà tất cả thập loại chúng sinh đều có khả năng được cứu khổ:

Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng:"Vạn cảnh giai không"
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi….

Giáo lý Phật thường có vô lượng nghĩa để đáp ứng với vô lượng tâm của chúng sinh nhằm mục đích “độ tùy duyên”. Vu Lan là một trong những phương tiện thiện xảo của Đức Phật để dạy cho chúng sinh phép cúng dường chư Tăng và tạo cho các phật tử có duyên lành gieo trồng nhân thiện, trợ giúp chư Tăng tu tập chính quả nhằm cứu độ mọi chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi sinh lão bệnh tử. Đồng thời đây cũng là dịp giáo dục Đạo Hiếu giúp cho các thế hệ con cháu biết nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên, cũng như biết tri ân các bậc tiền nhân đã hy sinh dựng xây Đất nước ngàn đời, mà thế hệ trẻ ngày nay cần phải có trách nhiệm gìn giữ non sông và bảo vệ chủ quyền Đất nước trọn vẹn. Và nhân ngày Vu Lan chúng ta có thể bày tỏ thái độ của mình trong việc giữ gìn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống trên Trái Đất: "Be Veg, Go Green, save our Planet" (Ăn chay, hành trình xanh, cứu hộ Hành tinh của chúng ta)

Lễ Vu Lan với ý nghĩa nhân văn ảnh 4

Quán Thuyền Viên đã quá tải nhưng khách vẫn nườm nượp kéo đến.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày