Dòng tin ấy chạy ngang qua màn hình vi tính trong ngày hôm qua cũng như sáng nay, khi truy cập các trang mạng trong và ngoài nước. Tối qua, xem truyền hình, lại được thấy tận mắt hình ảnh vị cựu tổng thống bị bắt với những thông tin sơ bộ vẫn là do bà có gian lận bầu cử, tham nhũng…
Cựu tổng thống Arroyo ở sân bay Manila ngày 15-11, sau đó đã bị cảnh sát ngăn cản không cho làm thủ tục xuất cảnh - Ảnh: Reuters
Chợt nghĩ, cuộc đời con người ta “lên voi, xuống chó” quả là trong gang tấc. Mới đó, còn tại vị ở chức vụ tổng thống của một nước bà rất đỗi tự tin bởi xung quanh bà là quyền lực và sự trọng vọng, kể cả niềm tin được nhân dân Philippines và những người ủng hộ bà đã dành cho.
Trên một trang mạng xã hội, các bạn trẻ tham gia bình luận rằng: “Căn bệnh thâm căn cố đế của những người có quyền là cố gắng giữ cho bằng được cái quyền đó, bởi nó đi kèm với danh và lợi”. Rõ ràng, người trẻ ngày nay trước thông tin mở, đa chiều và họ tiếp nhận đầy đủ những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày, chính sự quốc gia, quốc tế nên có sự nhìn nhận rất trí tuệ về “bệnh” của những người “tham quyền cố vị”.
Lên voi, xuống chó là một thành ngữ diễn tả về sự xuống lên vinh hiển, thất bại của đời người. Có những chính trị gia, những người giàu có “lên voi” và giữ được cái tâm của người lãnh đạo, người có tiền là lo cho dân nghèo, giúp đỡ, chia sẻ với những nơi, những người nghèo khó. Và họ được nhớ đến như những con người tử tế, “sống” lại trong lòng người với lòng ngưỡng vọng, biết ơn…
Bà Arroyo gặp gỡ Tổng thống Mỹ Obama ngày 30-7-2009 khi bà còn là tổng thống Philippines - Ảnh: Getty Images North America
Tuy nhiên, cũng có không ít người được làm lãnh đạo rồi xem dân chẳng ra gì, ra sức bòn rút mồ hôi nước mắt dân, tư lợi cho mình thông qua những mối quan hệ, những món tiền béo bở thì trước sau gì cũng “xuống chó” trong nỗi ê hề và cả sự oán thán của dân chúng - những người trước đó từng tín nhiệm họ. Nhân quả của việc đánh mất lòng tin của người khác chính là việc người ta sẽ ta thán, oán hờn mình, nếu càng có đông người tin mình, kỳ vọng ở mình thì cái “quả” ấy càng lớn.
Nghĩ đến điều đó trong quy luật nhân-quả tồn tại hiển nhiên, quy luật ấy không bị chi phối bởi bất kỳ quyền lực nào để nhận diện một vài điều, để thấy vô thường, và để cảnh báo cho những ai đã, đang, hoặc có ý định mưu cầu quyền lực, địa vị, bòn rút tiền thuế của dân… Bởi vì nếu mình đã gieo nhân bất thiện rồi, có trốn ở đâu thì đến lúc trổ quả chúng ta cũng phải nhận lãnh là điều tất yếu.
Lại nhớ câu nói của người xưa: “Quan một thời, dân vạn đại” nên làm quan chức sao cho hợp lòng người thì dẫu đến lúc làm dân, người ta vẫn nhớ, vẫn kính, và có “ra đi” cũng còn vương chút hương lòng để người ta trân trọng mình…