Tại sao phải tự hào? Niềm tự hào không chỉ đến một cách đơn giản bằng niềm hân hoan, bằng sự thán phục các bậc tiền bối đã dựng và giữ nước quá oai hùng được. Niềm tự hào có được khi mình có ý thức rằng mình đã, đang và sẽ góp tay vào thời gian dài ấy. 1.000 năm sẽ dừng lại, nhưng niềm tự hào dân tộc, sự thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc kéo dài mãi, và âm thầm truyền đi như ngọn lửa trong bó rơm, như tình thân nồng hậu của xóm giềng, của người với người.
Cha ông là một hòn than. Hòn than ấy đã cháy sáng, đã giữ lửa, đã lan tỏa hơi ấm… trọn vẹn một kiếp than. Nhưng ngọn lửa trong nó không mất đi, đã có cách truyền lửa từ hòn than sang bó rơm, từ bó rơm cháy ngún, người ta lại khéo tạo thêm nhiều hòn than khác, cũng ấm, cũng thiết tha nồng đượm với đất nước và quê hương. Tôi đang sở hữu một hình tướng khác với cha ông ngày xưa. Tuy nhiên, ngọn lửa yêu quê hương, đất nước có trong tôi cũng đã từng hiện diện trong cha ông. Từng theo các vị đi đánh trận, từng trong tim khi các Ngài đi khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi. Đó là sự tiếp nối trong âm thầm, nhưng lại là nguồn sống, nguồn năng lực vĩ đại của dân tộc.
Quán chiếu, và ý thức được điều đó, người trẻ chắc chắn không còn bơ vơ giữa những dịch vụ "bên lề" 1.000 năm. Khi ấy, người trẻ sẽ đặt bàn tay lên ngực trái để hiểu rằng: Tôi tiếp xúc được với thần khí thiêng của dân tộc ở trong tôi, và tôi cũng ở trong cha ông, tổ tiên.