Lời chào thiêng liêng

Giác Ngộ - Má tôi mỗi sáng đều lạy Phật rồi sau đó má dành thời gian khoảng 30 phút để ngồi trước bàn thờ Phật mà niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Má bảo: "Ước ao lớn nhất của má là được vãng sanh". Tôi mỉm cười, kêu má chuyên tâm tu giỏi đi, sẽ được vãng sanh, Phật nói "chúng sanh là Phật sẽ thành" mà. Hai má con cứ thế động viên nhau tu tập, ngồi và niệm danh hiệu Phật A Di Đà.

1 "Nam mô A Di Đà Phật! Đó là câu niệm mang tính cách một lời chào trong nhà Phật. Tôi đã học câu ấy ngay từ ngày đầu tiên đến chùa, thầy trụ trì ở chùa làng đã dạy tôi: "Con chắp tay thành hoa sen, rồi cúi xuống, chào thầy và đạo hữu, Phật tử bằng sáu chữ "Nam mô A Di Đà Phật" nghen". Tôi thực tập như thầy và được thầy khen, rồi câu niệm ấy trở thành tâm ngôn của tôi trong những lúc đi đường…".

WWWT.JPG

Ảnh minh họa - Ảnh: Bảo Toàn

Dòng nhật ký ấy tôi ghi được trên một diễn đàn Phật pháp dành cho người trẻ, chia sẻ ấy thật dễ thương. Có lẽ ai đã từng đi qua những ngày tháng đẹp nơi mái chùa làng, từng gắn với danh hiệu Phật A Di Đà trong những câu chào và trong đời sống hàng ngày đều cảm thấy có mình từ dòng nhật ký ấy! Trở lại hình ảnh chắp tay, chào bằng câu Nam mô A Di Đà Phật, bạn Thành Trung (Hà Nội) bộc bạch rằng: "Đến chùa, tiếp xúc với quý thầy và Phật tử bằng câu chào ấy làm cho khoảng cách giữa mọi người trong hội chúng trở nên ngắn hơn, bởi người ta nhận ra ngay đó là đồng đạo, là huynh đệ".

2."Tôi có một đứa cháu, năm nay học lớp 1. Bé theo mẹ đi chùa ngay từ hồi… còn trong bụng mẹ, nên khi sinh ra cũng được nuôi dưỡng bằng thực phẩm chay. Nhiều người sợ bé sẽ gầy ốm vì thiếu chất nhưng ngược lại cháu tôi rất khỏe mạnh và thông minh. Chỉ mới học lớp 1 nhưng bé đã thuộc gần hết chú Đại Bi, rồi còn biết chắp tay chào rất đẹp. Bé biết niệm "Nam mô A Di Đà Phật" để chào mọi người, nhất là rất cung kính khi gặp thầy hoặc sư cô…". Câu chuyện của bạn Hoàng Lan, Phật tử chùa An Lạc ở Hội An (Quảng Nam) kể làm tôi thấy vui vui vì cái duyên biết Phật pháp của người cháu chị và cả cái cách dạy con trẻ về việc thực tập câu chào, nghi thức khi gặp thầy, sư cô hoặc Phật tử của gia đình cháu. Đó cũng là một cách giáo dục con cái gìn giữ nét đẹp trong gia đình tâm linh của mình, tôi suy nghĩ vậy.

Từ câu chào "Nam mô A Di Đà Phật" thuở thiếu thời sẽ là hành trang cho cô bé vào đời, tiếp cận với Phật pháp về sau. Những giá trị bao giờ cũng cần được hun đúc từ khi con cái chúng ta còn nhỏ để những mầm sen nơi các em được tưới tẩm thật căn cơ.

3.Má tôi là người "quê mùa", lúc nào má cũng nhận "phần" quê mùa đó cho mình! Nhưng tôi thì kính má tôi vô cùng, vì má rất tinh tấn thực tập Phật pháp. Má tôi thích chiếc máy niệm Phật nên tôi thỉnh từ Sài Gòn gửi về làm quà cho má. Chiếc máy có dây cắm điện nên má cắm và mở danh hiệu Phật A Di Đà ngân vọng suốt ngày. Chỉ những giờ công phu thì má mới tạm tắt. Má bảo: "Mình thường giải đãi lắm, nên mở vậy để nhắc mình nhớ mà niệm theo. Phải niệm thì mới có lực, lòng mới thanh tịnh, giải thoát, chứ còn nghe máy niệm mà mình không thực tập thì cũng không có tác dụng…". Má nói đến đó rồi dừng, nhưng tôi hiểu ý má, giống như mình có thuốc mà không chịu uống thì thuốc để không đó, cả tủ cũng không hết bệnh được.

Má tôi mỗi sáng đều lạy Phật rồi sau đó má dành thời gian khoảng 30 phút để ngồi trước bàn thờ Phật mà niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Má bảo: "Ước ao lớn nhất của má là được vãng sanh". Tôi mỉm cười, kêu má chuyên tâm tu giỏi đi, sẽ được vãng sanh, Phật nói "chúng sanh là Phật sẽ thành" mà. Hai má con cứ thế động viên nhau tu tập, ngồi và niệm danh hiệu Phật A Di Đà.

4.Một người bạn đồng tu của tôi, nói là bạn nhưng thực ra cô đã hơn 40 tuổi. Cô kể: "Hồi trước chưa biết đạo, mình làm nhiều chuyện sai trái lắm. Giờ chỉ biết niệm Phật thôi". Cô có tên đạo là Chúc Dưỡng, vốn là người buôn bán ở chợ, hồi trước cũng cự cãi nhiều, tìm kế này kia để kiếm lợi… nhưng giờ cô biết phóng sanh, niệm Phật. "Ngay giữa chợ làm răng mà niệm cho thanh tịnh được?", tôi hỏi và cô chia sẻ: "Mắc chi không, chỉ cần mình không để ý chuyện thị phi của thiên hạ. Và mình biết rằng niệm Phật là phương pháp cứu mình vượt thoát sinh tử luân hồi". Ôi, nghe cô nói thế, tôi chỉ còn biết mỉm cười để tặng cô và cũng là tặng cho chính mình vì vừa nghe một bài pháp hay về con đường đi đến giải thoát từ câu niệm Phật.

Ai cũng có lúc mê mờ, như cô ngày xưa từng ăn những món lạ, trong đó có cả ăn tươi sống thịt động vật. Giờ ngộ rồi thì ăn chay và niệm Phật, vẫn bán, vẫn buôn nhưng niệm Phật là con đường sáng, con đường ấy mang lại an tĩnh trong tâm. Tôi ngộ ra rằng: đôi khi mình thấy rất rõ con đường, mà mình không chịu đi, thì mình chịu trôi lăn chứ biết răng chừ? Có thành quả nào mà không phải trải qua quá trình thực tập?

5.Trong một lần đi công tác ở Tiền Giang, tôi gặp một Phật tử khá hay. Anh là Lê Thanh Bình, Giám đốc Công ty Bảo Đăng (TP.Mỹ Tho) và là ủy viên Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Tiền Giang. Rất nhiệt tình trong công tác từ thiện và đặc biệt là rất chuyên tâm với câu "Nam mô A Di Đà Phật". Vì mong muốn cho mọi người ai cũng có dịp tiếp xúc với sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật mà ngay tại điểm phân phối hàng hóa của công ty, anh đặt tên là Nam mô A Di Đà Phật. Ai nhìn bảng hiệu ấy cũng thấy lạ, nhưng rồi ai cũng hiểu một điều rằng anh là một Phật tử. Như anh tâm niệm thì: "Hy vọng mọi người khi đọc được câu ấy từ bảng hiệu của công ty cũng sẽ chợt nhớ về Phật, về chùa. Một ý niệm khởi lên sẽ có cơ hội được tiếp nối nếu có duyên". Ý niệm của người Phật tử ấy thật đáng trân trọng.

6.Sư chị của tôi sinh hoạt ở một ngôi chùa ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Ngôi chùa mà chị thường lui tới có khóa niệm Phật một ngày vào Chủ nhật. Từ ngày biết chị, tôi thường lui tới chùa để cùng tham gia khóa niệm Phật ấy. Bạn bè tôi thấy tôi đi chùa ngày Chủ nhật nên có những khi rảnh lại đi chung. Dần dà, nhiều người bạn quen chị, quen với những buổi niệm Phật. Chính vì thế, mà cứ đến ngày Chủ nhật, hễ tôi hoặc bất cứ người bạn nào vắng mặt chị đều nhắn tin nhắc. Trong tin nhắn chị gửi, bao giờ cũng có nội dung kiểu như: "Boong. Đã đến giờ niệm Phật rồi, em không đi chùa được thì niệm… online em nhé. Chỉ cần mình hiệp tâm cùng niệm thì ở đâu cũng đều là chúng hội".

Khi đã đi lâu ngày, nghe quý thầy giảng nhiều về Tịnh độ, về câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật" tôi mới hiểu thêm về "tâm truyền tâm". Có nghĩa là khi tâm mình thanh tịnh thì mỗi câu niệm đều được Phật cảm và truyền cho mình năng lượng định tĩnh. Và khi tâm mình thanh tịnh, cùng với bạn đồng tu xướng danh hiệu Phật thì mình sẽ tạo ra những năng lượng chuyển hóa rất tốt…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày