Lời ru của mẹ

GN - “À ơi… Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Một chiều thu dìu dịu, tôi bất chợt lắng nghe lời ru của một người mẹ ru con từ đâu vọng lại với những câu ca quen thuộc. Lời ru mượt mà, ấm áp và đong đầy yêu thương. Lời ru như dẫn lối tôi về một thuở “ngày xưa” bên mẹ...

rucon.jpg


Tranh minh họa từ internet

Chúng ta dẫu giàu hay nghèo; dẫu ở thành thị hay nông thôn, miền núi, ai cũng từng đi qua tuổi thơ, từng được nghe những lời ru. Lời ru ở mỗi vùng miền có thể khác nhau về làn điệu, cách luyến láy nhưng thường là những câu ca lục bát bắt nguồn từ vốn sống của người lao động bình dân, được truyền tụng bao đời. Những câu ca ấy thật dễ nhớ, dễ thuộc, là kết tinh của cả một bầu văn hóa tốt đẹp. Có những lời ru mang âm hưởng rộn rã, vui tươi; nhưng cũng có những lời ru não nuột, trầm lắng giàu chiêm nghiệm, suy tư.

Lời ru đưa ta vào giấc ngủ. Thuở còn nằm nôi, còn được ẵm bồng, mẹ vẫn ru ta bằng những câu ca dịu ngọt: “Cái bống là cái bống bang…” rồi “Con cò mà đi ăn đêm…” Nếu dòng sữa thơm thảo của mẹ nuôi ta khôn lớn phần xác thì lời ru mát lành lại nuôi dưỡng ta lớn khôn phần hồn. Bằng lời ru, mẹ dỗ dành khi con quấy khóc. Lời ru của mẹ như quạt mát ngày hè, tựa chăn ấm đêm đông, là hương hoa của mùa xuân, là trái ngọt khi thu về.

Ai được mẹ sinh ra và được nghe lời ru của mẹ đều cảm thấy mình là người diễm phúc.

Lời ru của mẹ chất chứa những ước mong, nhắn gửi bao suy tư, tự tình dân tộc: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, hay “Anh em như thể tay chân…” Người mẹ nào cũng muốn con cái lớn khôn nên người. Bằng tình yêu, bằng lời ru nghĩa nhân, mẹ trở thành người thầy đầu tiên của cuộc đời con. Biết bao “cái lẽ ở đời” đã có trong lời ru của mẹ. Lời ru dạy con biết yêu ông bà, biết quý công lao cha mẹ, biết sống yêu thương, biết làm những điều nên làm,… Lời ru của mẹ đẹp và quý biết nhường nào!

Có những người may mắn có mẹ trong đời, được lời ru của mẹ chắp cánh cho những ước mơ. Nhưng cũng có rất nhiều trẻ thơ, khi sinh ra đã không có được tình yêu của mẹ. Vì mồ côi từ thuở lọt lòng, vì mẹ đi làm ăn xa, hay vì một lý do nào khác,... Bù lại, có thể các em vẫn còn có được lời ru của bà, của chị,… những người phụ nữ cũng yêu thương các em như mẹ thương. Với đứa trẻ sinh trưởng giữa thôn quê, lời ru theo các em đi vào giấc mơ; lời ru theo các em ra cánh đồng với ngô, khoai, sắn cùng ước mong ấm no, trù phú; lời ru dìu các em trên mỗi con đường đến trường;… Để mai này lớn lên, đâu đó trong hành trang cuộc đời, các em vẫn mang theo những lời ru mênh mang, sâu lắng ấy.

Nhịp sống xô bồ hiện đại khiến con người đánh mất đi biết bao nhiêu giá trị tinh thần tốt đẹp. Các bậc cha mẹ ngày nay, vì những lý do và mục đích khác nhau đã ít coi trọng đến những lời ru dành cho con. Giờ đây, ít dần những đứa trẻ có được kỷ niệm êm đẹp bên lời ru từ thuở còn nằm nôi. Người ta bảo, lời ru như những viên ngọc lấp ánh, trong ngần. Ai từng đi qua những lời ru ấy như được sở hữu một món quà vô giá.

Lời ru giản dị mà thiêng liêng. Nó vô cùng cần thiết với thế giới của trẻ thơ. Lời ru với chúng ta là kỷ niệm, là nguồn vui, là niềm hạnh phúc… những khi nghĩ về mẹ, về những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Để rồi một mai khi đã trưởng thành, lòng ta lại rưng rưng một niềm thành kính khi chợt nhận ra: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày