GN - Một vị tu sĩ phương Tây, một MC Đài Truyền hình TP.HCM, một giảng viên Đại học tại Thái Lan và một nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard (Mỹ) “gặp nhau” trong ý tưởng nuôi dưỡng lòng biết ơn và chia sẻ về cách thực tập nuôi dưỡng lòng biết ơn trong cuộc sống...
Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa
Sư Ajahn Sumedho |
Trong Phật giáo, kataññu (lòng biết ơn) là một pháp tu. Kataññu là một phương cách tu tập mà người tu phải phát triển trong cuộc sống hàng ngày, vì nó mở rộng trái tim ta, đem hoan hỷ đến trong cuộc sống của chính mình. Và chúng ta cần niềm hoan hỷ đó. Nó nuôi dưỡng ta, nó cần thiết cho sự phát triển tâm linh của ta. Hỷ là một trong những yếu tố giác ngộ. Cuộc sống không có niềm hoan hỷ sẽ rất đáng sợ - u ám, tẻ nhạt và buồn chán.
Biết ơn là một hành động thiện lành trong cuộc sống; để phát triển kataññu, chúng ta chủ tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp mà mình có được trong cuộc đời. Vì thế, chúng ta đặc biệt nghĩ đến những việc làm tốt đẹp mà không nghĩ đến những sai lầm của họ. Và sự tử tế mà cha mẹ đã dành cho ta - dù trong một số trường hợp, không phải lúc nào tâm rộng lượng cũng có mặt.
Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu cuộc đời chỉ là một chuỗi của những lời oán than về sự bất công, về những thua thiệt mà ta đã gặp phải, nhưng lại không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm - một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay. Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, chúng ta không thể nhớ có điều gì tốt đẹp đã xảy ra cho ta. Điều đó đã ngưng đọng trong trí não, và ta khó thể nghĩ là mình sẽ lại cảm thấy hạnh phúc bao giờ: trái lại ta nghĩ là sự khốn khổ này sẽ không bao giờ chấm dứt.
Sư Ajahn Sumedho
(Trung tâm Phật giáo Amaravati, Vương quốc Anh)
Mỗi hơi thở mang theo lòng biết ơn cuộc sống
MC Trần Phú Lộc |
Trên đường đời, có lẽ con người vẫn mãi loay hoay để học hỏi, để nghiệm ra những điều bình dị, tốt đẹp vẫn hiện diện quanh đây - mặc cho cuộc sống vẫn cuồng quay. Điều bình dị đó có thể là lòng biết ơn. Bạn biết ơn mẹ cha đã cho bạn cuộc sống này. Biết ơn những ân nhân đã hữu duyên mà kịp thời bên bạn qua những cơn thắt ngặt của số phận. Hay đơn giản chỉ là một người qua đường tình cờ nhắc bạn hãy gạt chống xe…
Cuộc sống nhiệm mầu này thật đáng sống biết bao khi ta luôn nhận ra và tự “tưới tắm” mình bằng lòng biết ơn bao điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu ngay thời khắc này và mãi cạnh bên mỗi chúng ta.
“Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn”, phải chăng trong câu tục ngữ quen thuộc mà ông bà vẫn dạy cháu con đã gửi gắm rằng lòng biết ơn đến từ những điều rất đỗi thân quen khi ta được nếm vị ngon của quả, vị mát lành từ mạch nguồn sự sống. Như từng nhịp thở vào ra, hữu mà như vô hình khi một lúc nào đó thử tạm dừng nhịp thở, có bao lâu nhưng cũng khiến tâm can như cào cấu, chới với níu lấy sự sống mỏng manh. Ấy vậy mà vẫn cứ phải dặn mình về sự mỏng manh và cái nghĩa vô thường vì sau tích tắc nhận ra, ai rồi cũng trở về với nhịp đời với bao điều hỷ nộ. Cuộc sống này bao dung đến độ, chẳng bao giờ, người cần ta phải thốt ra lời cảm ơn. Nhưng mỗi người trên cuộc hành trình của mình rồi có lúc sẽ phải tự tìm và nói ra lời cảm ơn ấy. Qua ngày mưa tuyết dầm dề để thấy sướng vui trong từng tia nắng ấm. Nếu không tồn tại ở nơi mà nước uống được con người ta hứng từng giọt một, nơi mà chút cơm thừa nơi góc phố có thể giúp cho một đứa trẻ lót lòng, có lẽ ta khó mà rưng rưng thốt ra lời cảm ơn cuộc sống…
Những bài học từ nghịch cảnh luôn đắt giá, và chẳng ai biết được quỹ thời gian của mình, thế nên ta phải luôn tự “tưới tắm” và thực hành đều đặn bài học về lòng biết ơn. Trước hết, điều này có thể đến từ việc tập tự tin nói lời cảm ơn. Vì sao cần tập? Vì nếu không, đôi lúc muốn nói ra mà câu chữ cứ ngượng nghịu, hay nói mà chỉ đủ tâm ta nghe, chưa kịp thốt nên lời thì người khác đã đi mất!
Vậy nên, bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, đầu tiên, hãy nhìn thẳng, tâm thế tự tin, không quên nở nụ cười rồi cảm ơn người đối diện. Tiếng cảm ơn dành cho người nhưng thẳm sâu đó là dành cho chính chúng ta. Kế nữa tập mỉm cười để biết ơn. Hôm nay ta chợt có một ngày nắng dịu, tâm hồn thư thái hãy mỉm cười! Một người bạn lâu ngày không gặp, hôm nay ta chợt nhận được tin họ, hãy mỉm cười vì còn được thấy nhau. Khép lại một ngày mệt nhoài, trở về nhà, ta bước vào căn phòng thân thuộc, chuẩn bị gối chăn cho mình một giấc ngủ ngon, hãy mỉm cười và biết ơn điều bình dị đó…
Đến cuối con đường của cuộc sống, những gì sẽ là hành trang mang theo? Có muốn hay không mọi thứ rồi cũng phải để lại, duy có những “hành trang” vẫn mãi bên ta, phải chăng đó là lòng biết ơn mỗi người mang theo trong từng hơi thở.
Người dẫn chương trình Trần Phú Lộc
(Đài Truyền hình TP.HCM)
Gieo trồng lòng biết ơn, cho cây đời xanh tươi mãi...
ThS Nguyễn Thị Trang |
Cách đây vài tuần, tình cờ xem chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2015, tôi biết đến chàng trai Trọng Hiếu - một Việt kiều Đức. Tôi ấn tượng với một chàng trai trẻ luôn nói lời biết ơn chân thành đến cha mẹ, đến những hy sinh phấn đấu cả đời của cha mẹ dành cho mình. Rồi mỗi đêm thi, cậu ấy luôn luôn cảm ơn tất cả mọi người, từ Ban Giám khảo cho đến ban nhạc, đến khán giả của mình. Tôi luôn đọc được trong đôi mắt của chàng trai chân thành ấy lòng kính trọng và biết ơn dành cho mọi người.
Đêm chung kết, nghe cậu hát bài You are not alone vì muốn chia sẻ với tất cả những em bé bất hạnh mong muốn theo đuổi ước mơ của mình, tôi đã cảm động đến bật khóc. Khi cậu ấy trở thành quán quân Thần tượng âm nhạc, tôi đã rất vui và cảm thấy biết ơn. Bởi tôi biết rằng một người rất trẻ, rất văn minh lịch sự, có tri thức và tràn ngập tình yêu thương như cậu ấy khi được các bạn trẻ ngưỡng mộ thì sẽ mang lại hiệu ứng rất lớn. Họ sẽ học được những đức tính tốt đẹp từ thần tượng của mình và làm theo. Theo tôi, đó là một tấm gương cho các bạn trẻ về sự cố gắng, về lòng chân thành, về lòng biết ơn đang rất thiếu trong xã hội hiện tại với nhiều bất cập ngày nay.
Kể về chàng trai ấy, tôi bất giác nghĩ đến câu chuyện của bản thân mình. Tôi còn nhớ, từ thuở bé đã được cha mẹ dạy dỗ về lòng biết ơn. Tôi luôn cảm kích mỗi khi ai đó có hành động tử tế dành cho mình và nhớ mãi cho đến bây giờ. Tôi nghĩ rằng đó là một hạt giống tốt đẹp mà cha mẹ đã gieo cho tâm thức mình và tôi có trách nhiệm chăm sóc, tưới tẩm hàng ngày.
Sau này, khi lớn lên và đi xa, tôi luôn may mắn nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người. Tôi còn rất nhớ thời sinh viên, khi ấy tôi rất mong mỏi có được một quyển từ điển. Nhưng thú thật, thời ấy số tiền để mua quyển từ điển bằng với số tiền sống nửa tháng của tôi nên nó mãi vẫn là mơ ước của mình. Có lần thầy của tôi mang quyển từ điển ấy lên lớp, hôm ấy tôi rất vui vì được mở sách ra, được tra từ vựng. Không biết có phải vì thấy tôi quá hào hứng không mà thầy tôi đã cho tôi mượn về nhà để đọc. Bê quyển từ điển nặng hơn ký-lô về, trong lòng tôi sung sướng và hạnh phúc vô biên.
Đến vài ngày sau đó, người thầy của tôi báo tin rằng thầy sắp đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi đã nói với thầy rằng sẽ mang sách lên trả cho thầy, nhưng không ngờ thầy nói rằng thầy tặng nó cho tôi, sau này khi nào không cần nữa tôi có thể cho người khác. Thật không thể tưởng tượng nổi tâm trạng hạnh phúc của tôi khi đó. Cảm xúc của người trò nghèo với người thầy vô cùng rộng lượng, bao dung. Cũng từ giờ phút đó, tôi đã nuôi dưỡng ước mơ sau khi tốt nghiệp sẽ được làm nghề giáo. Có lẽ vì lòng ngưỡng mộ và biết ơn thầy đã cho tôi giấc mơ nghề nghiệp.
Thật may mắn khi tôi được nối bước thầy, mang trách nhiệm truyền trao kiến thức cho từng lớp sinh viên. Trong những câu chuyện tâm sự của tôi với trò, bên cạnh câu chuyện về sự hy sinh của cha mẹ để cho tôi con chữ, kiến thức thì tôi vẫn luôn kể cho học trò mình nghe về người thầy đáng kính của mình.
Khi được tiếp xúc với giáo lý của Phật, tôi càng hiểu sâu hơn rằng, với mỗi điều nhỏ mà người khác làm cho mình tôi không bao giờ được quên. Tôi luôn tâm niệm rằng bản thân mình phải sống sao cho đẹp, cho có lợi lạc với người, với đời để đền đáp tất cả những điều tốt đẹp mà cuộc sống đã trao tặng cho tôi. Tôi muốn tự nhắc bản thân mình rằng, đạo Phật không hề ở đâu xa mà ở quanh đây, ở quanh tôi, trong cuộc sống quanh tôi. Khi tất cả chúng ta có tình yêu thương quê hương xứ xở, đồng loại, gia đình thì những hạt giống đức tính tốt đẹp như lòng tử tế, lòng biết ơn... sẽ mỗi ngày mỗi được gieo trồng trong mỗi chúng ta. Xã hội sẽ mỗi ngày mỗi đẹp và cuộc sống sẽ bình an, hạnh phúc hơn.
ThS.Nguyễn Thị Trang
(Giảng viên ngành tiếng Việt, khoa Nhân văn học,
Trường ĐH Srinakharinwirot, Bangkok, Thái Lan)
Biết ơn để nhân lên hạnh phúc...
NCS Nguyễn Quang Dũng |
Một buổi sáng mùa hè nắng đẹp ở thành phố Cambridge - bang Massachusetts (Hoa Kỳ), tôi dậy sớm đi bộ đến trường trên con phố nhỏ vắng, hoa vàng hoa tím trước nhiều ngõ nhà thi nhau nở. Một người phụ nữ Mỹ trắng đứng tuổi lái xe ngược chiều vô tình bắt gặp ánh mắt tôi và vẫy tay cười chào “morning”, tôi đáp lại bằng cái cúi đầu nhẹ và cũng cười rất tươi. Cảm ơn một người qua đường, ngày mới của tôi bắt đầu thật đẹp. Theo bước chân tôi đến trường hôm đó là dòng suy tư về lòng biết ơn.
Tôi có đọc đâu đó trên một tạp chí tâm lý học của Mỹ (Psychology Today) rằng hạnh phúc được cấu thành một phần không nhỏ từ lòng biết ơn và hãy biết thổ lộ/thực hành sự trân trọng những gì mình có được. Hãy biết ơn từ những điều nhỏ nhặt nhất như cái cười chào thân thiện của một người lạ đến những điều thiêng liêng nhất như ơn sinh thành, tình anh em ruột thịt, ơn thầy cô và bạn bè quanh ta.
Khi những thổ lộ của lòng biết ơn được thực hiện chân thành và đơn giản nhất chính là khi lòng biết ơn được cảm nhận sâu sắc nhất. Trưa hôm đó tôi dành nửa tiếng đồng hồ gọi facetime về cho mẹ và chị gái để hỏi han chuyện uống thuốc bổ của ba mẹ, chuyện học hành của các cháu và không quên nhắc mọi người ăn nhiều rau xanh. Hãy gọi và nhắn tin thường xuyên cho người thân yêu. Tôi đã dành dụm ít đồng học bổng để mua những loại thuốc bổ thảo dược tốt nhất để bố mẹ uống bồi bổ thêm.
Tôi nhớ một bữa cơm lúc nghỉ hè về nhà chơi, tôi dùng đũa gắp thức ăn vào đầy chén mời ba ăn, mẹ ngồi bên cạnh nhắc: “Con cái mà có hiếu với bố mẹ thì có đi phương trời nào cũng được hanh thông”. Tôi ngại đỏ cả mặt trong khi bố thì cười mỉm, tay và cơm vào miệng. Tôi cũng biết ơn các anh chị ruột đã giúp chăm sóc bố mẹ khi tôi tung tẩy khắp nơi và biết ơn đám cháu nhỏ vì sự hiện diện của chúng mang lại niềm vui rất lớn cho bố mẹ tôi.
Chiều, đến lúc giải lao sau mấy tiếng đồng hồ viết luận văn trong văn phòng, tôi rảo bộ đến nhà sách của trường mua vài cái postcard rồi gửi cho bạn bè thân của tôi đang ở Sài Gòn, Tokyo (Nhật) hay Sydney (Úc) vì họ làm nên thế giới tình bạn sống động của tôi và giúp đỡ tôi nhiều trong những năm tháng du học. Người ta thích email hay nhắn tin điện thoại để hỏi thăm, tôi chọn cách cổ điển là thư tay hay postcard với chính nét bút của tôi trên đó. Tôi chắc rằng, họ cũng sẽ vui khi hộp mail trước nhà sáng lên với một cái postcard nhỏ xinh trong một ngày bình thường.
Trong những phút giây bất chợt, tôi không ngại nói lời yêu thương qua một tin nhắn “khỏe không? - radio đang phát bài Tuổi đời mênh mông mà mày thích, ta nhớ mày”.
Một ngày nọ tôi kết nối được với thầy giáo thời đại học trên Facebook, tôi viết ngay một status chân thành kể về những kỷ niệm với thầy kèm theo dòng chữ “em cảm ơn Thầy”. Thầy tôi đã chụp màn hình status đó lại và nhắn cho tôi rằng thầy đang trên xe đi công tác và thấy vui sướng lắm.
Hãy thực hiện biết ơn mọi lúc mọi nơi và hạnh phúc theo đó nhân lên. Biết ơn giúp ta thấy được giá trị của chính mình và mang lại niềm lạc quan trong đời sống hàng ngày. Hãy thể hiện lòng biết ơn theo cách thức đơn giản và gần gũi nhất, người được nhận lòng biết ơn sẽ cảm thấy hạnh phúc và người thực hiện lòng biết ơn cũng hạnh phúc. Nếu không bây giờ thì bao giờ?
Nguyễn Quang Dũng
(Nghiên cứu sinh Nhân chủng học, Viện Harvard Yenching,
Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ)
Chúc Thiệu ghi
_______________
* Xem thêm:
1 - Nuôi dưỡng lòng biết ơn mỗi ngày
2 - 8 lý do nuôi dưỡng lòng biết ơn
3 - Mùa Vu lan hiếu thuận