Chùa Long Đọi có tên chữ là Diên Linh Tự, nằm trên đỉnh núi Đọi Sơn, thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vốn là đại danh lam kiêm hành cung thời Lý. Theo truyền thuyết, chùa Long Đọi nằm trên thế đất Cửu Long bởi lẽ toàn cảnh núi Đọi nhìn xa trông giống như một con rồng đất lớn nằm phục giữa vùng đồng bằng chiêm trũng, đầu hơi nhô cao hướng về phía Thăng Long. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con đường, sông chạy về giống như 9 con rồng. Mắt rồng là 9 cái giếng hiện nằm xung quanh dãy núi Đọi trong các khu dân cư, dưới chân núi.
Theo truyền thuyết, mùa hạ tháng 5 niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ IX (1118) vua Lý Nhân Tông cho xây dựng chùa và tháp Sùng Thiện Diên Linh, đến năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thì hoàn thành. Nhân đó vua đặt tên cho núi là Long Đọi Sơn. Đầu thế kỷ 15 ngôi chùa tháp đã bị quân Minh phá hủy hoàn toàn. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa ngôi chùa đã được mở rộng hơn xưa. Vào năm 1860-đời Tự Đức năm thứ 13, hòa thượng Thích Chiếu Thường đã phát tâm sửa tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, gác chuông, nghi môn, xây dựng hoàn chỉnh 125 gian, từ đây chùa trở thành trường Bắc Kỳ Phật giáo. Tuy nhiên, đến thời Nguyễn ngôi chùa lại bị phá hủy hoàn toàn và chùa Long Đọi ngày nay được phục dựng lại vào năm 1957.
Trong đợt khảo cổ gần đây, người ta đã khai quật được một nền móng tháp ngay phía sau thượng điện hiện tại của chùa. Đây có thể xem là bằng chứng xác thực về cây tháp cao ngàn trượng Sùng Thiện Diên Linh đẹp lộng lẫy như chép trong văn bia: “Tháp xây mười ba tầng chọc trời, mở bốn mươi cửa hóng gió. Vách chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm… tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm. Chính giữa đặt tượng Như Lai, sân thềm có bậc lang vũ 2 bên. Rồi bên tả chùa dựng cung tứ giác… bên hữu chùa dựng nhà khám nhọn vuông, trong đặt tân đầu hòa thượng”
Chùa Long Đọi là một trong số ít những ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý có giá trị. Bia Sùng Thiện Diên Linh cao 2,5m, rộng 1,65m, dày 0,3m với bệ là một khối đá chạm bốn con rồng lớn uốn khúc. Đây cũng là một số ít những bia thời Lý còn lại đến ngày nay. Trán bia là hai con rồng Lý rất đặc trưng chầu vào giữa tên bia “Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”. Các hình rồng này đã được trang trí lặp lại trên diềm bia với một kích thước nhỏ hơn, nhưng cũng rất tinh xảo. Ở hai cạnh bia hai bên người ta lại bắt gặp các trang trí hình rồng này được tạo hình nội tiếp trong những hình thoi, tạo nên sự thay đổi linh hoạt cho cách trang trí bia.
Tượng Kim Cương chùa Đọi là những tác phẩm rất nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc đá. Ngày nay chùa Đọi chỉ còn pho tượng, trong đó một số bị mất đầu hoặc sứt gãy. Thời Lý những pho tượng này được đặt ở bốn cạnh của ngôi tháp báu với ý nghĩa bảo vệ cho tám phương Phật Pháp. Tuy nhiên đến khi tháp đổ, thì chúng cũng không còn nguyên trạng. Mặc dầu vậy những tác phẩm này vẫn còn lưu lại những giá trị điêu khắc không thể phủ nhận.
Được tạc bằng sa thạch nguyên khối, với dáng võ quan khỏe mạnh các pho Kim Cương ở đây đã cho thấy một tinh thần Lý vô cùng rạng rỡ. Các pho tượng Kim Cương đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, bó sát đầu, ôm lấy hai bên mang tai cho đến tận cằm. Giữa trán và chóp mũ nổi lên những đường gờ tạo thành hình vòng nối xuống những bông hoa cúc cách điệu hai bên mang tai. Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn, vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải như hình chiếc khánh. Thân áo điểm những bông hoa cúc chạm nổi nhiều cánh. Chân đi hài cao cổ có mũi hơi cong.
Ngoài những tác phẩm thời Lý còn lưu giữ đến ngày nay, hiện nay ở Long Đọi Sơn vẫn còn lưu giữ khá nhiều tác phẩm mỹ thuật của các giai đoạn sau như tượng Quan Âm Thị Kính thế kỷ XVIII, hay pho tượng Di Lặc bằng đồng được làm vào thời Tự Đức. Ngày nay, trải qua nhiều lần trùng tu, bên cạnh những pho tượng cổ, các pho tượng mới cũng được làm và được sắp đặt có quy mô. Mặc dầu chứng kiến không ít những sự thăng trầm của lịch sử nhưng Long Đọi Sơn 1000 năm qua vẫn sừng sững giữa đất trời, làm rung động lòng người và thu hút nhiều khách tham quan. Đây cũng là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất dấu ấn nghệ thuật của một giai đoạn hoàng kim trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, gắn liền với dấu mốc lịch sử của việc định đô Thăng Long từ 1.000 năm trước.