Lộng lẫy chùa Khmer & tháp Chăm ở Hà Nội

GN - Không cần phải vào Nam Bộ, người dân thủ đô cũng vẫn chiêm bái được chùa Khmer và tháp Chăm...

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngôi chùa Khmer đầu tiên ở Hà Nội đã khánh thành vào ngày 23-11-2013.  Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2013 vừa diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

>> Quần thể chùa Khmer vừa khánh thành ở Hà Nội

anh CV 8.jpg
Lễ khánh thành vào ngày 23-11-2013 - Ảnh: Cẩm Vân

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trên diện tích rộng lớn 1.544ha bên hồ Đồng Mô, cách trung tâm Hà Nội 40km. Được coi là “thánh địa” của lĩnh vực văn hóa và du lịch cả nước, khởi công xây dựng từ năm 1999, đến nay đã mọc lên hàng nghìn hạng mục công trình, và vẫn còn hàng nghìn hạng mục công trình khác chưa được triển khai, nên phải hai chục năm nữa mới hoàn thiện.

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam bao gồm nhiều khu: khu các làng dân tộc, khu di sản văn hóa thế giới, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu công viên bến thuyền, khu dịch vụ tổng hợp... Trong đó, khu các làng dân tộc với diện tích 198,61 ha, nằm giữa một bán đảo trên hồ Đồng Mô có đồi cao, thung lũng, mặt nước, địa hình phong phú, được dành để tái hiện những kiến trúc dân gian, giữ gìn và giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.

Chùa Khmer đầu tiên ở Hà Nội

Ghé thăm làng Khmer, chúng ta được chiêm ngưỡng những ngôi nhà ở truyền thống của người Khmer Nam Bộ, cùng ngôi chùa vừa mới khánh thành phủ màu vàng lộng lẫy tọa lạc bên hồ nước Đồng Mô. Đây là chùa Khmer đầu tiên hiện diện trên đất Hà Nội và là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của cả nước, được xem như một điểm sáng về phục dựng những công trình kiến trúc mang nét đặc sắc.

Chùa được khởi công vào ngày 16-1-2010 trên khu đất rộng 0,8ha, xây dựng theo nguyên mẫu chùa Kh’leang ở đồng bằng sông Cửu Long. Quần thể chùa gồm chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, chùa nhỏ, nhà sa la, cột cờ và ao sen. Mỗi công trình nằm ở cao độ khác nhau và liên kết với nhau bởi những dãy hành lang lát đá hòa nhập với cảnh quan xung quanh, bên ngoài bao bọc bởi hệ thống đường dạo len lỏi giữa vườn cây.   

 Chiêm ngưỡng ngôi chùa, dễ dàng nhận thấy mọi tinh hoa kiến trúc tiêu biểu đặc trưng nhất của các ngôi chùa Khmer từ Nam Bộ đã tụ hội về đây, như: mái các công trình lợp ngói vẩy cá, hô trang trên mái, các ngọn tháp, hay các mái vòm, các tượng nhỏ, họa tiết trang trí hoa lá, các vị thần có ảnh hưởng tới cuộc sống con người. Một điểm nhấn tại ngôi chùa là những bức phù điêu mang nhiều ý nghĩa đặc biệt về triết lý Phật giáo, mang theo những câu chuyện về quá trình tu hành khổ hạnh thành chính quả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là lời chúc phúc qua các hình tượng tiên nữ Áp-sa-ra. 

IMG_0455.jpg

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngôi chùa Khmer đầu tiên
ở Hà Nội đã hoàn thành, uy nghiêm giữa lòng thủ đô - Ảnh: M.Khôi

Gắn bó với ngôi chùa từ ngày khởi công cho đến khi hoàn thành những mảng màu cuối cùng, nghệ nhân Lý Lết ở TP.Sóc Trăng là người chỉ huy đội nghệ nhân, thợ thủ công từ Sóc Trăng ra đây để thực hiện xây dựng công trình. Ông là nghệ nhân theo nghề gia truyền chuyên tô vẽ, trang trí chùa chiền.

Lý Lết cho biết: Trang trí công trình này, chúng tôi giữ đúng 4 mẫu hoa của người Khmer: hoa lá, hiên hoa lửa, hoa văn Angkor (dựa vào mô típ của Angkor Wat), và thứ tư là hoa văn do nghệ nhân Lý Đương (tức là cha của Lý Lết) tổng hợp từ các hoa văn cổ cho ra một loại hoa văn mới Chăm-ro. Ông chia sẻ: “Trong điều kiện thời tiết, khí hậu oi bức, độ ẩm cao ở phía Bắc, việc bảo đảm cho độ tươi sáng của màu sắc những bức tranh, tường vẽ về cuộc đời tu hành của Đức Phật, hay những lớp sơn, kim nhũ dát trên mái, tường, các cột… cũng như công đoạn chống rêu, mốc cho ngôi chùa luôn đòi hỏi phải làm rất kỳ công”.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Tùng - Giám đốc Ban đầu tư xây dựng khu chùa Khmer tại đây cho hay, trên cơ sở để cho người dân tộc làm chủ thể về văn hóa, tự giới thiệu về văn hóa của mình thì chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu điền dã tại rất nhiều các địa điểm có người Khmer sinh sống ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Qua quá trình các chuyên gia nghiên cứu, chọn lựa nhiều ngôi chùa lâu đời, tiêu biểu của đồng bào Khmer như chùa Kh’leang, chùa Dơi và nhiều chùa khác để thiết kế nên ngôi chùa tại đây.

Ngày 23-11-2013, tại lễ khánh thành chùa, ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhận định, việc xây dựng quần thể chùa Khmer tại làng văn hóa góp phần với các công trình khác tạo nên một “ngôi nhà chung” cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là một biểu tượng văn hóa, hơi thở của “hồn thiêng sông núi” của những người con đất Việt từ đất phương Nam xa xôi quy tụ về thủ đô, là điểm văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer tại Hà Nội, đồng thời cũng là nơi gắn kết đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc khác và đặc biệt với mọi người dân, du khách trong nước và quốc tế, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo.

Các Tăng Ni Phật tử đã thực hiện lễ Kiết giới - Sây ma trong sự trang nghiêm, thành kính theo đúng nghi lễ truyền thống với các nghi thức: rước trụ đá vào chánh điện, an vị tượng Phật, lễ kiết giới và dâng cơm các nhà sư. HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ trì lễ an vị Phật, nhập linh cho chùa... đồng thời công bố quyết định bổ nhiệm Đại đức Trần Văn Lương (pháp danh Sovannapanno) làm trụ trì chùa.   

 Tối 23-11-2013, tại đây đã diễn ra lễ hội Ok Om Bok  - một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của người Khmer Nam Bộ, tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ đem lại mùa màng tốt tươi và sự no ấm. Sau nghi thức cúng trăng, phần hội Ok Om Bok diễn ra trong không khí tưng bừng, tràn ngập cờ hoa, tiếng nhạc ngũ âm hòa cùng tiếng hát. Lễ hội càng thêm lung linh, màu sắc khi hàng trăm đèn hoa đăng được thả trôi hồ Đồng Mô.

Suốt những ngày qua, công chúng từ các địa phương lân cận đã đổ về đây để tham quan, chiêm ngưỡng những nét đặc trưng của kiến trúc, mỹ thuật chùa Khmer và chụp ảnh lưu niệm, dòng người không lúc nào ngớt.

Thâm nghiêm tháp Chăm

 Quần thể tháp Chăm được khánh thành từ cách đây một năm cũng là một điểm nhấn thu hút khách tham quan Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trải qua quá trình xây dựng trong hơn 4 năm ròng rã, đây là công trình được tạo dựng một cách kỳ công hiếm có dựa trên nguyên mẫu là tháp Po Klong Garai tại Phan Rang. Một trong những quần thể tháp đẹp nhất và còn khá nguyên vẹn của người Chăm ở Ninh Thuận đã được tái hiện và trở thành đại diện di sản văn hóa của người Chăm ở Hà Nội, phục dựng theo tỉ lệ 1/1 so với tháp nguyên bản.

Quần thể tháp dựng trên diện tích khoảng 4.000m2,  bao gồm 3 công trình: tháp chính (tháp Kalan) cao hơn 20m, tháp cổng (tháp Gopura) cao hơn 8m và tháp hỏa (tháp Kosaghra) cao hơn 9m.  Mỗi tháp kết cấu 3 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp.

anh CV 7.jpg

Chánh điện chùa Khmer trong ngày khánh tạ, an vị Phật - Ảnh: C.Vân

IMG_0488.jpg

Quần thể tháp Chăm trong làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc VN - Ảnh: M.Khôi

Theo anh Nguyễn Văn Hiệp, thành viên Ban Quản lý dự án xây dựng tháp thì cách xây dựng tháp kết hợp giữa bí quyết được người Chăm truyền tụng lại và kết quả khảo cổ của giới khoa học trong và ngoài nước. Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm mất hơn 2 năm để có được loại vật liệu và cách xây phù hợp.

Hai loại vật liệu chính dùng xây tháp là gạch và dầu rái. Riêng việc sản xuất gạch cũng nhiều công phu vì tuy xây dựng dựa trên nguyên mẫu là tháp Po Klong Garai nhưng do thời tiết miền Bắc khác với Nam Trung Bộ nên không thể dùng loại gạch giống hệt gạch của người Chăm đã dùng xây tháp. Gạch phải đóng thủ công từng viên một, phơi từng viên chứ không xếp hàng được vì gạch to hơn gạch bình thường, nếu xếp hàng để phơi thì độ khô của gạch không được đều, khi nung sẽ bị cong vênh, nứt nẻ hoặc phồng.

Gạch được nung theo phương pháp nung gốm, đốt các loại cây, vỏ cây, thân cây, mùn cưa, trấu để nung. Khi gạch được nung lên rồi thì phải kiểm tra đạt độ chịu lực từng viên một, chỉ những viên gạch nào đạt yêu cầu thì mới được sử dụng. Nếu gạch non, độ chịu lực kém thì sẽ không bền vững, nhưng gạch già quá thì khó chạm trổ, tạo hoa văn sau khi xây. Những viên gạch đạt độ chịu lực chuẩn được gia công thô bằng máy cắt để đảm bảo khi chồng lên nhau sẽ vừa khít. Sau khi cắt, các viên gạch được xếp hàng theo đúng thứ tự sẽ xây dựng, được đánh số rồi lại phải dỡ ra đem đi mài, sau đó được xếp chính thức vào vị trí. Gắn kết gạch không dùng vữa mà dùng dầu rái làm chất kết dính bề mặt gạch với nhau.

Quá trình xây dựng tháp rất công phu, bởi thế, khởi công từ tháng 3-2008 mà tới ngày 23-11-2012 quần thể tháp Chăm này mới chính thức hoàn thành.

 Sử Văn Ngọc - một nghệ nhân người dân tộc Chăm từ Ninh Thuận ra đây xây dựng tháp, chia sẻ: Nghệ thuật xây dựng tháp Chăm rất đặc biệt, từ thủ pháp chế tạo nguyên vật liệu, gạch dùng để xây tháp là loại gạch được sản xuất theo một phương pháp riêng: bốn mặt được nung chín nhưng trong ruột vẫn còn sống. Tuy vậy, dù để ngoài trời hàng trăm năm, gạch vẫn không bị rã, không thấm nước, khi gặp nước lại rất nhanh khô. Nhờ đó, trải qua hàng nghìn năm, các tòa tháp Chăm vẫn không bị rêu phong hay ẩm ướt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày