Lòng nhân ái kết nối yêu thương

GN - Từ nỗi đau mất đi một người cháu ruột, ngày nào chị Linh Thúy cũng qua chùa tụng kinh, cầu an cho gia đình. Như một duyên lành, hiểu được sự vô thường của cuộc đời, chị quy y Tam bảo và quyết định chia phân nửa thời gian kiếm tiền ra để làm thiện nguyện.

Không phải là tất cả, nhưng hầu như những nơi bão đi qua, chị cùng các tình nguyện viên đều có mặt, ít nhiều sẻ chia với bà con khó khăn. Những lá thư xin học bổng của học trò nghèo vùng sông nước, chị chưa bao giờ từ chối. 

Từ hiểu đến thương

ĐĐ.Thích Chí Giác Thông, trụ trì tịnh viện Pháp Hạnh (ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM) đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Chị Linh Thúy là một Phật tử rất nhiệt tâm với công tác từ thiện. Mọi công tác thiện sự của tịnh viện, khi cần có sự trợ giúp, Linh Thúy luôn hỗ trợ, kết nối mạnh thường quân. Vì tâm chị sáng nên rất nhiều mạnh thường quân tin tưởng, nhờ chị gửi quà đến bà con khó khăn. Đó là lý do chị cứ đi suốt”.

linhthuy.1.Png

Chị Linh trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi

Khi bài viết này đang thực hiện, cũng là lúc chị Linh Thúy rời TP.HCM, có mặt ở Quảng Trị để tặng quà cứu trợ đến bà con nghèo, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 vừa qua. Khi những hình ảnh cập nhật trên Facebook, nhìn thấy con đường đến với bà con vùng bản vất vả, vượt cả trăm cây số trên nền bùn đỏ, trơn trợt, rồi lội qua suối, nhiều bạn đã chia sẻ, ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của chị và mọi người trong đoàn. Hỏi chị vì sao nặng lòng với “người dưng” như vậy?

Chị đã trải lòng rằng: “Ngày xưa nhà mình cũng khó khăn, mẹ nếm đủ đắng cay để nuôi sáu chị em nên người, và bản thân Thúy cũng phải bươn chải để phụ mẹ lo cho các em nên dễ dàng thấu hiểu, rung cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, phải vất vả bằng những nghề nguy hiểm để mưu sinh nuôi gia đình. Rồi khi bão tố đến, họ không về được nữa, để lại biết bao nỗi đau cho người ở lại. Thật sự là khi nhìn thấy những mảnh đời quá bất hạnh, cơm không đủ ăn, áo không lành lặn, lại bệnh tật bủa vây, mình rất thương và không cầm lòng đặng”.

Vậy nên, khi có mạnh thường quân điện thoại nói, Thúy ơi, bên công ty A, B, C có mền, có mì nè, em có lấy không, là lập tức chị gật đầu. “Đi xin thêm một ít nhu yếu phẩm từ các bạn hàng thân quen nữa, vận động mạnh thường quân, để cùng đem đến những hoàn cảnh thật sự cần. Có khi một phần quà giá trị chưa đến 200 ngàn, gồm 10 ký gạo, 1 thùng mì, 1 chai dầu gió, mấy chai nước tương, với quần áo cũ nhưng người nhận mừng lắm”, chị bộc bạch.

Hỏi chị, đi từ thiện nhiều ngày liền như vậy, làm sao chị chăm sóc cho gia đình, nhoẻn miệng cười, chị bảo: “Thúy may mắn là có ba, mẹ, ông xã san sẻ và ủng hộ. Mỗi khi Thúy vắng nhà, con Thúy được ông bà đưa rước đi học, chăm sóc rất chu đáo. Công việc Thúy có thể xử lý từ xa, cần gì là ông xã điện thoại nên rất yên tâm”. Chị kể, đi xa chị không mệt, vui nhất là khi chị kêu gọi được mạnh thường quân giúp, vì biết bà con sắp có quà.

Nhưng có vài lần, chị cũng khóc vì người ta báo là ủng hộ, rồi đến gần kề ngày đi tặng quà, người ta rút lại lời hứa. Chị phải gõ cửa từng người thân quen nhờ sự giúp đỡ, cũng có khi bỏ tiền sinh hoạt cá nhân để bù vào khoản đó. Chị nói: “Mình hứa tặng quà rồi mà không có thì rất có lỗi, nên phải bù. Mỗi phần quà không chỉ mang ý nghĩa là một món quà mà còn mang hơi ấm của sự sẻ chia. Khi rơi vào tận cùng khó khăn, bốn bề là hoang tàn, lạnh lẽo thì mới cảm nhận được hết một bàn tay chìa ra với mình, nó có giá trị như thế nào”.

Hạnh phúc từ sự sẻ chia

Câu lạc bộ Khai Tuệ (CLB) ra đời được 3 năm, thời gian không quá dài nhưng dưới sự dìu dắt của chị Linh Thúy với vai trò là Chủ nhiệm, dấu chân của các thành viên của CLB đã có mặt ở khắp các tỉnh thành miền Tây và miền Trung. Bác Tâm, một mạnh thường quân đồng hành cùng chị Linh Thúy từ khi CLB mới thành lập đã chia sẻ: “Tôi thật sự cảm kích Thúy, từ thiện là tận tâm, không nề hà”.

Đó là, vào khoảng tháng 9-2017, để có đủ 120 triệu đồng xây cầu nông thôn nối liền 2 xã Nhuận Phú Tân và Tân Thanh Tây (H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), chị Thúy phải tổ chức buffet chay gây quỹ. Nhưng trước ngày tiệc diễn ra, đôi chân chị Thúy không thể di chuyển bình thường được, phải nhập viện điều trị.

Chị xuất hiện trong chương trình phải đi bằng cây nạng và được các bạn tình nguyện viên hỗ trợ để bước lên sân khấu. Đứng không vững, sự đau đớn hằn sâu trên gương mặt nhưng chị vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của Ban Tổ chức. Mọi người hỏi thăm, chị Thúy chỉ dám nói là ôm bao gạo bị té trặc chân, để mọi người không phải lo.

Chương trình kết thúc, quay lại bệnh viện, chân sưng to hơn, điều đó có nghĩa cơn đau cũng tăng thêm. Vậy đó, mà ngồi trên xe lăn, chị vẫn thực hiện được công tác tổng kết số tiền, để báo cáo và công khai minh bạch trên Facebook.

Vì sự nhiệt tâm và trách nhiệm như vậy nên mọi người rất thương, tin tưởng chị. Nhớ lại những ngày đau đớn đó, chị Thúy trải lòng: “Hai chân đau đớn, khi bác sĩ chẩn đoán kết quả không khả thi, Thúy cũng phần nào hiểu, có thể cuộc đời về sau của mình gắn liền với xe lăn.

Mình phải sử dụng tã quần, mọi sinh hoạt đảo lộn, có những ngày bị trầm cảm vì cảm thấy mình đem lại gánh nặng cho gia đình. Nhưng may mắn là sau tiệc buffet, Thúy được một thầy giới thiệu bác sĩ chuyên khoa chuyên chữa bệnh liên quan đến xương khớp và dây thần kinh, được can thiệp kịp thời, nên Thúy được chữa khỏi”.

Nghĩ rằng, nhờ Phật gia hộ, nhờ những chuyến từ thiện với sự dốc tâm và phát nguyện hiến tặng một phần tài sản của mình cho bà con nghèo khó, từ đó mà nghiệp mình được chuyển hóa. Bệnh vừa dứt, chị lại lao vào công việc, không để phí bất cứ thời gian nào.

Vậy là, chị lại theo chân các bạn tình nguyện viên về nghiệm thu cây cầu ấp Liền Kề, xã Dòng Xếp (H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Ngày nghiệm thu, nhiều phụ huynh và bà con lối xóm thỏ thẻ, xin chị giúp giùm cho các em học trò nghèo không có tiền đi học. Tiếp xúc các hoàn cảnh, vì quá thương, chị vận động gấp 25 suất học bổng cho các em. Ngày khánh thành cầu, khi những phần học bổng được tặng bất ngờ, các em và người dân ai cũng hoan hỷ.

Mẹ của chị cười hiền nói: “Ai khổ, xin không được tiền mạnh thường quân là Thúy tìm về nhà vận động người thân. Từ ngày Thúy làm từ thiện là cả nhà làm từ thiện. Con của Thúy, có khi cũng khoét ống heo, đưa tiền cho mẹ trao cho các bạn. Rồi các em sinh viên ở trọ, cũng phụ Thúy làm từ thiện. Anh em bốn bể gặp nhau tự nhiên thành người thân một nhà, sống yêu thương nhau, đời tự nhiên vậy là vui”.

Gia đình chị Thúy thuê căn nhà ở 458/3 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, tầng trệt để bán thức ăn chay, phát cơm chay, gieo duyên với bà con. Còn các tầng còn lại, chị cho 7 em sinh viên trọ, lấy giá ưu đãi, bao luôn cơm, điện, nước, để các em cùng chị làm từ thiện khi rảnh.

Vào các ngày rằm, vía, lễ, Tết chị lấy trái cây, hàng hóa, hoặc xưởng áo quần của gia đình, có sản phẩm gì bán lẻ được, chị để cho các bạn bán, kiếm thêm tiền chi tiêu. Chị hài hước nói: “Tháng nào cũng bù lỗ mà được cái vui. Tụi nhỏ cái gì cũng kêu chị Thúy ơi, ngày nào cũng nói cười vui vẻ, nhắc đến từ thiện là lại cười. Kệ đi, đời có mấy năm đâu, sống vui là được”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày