Lòng từ chắp cánh...

GN - “Con với bà không họ hàng ruột thịt, con còn nhỏ mà biết thương người thật là quý quá. Mai này chết đi, bà sẽ phù hộ cho con lấy được chồng giàu”.

Đa số Phật tử ở chợ huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho rằng, “đại gia” phát tâm làm việc thiện như chị không nhiều. Thế nhưng, chị đã từng suy nghĩ: “Ngày xưa, tôi xài tiền cha mẹ cho nên cứ hào phóng lắm. Bây giờ, cùng chồng gầy dựng sự nghiệp nên phải dè sẻn, dành dụm. Mỗi khi bố thí, cúng dường cũng cân nhắc, so đo. Muốn đến chùa lạy Phật nhưng tôi ngại cúng dường, bởi gia thế của mình như vầy mà cúng ít coi sao được. Khi Phật pháp đã ‘ngấm’, tôi hiểu rằng cúng dường không phải ở nhiều hay ít mà là ở tấm lòng”.

ANH XH (1).JPG

Phật tử Diệu Ái (thứ hai từ phải) trong một khóa tu

Chị là Phật tử Diệu Ái Nguyễn Thị Ngọc Loan, sinh năm 1969. Chị kinh doanh khách sạn, vàng bạc và dịch vụ cho thuê xe du lịch, nhưng chị sống giản dị, cởi mở và thân thiện với mọi người. Những tâm sự mộc mạc, chân tình về hạnh bố thí, cúng dường của chị là những trải nghiệm thực tế về giá trị của vật chất đời thường và quan niệm về lòng từ bi của người con Phật khi hành theo Chánh pháp.

Chị kể, lúc nhỏ nhà ở gần chợ, mỗi ngày nhìn thấy bà cụ mù lòa, cụt chân lê lết xin ăn. Chị hỏi thăm mới biết, bà không con cái, không nhà cửa, đêm về tá túc giữa các quầy sạp trong con hẻm chợ… Vậy nên, cô bé 13 tuổi (chị Diệu Ái lúc nhỏ) đã dành một phần tiền cha mẹ cho để thuê người cõng bà đi về mỗi ngày, từ chỗ ở tạm ra đầu chợ. Sau đó, cứ chờ mẹ nấu cơm canh vừa chín là cô bé dành một phần mang đến cho bà ăn, tối đến giăng mùng và ở lại tâm tình, an ủi bà.

Cảm kích tấm lòng nhân hậu của cô bé, bà cụ khóc: “Con với bà không họ hàng ruột thịt, con còn nhỏ mà biết thương người thật là quý quá. Mai này chết đi, bà sẽ phù hộ cho con lấy được chồng giàu”. Chị bảo, hơn 30 năm trôi qua, chồng chị không giàu có nhưng lại có đạo đức, hiền lành, chí thú làm ăn và hết lòng với vợ con. Kinh tế gia đình dần ổn định và “ăn nên làm ra”. Lời tri ân của bà cụ năm xưa, bây giờ mỗi khi nhắc lại chị vẫn thấy mới tinh, đơn sơ nhưng là bài học nhân quả thiết thực.

Hồi ấy, giao thông nông thôn còn trắc trở, sông rạch chằng chịt, sinh hoạt đi lại, học hành đều phải qua đò chèo. Nhiều người dân nghèo đã ra bến sông Lấp Vò chèo đò kiếm sống. Mỗi bận sang sông, người lái đò thu 500đồng/người. Chị trả 5.000 đồng/bận nên nhiều chủ đò chào mời giành giựt bởi chị như “khách Víp”. Chị nói: “Ai tôi cũng thương, biết sao cho đồng? Vậy là, mỗi lần sang sông, tôi tặng cho mỗi người 2.000 đồng”.

Thế nhưng, chị bảo khi “đồng tiền đi liền khúc ruột” thì chị đi chùa cũng cầu xin đủ thứ lợi lạc, vật chất trên đời. Đến khi, chị nghe thầy dạy đừng cầu xin cho mình mà hãy hồi hướng cho bá tánh, chúng sanh thì phước báu của mình mới rộng lớn. Từ đó, tâm từ “ngủ quên” trong chị như được đánh thức. Bận rộn làm ăn, thời gian học Phật của chị không nhiều nhưng những bài học được về hạnh bố thí, cúng dường chị luôn luôn ghi nhớ và nỗ lực đem vào cuộc sống. Chị sẵn sàng hỗ trợ Tam bảo và các hoạt động xã hội với khả năng của mình cho phép.

Thấy cháu bé bị bệnh bướu máu ở mặt (xã Bình Thạnh Trung), chị Diệu Ái hỗ trợ cho hai mẹ con tiền xe mỗi bận tái khám. Bà con nghèo muốn đi viếng Phật ngọc Hòa bình thế giới về tôn trí tại Đồng Tháp (năm 2009), chị sẵn sàng cho đội xe du lịch của mình đưa rước miễn phí. Vậy nên, trong 3 ngày, hàng ngàn lượt Phật tử từ Lấp Vò đến điểm tôn trí Đức Phật, mỗi bận hơn 50 cây số, chị đều đưa rước…

Chị cũng sẵn lòng hỗ trợ trùng tu một số chùa khó khăn, ủy lạo người dân nghèo, tặng học bổng cho học sinh trong và ngoài huyện; hỗ trợ thầy cô giáo nghèo. Đặc biệt với những thầy cô giáo cao tuổi vì hoàn cảnh trước đây phải nghỉ việc sớm, không lương hưu, đi bán vé số dạo, chị thường xuyên trợ giúp gạo và một số nhu yếu phẩm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày