Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sau 6 tháng đi vào thực tế...

GN - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 sau hơn 6 tháng có hiệu lực, đã có thay đổi gì và tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Là người có thâm niên gắn bó với công tác quản lý tôn giáo gần 30 năm qua, ông Lê Hoàng Vân (ảnh), Phó ban Tôn

BTN_0003.JPG
Ông Lê Hoàng Vân
- Ảnh: B.Toàn

giáo TP.HCM chia sẻ:

- Trước thời điểm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thì GHPGVN TP.HCM đang ở giai đoạn chuyển tiếp (vừa tổ chức xong Đại hội Phật giáo thành phố kỳ IX vào tháng 11-2017) và phải chờ Hội đồng Trị sự ban hành quyết định chuẩn y danh sánh thành phần nhân sự Phật giáo TP nhiệm kỳ IX, trong khi công việc điều hành, hoạt động Phật sự vẫn phải duy trì thông suốt, đáp ứng yêu cầu hành chánh đạo cho Tăng Ni. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng triển khai, phổ biến luật nhưng đa số Tăng Ni, Phật tử TP chưa hiểu sâu về các điều khoản mà luật quy định.

Vì vậy, Tăng Ni thuộc GHPGVN TP, GHPGVN quận, huyện khi tiếp nhận và áp dụng luật còn lúng túng, cảm thấy khá mới mẻ, chưa có sự nhuần nhuyễn trong sự phối kết hợp trong hoạt động, điều hành Phật sự. Một số chức sắc có những hạn chế về kiến thức pháp luật trong tiếp cận, nghiên cứu luật.

Tuy nhiên, với những nỗ lực tích cực của BTS GHPGVN TP cố gắng bám sát luật, nghị định hướng dẫn cũng như tuân thủ Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư thì rõ ràng có sự chuyển biến trên nhiều lĩnh vực trong đó lĩnh vực quan trọng, áp dụng pháp luật vào thủ tục hành chính.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo, tổ chức trực thuộc phải đăng ký danh mục hoạt động tôn giáo hàng năm, trong thực tế khó thực hiện triệt để điều này. Xin ông cho biết, trong trường hợp tại cơ sở có phát sinh nhu cầu tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng mà chưa đăng ký thì cơ sở đó cần phải làm gì, thưa ông?

- Đối với việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng hàng năm của cơ sở tín ngưỡng, theo quy định tại Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 18-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thì hàng năm trước ngày 15-10, cơ sở tín ngưỡng phải gửi bản thông báo dự kiến hoạt động tín ngưỡng diễn ra vào năm sau tới Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng.

Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định chỉ đăng ký lần đầu đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của luật, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không có trong văn bản đăng ký đã được chấp thuận thì phải đăng ký bổ sung.

Theo luật, việc xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo cần phải có giấy phép xây dựng. Trong trường hợp cải tạo, nâng cấp, công trình phụ trợ thì có được miễn giấy phép xây dựng hay không?

- Điều 58 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo quy định: Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng; Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.

Như vậy, để cấp được giấy phép xây dựng, bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ý kiến chấp thuận của Ban Tôn giáo TP. Đồng thời, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP sẽ chủ trì báo cáo lên UBND TP về các chỉ tiêu kiến trúc.

Hiện nay, Giáo hội, các tổ chức trực thuộc có nhiều nhu cầu về tổ chức các Đại giới đàn, khóa bồi dưỡng trụ trì, bồi dưỡng về hành chánh Giáo hội, kỹ năng thông tin - truyền thông… trong thời gian ngắn, thì có cần phải xin phép đến các cơ quan chức năng không, thưa ông?

- Đối với một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biết, như:  thông báo lễ hội định kỳ; thông báo về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; Thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo; thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử; Thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; Thông báo hội nghị thường niên…

Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có phải xin phép các cơ quan chức năng?

- Điều 19 Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Về hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

1. Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 điều này về việc tổ chức quyên góp, trong đó nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp; phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.

3. Thẩm quyền tiếp nhận thông báo: a) Trước khi tổ chức quyên góp 5 ngày làm việc, cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp trong địa bàn một xã; b) Trước khi tổ chức quyên góp 10 ngày, cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp ngoài địa bàn một xã nhưng trong địa bàn một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; c) Trước khi tổ chức quyên góp 15 ngày, cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 điều này.

4. Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội.

5. Không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để quyên góp nhằm trục lợi hoặc trái mục đích quyên góp.

6. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 điều này.

XH (2).JPG

Ông Lê Hoàng Vân trao đổi về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Bảo Toàn

Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, quy trình bổ nhiệm trụ trì của cơ sở tôn giáo (Phật giáo) như thế nào, xin ông cho biết quy trình này?

- Điều 34 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.

1. Tổ chức tôn giáo trước khi bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc sau đây có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương: a) Thành viên Ban lãnh đạo tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh; b) Người đứng đầu tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh; c) Người đứng đầu cơ sở đào tạo tôn giáo.

2. Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 điều này, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức việc cư trú và hoạt động tôn giáo.

3. Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 của luật này.

4. Hồ sơ đăng ký gồm: a) Văn bản đăng ký nêu rõ họ và tên người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; phẩm vị, chức vụ, địa bàn phụ trách trước và sau khi được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; b) Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; c) Bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

6. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này và khoản 3 Điều 19 của luật này chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

7. Đối với người dự kiến lãnh đạo tổ chức quy định tại các Điều 19, 22, 29 và 38 của luật này sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chỉ thực hiện thông báo kết quả về người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo quy định tại khoản 6 điều này.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo, có trách nhiệm gởi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 48). Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài đến Việt Nam không thông qua tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, trong trường hợp này, ai là người chịu trách nhiệm, thưa ông?

- Trong những năm qua, có thực trạng nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài đến Việt Nam bằng con đường du lịch không thông qua tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để thực hiện các hoạt động tôn giáo, trường hợp này là lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân để tuyên truyền, giảng đạo trái pháp luật, gây ra những hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội.

Pháp luật nước ta có những quy định chế tài xử lý đối với hành vi truyền đạo trái pháp luật. Tổ chức, cá nhân nào có hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy từng tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người đứng ra tổ chức sinh hoạt, hoạt động tôn giáo không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu là cá nhân, tổ chức nước ngoài, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiện nay tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác có hiện tượng chư Tăng Ni xây dựng cơ sở mới. Vậy, về mặt pháp luật, để một cơ sở mới được công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp, cần những thủ tục cần thiết nào là đủ, thưa ông?

- Điều 29 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:

1. Trước khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 điều.

2. Hồ sơ đề nghị gồm: a) Văn bản đề nghị nêu rõ lý do; tên tổ chức đề nghị; tên tổ chức tôn giáo trực thuộc dự kiến thành lập; tên tổ chức, người đại diện tổ chức trước và sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; địa bàn hoạt động, số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc tại thời điểm thành lập; địa bàn hoạt động, số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước và sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; cơ cấu tổ chức, địa điểm dự kiến đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

b) Văn bản tóm tắt quá trình hoạt động của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; c) Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức tôn giáo trực thuộc; d) Hiến chương của tổ chức tôn giáo trực thuộc (nếu có); đ) Bản kê khai tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo trực thuộc; e) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

3. Thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:

a) Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có văn bản thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Trên thực tế nguyên nhân của nhiều vụ việc vi phạm pháp luật xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nhận thức về pháp luật. Đây là những quy định phù hợp với xu hướng hiện nay, nhằm nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban Tôn giáo TP sẽ có trách nhiệm tập hợp tất cả những phản ánh, bức xúc của các chức sắc Tăng Ni Phật giáo gửi đến từng đơn vị có liên quan và sẽ theo dõi sát quá trình phản hồi, xử lý, khắc phục của các cơ quan liên quan đối với những phản ảnh mà Tăng Ni đã nêu. Đồng thời sẽ hỗ trợ những vấn đề cần thiết để các cơ sở tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi nhất.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

H.Diệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày