NSGN - Những câu chuyện Vinaya thường đưa đến những giới luật mới, hay sửa đổi những giới luật cũ. Do đó, một câu chuyện Vinaya chính nó khiến cho người đọc hay người nghe tin rằng có một hoặc nhiều việc làm hay sự kiện không đáng tán dương.
Giới thiệu
Những Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya (Lục quần Tỳ-kheo/ni) được tìm thấy trong những câu chuyện Vinaya như là những người đầu tiên phạm những giới luật nghiêm trọng. Trong Vinaya Pāli, những Tỳ-kheo Chabbaggiya là những người đầu tiên phạm những giới sau:
1- 12 giới Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề (nissaggiyapācittiya: ưng xả đối trị).
2- 39 giới Ba-dật-đề (pācittiya: ưng đối trị).
3- Giới Ba-la-đề-đề-xá-ni (pāṭidesanīya: ưng phát lộ) thứ hai (Vin IV 178; Horner vol. 3, 107
4- Tất cả các giới nên học (sekhiya; ưng học pháp) (Vin IV 185-206; Horner, vol. 3, 120-152), ngoại trừ các giới số 51, 55, và 56.
5- Nhiều vấn đề khác ở trong các kiền độ (khandhaka).
Trong khi những Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya là những người đầu tiên phạm các giới sau:
1- Giới Bà-la-di (pārājika) thứ tám (Pāt 120-121; Vin IV 220-221; Horner, vol. 3: 173).
2- Giới Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề (nissaggiyapācittiya: ưng xả đối trị) thứ nhất (Pāt 144-145; Vin IV 243; Horner, vol. 3: 213).
3- 14 giới Ba-dật-đề (pācittiya: ưng đối trị).
4- 2 giới Ba-la-đề-đề-xá-ni (pāṭidesanīya: ưng phát lộ) (Pāt 224-225; Vin IV 346-347; Horner, vol. 3: 419, 422).
5- Hai giới sekhiya (ưng học pháp) (Pāt 228–229; Vin IV 349-350; Horner, vol., 3: 424-425).
6- Nhiều giới khác nhau được đề cập trong Bhikkhunīkkhandhaka (Vin II 262-263, 266-267, 269, 271, 280; Horner, vol. 5: 364, 369-371, 372-373, 374, 387-388).
Mặc dù xuất hiện thường xuyên trong Vinaya, nghiên cứu học thuật hiện đại nói chung xem họ là những nhân vật hư cấu, không phải là những nhân vật lịch sử. Tôi không đồng ý với luận điểm này và vấn đề sẽ được biện luận trong bài viết này.
Phân tích từ ngữ
Để giải quyết vấn đề này, việc phân tích chính thuật ngữ Chabbaggiya là cần thiết.
1- Cha (“sáu”) + vagga (“nhóm”) => chas + vagga.
2- Cha có hình thức Sanskrit gốc là ṣaṣ, trong đó chữ ṣ ở đầu đổi thành ch, và chữ ṣ cuối lại xuất hiện ở đây là s.
3- Chas + vagga => chas + bagga.
4- Chữ v đầu của vagga được thay bằng b.
5- Chas + bagga => chabbagga (“nhóm sáu người”).
6- Nhóm phụ âm sb biến thành bb. 7- Chabbagga + iya => chabbaggiya.
Hình thức cuối cùng của Chabbaggiya có thể có hai giải thích khác nhau:
1- Nó có thể có nghĩa là một nhóm sáu người; trong trường hợp này, không thể có nhiều hơn sáu vị Chabbaggiya. Việc sử dụng này có thể so sánh với việc sử dụng thuật ngữ pañcavaggiya (Pāli-English Dictionary: “pañca”), mà nó có nghĩa là một hoặc nhiều thành viên của nhóm năm người.
2- Hoặc nó có thể có nghĩa là một người đi theo nhóm sáu người; trong trường hợp này, có thể có một con số không xác định những vị Chabbaggiya. Việc sử dụng này có thể so sánh với việc sử dụng thuật ngữ Sakyaputtiya (“Sa-kya”), mà nó có nghĩa là một hoặc nhiều người đi theo Sakyaputta (con trai của dòng tộc Sakyas, tức là Đức Phật).
Giải thích của Horner và những hệ lụy
Không hiểu vì lý do gì, Horner hoàn toàn bỏ qua chọn lựa thứ hai, và sử dụng nhất quán chọn lựa thứ nhất để đề cập đến thuật ngữ Chabbaggiya như là “nhóm sáu” Tỳ-kheo, hay là “nhóm sáu” Tỳ-kheo-ni, tùy theo ngữ cảnh (ví dụ: vol. 3, 173, 213, 216, v.v…; vol. 5, 364, v.v...). Việc dịch của bà được những học giả hiện đại như Schopen và Tỳ-kheo Sujato sử dụng. Giải thích của bà, mặc dù đến thời điểm này không ai phản bác, đã dẫn đến những hệ lụy trong việc xác định những miêu tả Vinaya mà nó liên quan đến những vị Tăng/Ni này.
1- Luật tạng không có những ghi chép nào về nhân thân của “sáu Tỳ-kheo” hay “sáu Tỳ-kheo-ni”.
2- Nó cho thấy sự kỳ lạ rằng mỗi nhóm Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni bất hảo đều có đúng sáu thành viên, không hơn, không kém.
3- Do không thể có nhiều hơn sáu Tỳ-kheo Chabbaggiya, cũng không có nhiều hơn sáu Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya, dường như đáng ngờ rằng những Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni trong một nhóm nhỏ như vậy là những người đầu tiên đã phạm quá nhiều giới được chỉ ra ở trên.
Nghiên cứu hiện đại đã cố gắng giải quyết những vấn đề phát sinh từ giải thích của Horner một cách cơ bản bằng việc xem xét những vị Tăng và Ni này, và những tình tiết quan trọng mà ở đó họ xuất hiện, chỉ là những hư cấu về sau:
Barua nhận xét rằng “Nhiều giới luật được chế định bằng việc nối kết chúng với những Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya… Như vậy bối cảnh lịch sử của một số câu chuyện Vinaya là đáng nghi ngờ”. Bhagvat (47f) cho rằng “Bất cứ khi nào một biện pháp phòng hộ được chế định do có một sự phạm tội, thì sự phạm tội đó thường được hình thành bằng việc nối kết nó với nhân vật hầu như hư cấu là những Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya. Tính chân thực của tình tiết này, do đó, đáng nghi ngờ”.
Tương tự, Gokhale nhận định: “Có thể rằng những sự kiện Chabbaggiya được tạo ra theo một thể thức văn học được ưa thích”. Gräfe kết luận rằng bản chất hư cấu của nhiều câu chuyện Vinaya nói chung là rõ ràng ở nơi trường hợp rằng những kẻ phạm giới là luôn giống nhau. (Anālayo 417 fn. 35)
Về những câu chuyện Vinaya, Freedman giải thích rằng: Khi xem xét từ quan điểm chức năng của những câu chuyện Vinaya như một phần không thể thiếu trong việc huấn luyện và giáo dục Tăng sĩ, câu hỏi về sự xác thực lịch sử, thực sự, phần nào trở nên không thích đáng. Vấn đề thực sự quan trọng về sáu vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni là để đưa ra một ý nghĩa về mặt văn bản đối với thính chúng rằng có một câu chuyện về hạnh kiểm xấu được thuyết giảng. Ngay những người không biết nhiều về những câu chuyện Vinaya cũng hiểu rõ rằng, khi một số nhân cách như của nhóm sáu Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni được nói ra, là nói về những điều nguy hại có thể xảy ra trong Tăng đoàn. Cho nên, trong tình huống giảng dạy thực tế, việc đề cập sáu vị có hành vi xấu này tạo ra một thái độ đề phòng, mà nó giúp ghi nhớ tốt hơn những khía cạnh của giới luật. (Freedman, 417-418)
Tuy nhiên, lời giải thích này chính nó dường như phát sinh những vấn đề mới. Vì sao?
1- Những vị Chabbaggiya không phải luôn thể hiện là những kẻ phạm giới. Ví dụ, nơi tường thuật về giới Ba-dật-đề 37 (Vin IV 85; Horner vol. 2, 335-336), họ là những người đúng đắn, đã phê bình những Tăng sĩ Sattarasavaggiya (thập quần Tỳ-kheo), những người ăn phi thời và theo đó Đức Phật đặt định ra giới Ba-dật-đề 37. Thêm nữa, Mahākhandhaka (Vin I 91; Horner vol. 4, 117) cho biết rằng họ đã đưa ra lời khuyên đối với những người tắc trách, và theo đó khiến Đức Phật đặt định ra giới ngăn ngừa làm điều đó. Câu chuyện này dường như cho thấy rằng những người Chabbaggiya, ít nhất những người trong câu chuyện này, là những Tỳ-kheo có tâm tu tập.
2- Những câu chuyện Vinaya thường đưa đến những giới luật mới, hay sửa đổi những giới luật cũ. Do đó, một câu chuyện Vinaya chính nó khiến cho người đọc hay người nghe tin rằng có một hoặc nhiều việc làm hay sự kiện không đáng tán dương. Vậy thì, tại sao cần phải có một số nhân vật hư cấu liên quan đến điều này?
3- Trong nhiều câu chuyện đưa đến những giới Pātimokkha dành cho Tăng và Ni, người phạm tội đầu tiên của giới liên quan không được gọi tên mà chỉ đề cập là “một Tỳ-kheo” (aññataro bhikkhu) hay “một Tỳ-kheo-ni” (aññatarā bhikkhunī), hoặc nếu nhiều hơn một thì là “những Tỳ-kheo” (bhikkhū) hay “những Tỳ-kheo-ni (bhikkhuniyo). Nếu những câu chuyện đó không cần đến những Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya hư cấu khi họ là những người phạm giới đầu tiên, tôi phân vân tại sao một số câu chuyện khác lại làm như vậy.
4- “Những bản văn Vinaya từ những truyền thống Phật giáo khác nhau xem những Tăng sĩ Ṣaḍvārgika [tức là Chabbaggiya trong tiếng Pāli] chịu trách nhiệm cho hầu hết những hành vi phạm giới này và mô tả họ như là những Tăng sĩ suy đồi về mặt đạo đức (Liu 179); Với ngoại lệ bản dịch Hán ngữ Thập tụng luật (Sarvāstivādavinaya, T 1435), một nhóm sáu Tỳ-kheo-ni cũng xuất hiện hầu như trong tất cả những bản Vinaya hiện còn: Vinaya Pāli, những bản dịch Hán ngữ luật Tứ phần (Dharmaguptakavinaya), Di-sa-tắc-bộ-hòa-ê ngũ phần luật (Mahīśāsakavinaya), và luật Ma-ha-tăng-kỳ (Mahāsāṃghikavinaya). Cần lưu ý rằng trong những bản dịch Tạng ngữ và Hán ngữ Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da xuất gia sự (Mūlasarvāstivādabhikṣuṇīvinaya), những thành viên trong nhóm những Tỳ-kheo-ni đã gia tăng từ sáu lên mười hai. Nếu những Tăng và Ni này chỉ là những nhân vật hư cấu, họ phải được hư cấu vào một giai đoạn rất sớm, có thể thậm chí trước khi sự phân phái xảy ra trong Tăng đoàn. Tuy nhiên, tôi không tìm thấy nhu cầu hợp lý nào cho một sự hư cấu như vậy.
Giải thích khác
Trong giải thích này, những Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya là những người đi theo “nhóm sáu” Tỳ-kheo (chabbagga, Skt. ṣadvārga). Những người lãnh đạo, cho dù họ là ai, dù có thể không phải là những người thật sự tốt, nhưng nếu họ có những phẩm chất lãnh đạo họ có thể thu phục được một số lượng lớn những người có cùng chí hướng.
Giải thích này thực sự được hàm ý bởi luận giải Vinaya:
1- Assajipunabbasukā nāmā ti Assajī c’eva punabbasuko ca... te hi chabbaggiyānaṃ jeṭṭhakachabbaggiyā. (Sp III 613-614). Cụm từ Assajipunabbasukā nāma có nghĩa Assajī và Punabbasuka… Họ là những Chabbaggiya lãnh đạo của những Tỳ-kheo Chabbaggiya.
Kinh sách ghi chép Assaji và Punabbasuka là những người đầu tiên phạm giới Tăng-tàn (saṃghādisesa) thứ 13 (Pāt 20-21; Vin III 179-184; Horner vol. 1, 314-325), là những người đầu tiên phạm giới Tăng kỳ vật (saṃghika: giới cấm phân chia tài sản chung không phù hợp phân chia) (Vin II 171; Horner vol. 5, 239-240), và cũng là đối tượng đầu tiên của một hành động tẩn xuất chính thức (pabbājanīyakamma) (Vin II 9-13; Horner vol. 5, 14-18), trong khi tất cả họ đang trú ngụ tại Kīṭāgiri.
2- Mettiyabhmmajakā ti Mettiyo c’eva Bhummajako ca, chabbaggiyānaṃ aggapurisā ete (Sp III 579). Từ Mettiyabhummajanakā có nghĩa là Mettiya và Bhummajaka. Họ là những người lãnh đạo của những Chabbaggiya.
Kinh điển ghi rằng Mettiya và Bhummajaka là những người đầu tiên phạm giới Tăng-tàn (saṃghādisesa) thứ tám và thứ chín (Pāt 14-15, 16-17; Vin III 160-163, 166-167; Horner vol. 1, 275-281, 288-289), và giới Ba-dật-đề thứ 13 (Pāt 48-49; Vin IV 37-38; Horner vol. 2, 235), trong khi họ cư trú tại Rājagaha.
3- Paṇḍukalohitakā ti Paṇḍuko c’eva Lohitako cā ’ti chabbaggiyesu dve janā. Tesaṃ nissitakāpi Paṇḍukalohitakā tv’ eva paññāyanti (Sp VI 1155). Từ Paṇḍukalohitakā có nghĩa Paṇḍuka và Lohitaka, hai người thuộc nhóm Chabbaggiya. Những người dựa vào họ cũng được gọi là Paṇḍukalohitaka.
Kinh sách ghi chép Paṇḍuka và Lohitaka là những đối tượng đầu tiên của một hành động khiển trách chính thức (tajjanīyakamma) (Vin II 1-2; Horner vol. 5, 1-2) trong khi họ đang cư trú tại Jetavana.
Ngoài sáu vị Tỳ-kheo được đề cập ở trên, có bốn người đặc biệt được gọi là những lãnh đạo của nhóm Chabbaggiya. Nếu chúng ta áp dụng giải thích của Horner cho luận giải, sẽ chỉ có sáu Tỳ-kheo Chabbaggiya, trong số đó bốn người là những vị lãnh đạo, nhưng điều này dường như vô lý. Do đó, luận sư hẳn có sự giải thích thứ hai - tức là, rằng sáu vị Tỳ-kheo đó là những người lãnh đạo của nhóm Chabbaggiya - khi ông viết những bản văn ở trên.
Điều này được khẳng định thêm bằng câu chuyện của những người lãnh đạo này, được luận sư ghi lại và được Dictionary of Pāli Proper Names trích dẫn như sau:
“Theo Samantapāsādikā, tất cả họ là người Sāvatthi và tất cả vốn quen biết nhau. Thấy khó kiếm sống, họ gia nhập Tăng đoàn dưới sự chỉ dạy của hai vị Đại đệ tử thượng thủ. Họ cho rằng thật không khôn ngoan nếu tất cả họ sống cùng một chỗ, và do đó họ chia thành ba nhóm… Mỗi nhóm có năm trăm vị Tỳ-kheo gia nhập. (‘Chabbaggiyā’)”.
Do đó, luận giải Vinaya ủng hộ thuyết rằng những Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni) Chabbaggiya là một nhóm được thành lập và lãnh đạo bởi sáu vị Tỳ-kheo có tên ở trên. Theo luận giải, nó có nghĩa rằng ngay cho dù những người biên soạn Vinaya đã ghi chép tên của những người lãnh đạo trong những trường hợp mà ở đó chính những người lãnh đạo là những người phạm giới đầu tiên, những người biên soạn Vinaya đã không bận tâm gọi tên những người theo họ mà chỉ gọi họ là “những người theo sáu người này”. Điều này có thể vì sao những Tỳ-kheo Chabbaggiya đã xuất hiện trong kinh sách, và cũng vì sao những Tỳ-kheo-ni Chabbaggiya cũng đã xuất hiện, điều có thể giải thích tại sao không có một manh mối nào về “sáu Tỳ-kheo-ni” ở trong văn học Vinaya Pāli.
Nếu chúng ta chọn sự giải thích này, chúng ta ít nhất giải quyết được ba vấn đề:
1- Chúng ta có thể loại bỏ sự kỳ lạ về con số thành viên của mỗi nhóm Tăng/ Ni, là chúng đều có sáu người.
2- Chúng ta cũng có thể xem những Tăng/ Ni Chabbaggiya như thuộc một con số không giới hạn, và theo đó có thể giải thích tại sao họ liên hệ đến một số lớn giới luật.
3- Chúng ta có thể xem những Tăng/ Ni đó như là những nhân vật lịch sử, và qua đó có thể giải thích tại sao họ được tìm thấy khắp những truyền thống Vinaya khác nhau.
Tuy nhiên, vẫn còn có một sự khúc mắc. Khi kinh điển không đưa ra thông tin về nhân thân của “sáu vị Tỳ-kheo” hay của “sáu vị Tỳ-kheo-ni”, theo giải thích đầu tiên được Horner chọn, nó cũng không nói rõ rằng sáu vị Tỳ-kheo được nói ở trên, tức là Assajī, Punabbasuka, Mettiya, Bhummajaka, Paṇḍuka và Lohitaka, thật sự là những người lãnh đạo nhóm Chabbaggiya. Sự thực, nguồn tài liệu duy nhất về thông tin này là luận giải Vinaya. Câu hỏi là: chúng ta có thể tin vào luận giải trong vấn đề này không?
Câu trả lời của tôi là:
1- Nếu chúng ta tin vào luận giải, điều này có nghĩa rằng chúng ta thừa nhận luận giải phần nào lưu giữ những thông tin quan trọng - trong trường hợp này, thông tin mà nó không có mặt trong kinh tạng. Nhưng sự thừa nhận nhận này lô-gic với sự giải thích thứ hai nên ba vấn đề trên có thể được giải quyết, và qua đó hoàn thành được yêu cầu luật lệ vàng của Hoffman: “Một giả thuyết cần giải quyết ít nhất hai vấn đề.” (Karl Hoffman qtd. in Hinüber 7).
2- Còn nếu chúng ta bác bỏ luận giải liên quan đến vấn đề này, chúng ta sẽ bị bỏ lại trong bóng tối về nhân dạng của sáu vị Tỳ-kheo lãnh đạo đó. Việc thiếu thông tin này có thể phát sinh nghi ngờ về tính lịch sử của những người theo họ, nhưng điều đó không thể chứng minh chắc chắn rằng những người theo họ chỉ là một sự hư cấu. Tóm lại, tôi cho rằng cho dù chúng ta chấp nhận hay bác bỏ thông tin từ luận giải, giải thích thứ hai vẫn đơn giản và thiết thực hơn giải thích của Horner, và đủ để thay thế quan điểm của Horner.
Thượng tọa Pandita
Nghiệp Đức dịch và giới thiệu
_________________________
Nguồn: Journal of Buddhist Ethics, Volume 24, 2017, tr. 103-118) * Đại học Kelaniya, Sri Lanka
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Anālayo, Bhikkhu. “The Case of Sudinna: On the Function of Vinaya Narrative, Based on a Comparative Study of the Background Narration to the First Pārājika Rule.” Journal of Buddhist Ethics, vol. 19, 2012, pp. 396-438.
- Malalasekara, G. P., comp. “Chabbaggiyā.” 1938. Dictionary of Pāli Proper Names, vol. 1, Asian Educational Services, 2003, p. 926. 2 vols.
- Geiger, Wilhelm. A Pāli Grammar. 1994. Translated by Batakrishna Ghosh, edited by K. R. Norman, The Pali Text Society, 2005.
- Hinüber, Oscar von. “The Foundation of the Bhikkhunīsamgha: A contribution to the Earliest History of Buddhism.” Annual Report of the International Research Institute for Advanced Buddhology, vol. 11, 2008, pp. 3-27.
- Horner, I. B., trans. The Book of the Discipline (Vinaya Piṭaka). 6 vols., The Pali Text Society, 1938-66. Liu, Cuilan. “Noble or Evil: The Ṣadvārgika Monks Reconsidered.” Acta Orientalia Academiae Scientiarum Hung, vol. 66, 2 2013, pp. 179-195.
- Rhys Davids,T.W. and William Stede, editors. The Pali Text Society’s Pali-English Dictionary. 1921-1925. The Pali Text Society, 1995.
- Pischel, R.A Grammar of the Prākrit Languages. Translated by Subhadra Jhā, 2nd ed., Motilal Banarsidass, 1981.
- Rhys Davids, T.W. and Hermann Oldenberg, trans. Vinaya Texts Part II: The Mahāvagga V-X and The Cūlavagga I-III. Sacred Books of the East XVII, Clarendon Press, 1882.
- Rhys Davids, trans. Vinaya Texts Part III: The Cūlavagga IV-XII. Sacred Books of the East XX, Clarendon Press, 1885.
- Schopen, Gregory. “The Suppression of Nuns and the Ritual Murder of Their Special Dead in Two Buddhist Monastic Codes.” Buddhist Monks and Business Matters: Still More Papers on Monastic Buddhism in India, Studies in the Buddhist Traditions, University of Hawai’I Press, 2004, pp. 329-359.
- Sujato, Bhikkhu. Bhikkhuni Vinaya Studies: Research and Reflections on Monastic Discipline for Buddhist Nuns. Santipada, 2009.
- Sujato. White Bones Red Rot Black Snakes. Santipada, 18 July 2011.