Lung linh đèn đêm phố cổ Hội An

Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn (còn gọi là sông Hoài), nơi hiện hữu  những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn. Có thể nói, Hội An như một bảo tàng sống, bước chân vào phố Hội chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá hủy của thời gian. Ðặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 và 30 âm lịch hàng tháng. Đêm Phố Cổ không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn màu, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Tất cả như đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ.

denhoi_01.jpg
denhoi_02.JPG
denhoi_03.JPG

Vào mỗi đêm 14 và 30 âm lịch, khi hoàng hôn buông xuống, Hội An lại chìm đắm vào giấc ngủ mơ màng về vẻ lộng lẫy đã từng có cách đây gần 300 năm trước. Dưới những mái ngói rêu phủ là dãy đèn lồng tỏa sáng đùa theo gió, căng tròn như chứa chất cả bầu trời nắng ấm miền Trung và nhiệt năng của ánh dương quang sau lớp lụa mỏng manh, nhẹ nhàng du đưa qua từng dãy phố. Đèn lồng phố Hội mang một nét riêng biệt của xứ Quảng, khiêm nhường mà đĩnh đạc, lắng động mà kiêu sa. Cái ánh đèn lung linh nửa hư nửa thực tỏa sáng cho những góc phố gập ghềnh như thể rủ bước chân của mỗi du khách qua đường, lãng đãng trên mỗi bậc thềm xưa. Đèn lồng Hội An đã gắn liền với lịch sử phố cổ từ thuở ban sơ và được khơi lại vào những năm đầu thế kỷ XX cho đến nay. Khi lễ hội đèn lồng phố Hội được tái hình thành, những nguồn sáng ấm, dịu dàng đã trở thành một phần tất yếu của phố cổ, chứa đựng nhiều chất nhân văn, mang sức thu hút mãnh liệt khiến muôn vàn trái tim phải ngẩn ngơ.

denhoi_04.JPG
denhoi_05.JPG
denhoi_06.JPG
denhoi_07.JPG
denhoi_08.JPG
denhoi_09.JPG

Hoa đăng trên sông Hoài

denhoi_10.JPG

Mùa Vu lan Báo hiếu hàng năm, đêm 14 tháng 7 âm lịch, nếu có dịp về Hội An, du khách sẽ chứng kiến đêm huyền hoặc về lễ hội đèn lồng. Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong đêm Vu lan – Thắng hội tại Phố cổ Hội An sẽ tạo thành những dãy hoa đăng lung linh và kỳ ảo tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ với tao nhân mặc khách. Cũng trong đêm lễ hội đèn lồng này, nhiều hoạt động văn hóa mang đậm nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, như tái hiện hình ảnh về những bà mẹ tảo tần quẩy gánh hàng rong cùng với tiếng rao vang vọng trong đêm, những gia đình trong khu phố cổ quay quần bên cha mẹ để hoài niệm về ông bà tổ tiên. Cũng trong đêm Vu lan ấy, hàng ngàn ngọn đèn lồng giăng giăng bắt đầu từ ngõ vào chùa Pháp Bảo cho đến ngõ đường vào phố cổ. Tất cả mọi đèn điện đồng loạt tắt khi chập tối, thay vào đó là những ngọn đèn lồng với nhiều kiểu dáng: hình thuôn dài, hình trụ tròn, tam giác, hình bông sen, hình lục lăng… dập dờn theo từng cơn gió từ sông Hoài thổi vào hòa quyện cùng không gian thanh vắng với hàng ngàn bước chân khẽ khàng trong ánh đèn lung linh. Hình ảnh những ngọn đèn lồng đã và đang thắp sáng vào mỗi góc tâm hồn của con người ở phố Hội hay những ai đã một lần ghé qua. 

Không quá lung linh như ngọn nến, không dữ dội như đình liệu (đuốc lớn thắp ở sân để soi sáng, thời trước thường dùng khi có hội họp hoặc làm việc ở ngoài trời), đèn lồng Hội An có vẻ quý phái riêng biệt của những dòng dõi danh gia, vẻ kiêu kỳ của những khu nhà khuê các, và cũng là ánh sáng truyền đăng của mỗi ngôi chùa trong khu phố cổ. Ngày nay, đèn lồng Hội An cùng với những góc phố cổ kính đang tạo nên nguồn sáng thu hút bước chân tao nhân mặc khách…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày