Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, các ông hãy tiếp tục duy trì. Các ông chớ có thành người tối hậu sau Ta1 |
NSGN - Trong các mối quan hệ của con người nói chung, quan hệ giữa thầy và trò là một trong những mối quan hệ cơ bản. Quan hệ này có khả năng ảnh hưởng và chi phối đến năng lực, tính cách, phẩm vị, đạo đức, niềm tin… của một con người, một dân tộc và thời đại. Với Phật giáo, mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ giữa sự truyền thừa và kế tục những giá trị nhân văn mang tính toàn nhân loại. Trong dòng chảy phát triển lịch sử của xã hội, sự hiện hữu của quan hệ thầy - trò tạo nên tính ưu thắng riêng có của con người và xã hội loài người. Quan hệ thầy - trò có nhiều dạng thức, biện biệt. Nơi đây, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát mối quan hệ đó được đề cập trong kinh, luật Phật giáo.
Quan hệ thầy - trò, nhìn từ lịch sử kinh điển
Lý tưởng cơ bản của đạo Phật được gói gọn trong bốn chữ: tự độ - độ tha. Muốn tự độ, thì điều kiện tiên quyết là phải có sự nương tựa, hướng dẫn, chỉ bày. Đó cũng là lý do mà ba pháp quy y được xem là cửa ngõ đầu tiên của hành trình tự độ và đồng thời đó cũng là tiêu chuẩn để xác tín là một người con Phật đúng nghĩa. Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ(2). Từ sự nương tựa đầu tiên này, tức là kể từ khi xem Phật là bậc Thầy dẫn đường vĩ đại, thì mối quan hệ thầy - trò được xuất hiện, định hình.
Cần phải thấy, sự trưởng thành của một con người do bởi sự hỗ trợ và nâng đỡ của nhiều người và nhiều điều kiện nhân duyên khác. Nói chính xác, sự vững chãi về tri thức của một con người do bởi sự hướng dẫn của nhiều vị thầy. Ngay như bản thân của Bồ-tát Siddhartha, trước đêm thành đạo, Ngài cũng đã tầm cầu học hỏi từ nhiều vị thầy. Từ đó, có thể thấy rằng, để thành công trên bước đường tu tập, người đệ tử Phật cần phải thụ giáo từ nhiều vị thầy như thầy thế phát xuất gia, thầy giáo thọ, thầy A-xà-lê…
Trong tất cả những vị thầy đó, Đức Phật Thích Ca vẫn được xem là vị thầy cội nguồn cho tất cả. Vì lẽ, nhờ Đức Phật đã khai mở con đường để tất cả chúng ta thấy rõ lối đi. Có lẽ chính vì vậy mà tôn hiệu Bổn sư thường được hậu thế tôn xưng và ngưỡng vọng. Câu chuyện cảm động về chàng thanh niên Pukkusati được ghi lại trong kinh Trung bộ(3) là một hình tượng đẹp về việc nương tựa Thế Tôn làm bậc thầy của mình. Kinh ghi, mặc dù chưa một lần diện kiến Đức Phật, nhưng do đặt trọn lòng tin vào Đức Thế Tôn, thanh niên Pukkusati tự mình cạo đầu xuất gia, hướng Thế Tôn làm chỗ nương tựa, y cứ. Nhân duyên gặp Phật trong một lò gốm, Pukkusati chưa nhận ra ngay và sẵn sàng chia sẻ chỗ ngủ cùng Đức Phật. Chỉ khi Đức Phật thuận thứ thuyết giảng thì Pukkasati mới hốt hoảng nhận ra rằng, người mà mình chia sẻ chỗ ngủ trong đêm chính là Đức Thế Tôn mà từ lâu mình đã đặt trọn niềm quy ngưỡng. Sự khẳng định của Pukkasati: “Tôi đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Ngài là bậc Ðạo sư của tôi. Và tôi chấp thuận pháp của bậc Thế Tôn ấy”(4) còn mang một ý nghĩa thời sự trong thời đại hôm nay. Vì lẽ, tuy chưa một lần gặp Phật, nhưng chúng ta vẫn một lòng tin tưởng vào Ngài, y cứ vào Ngài và giáo pháp của Ngài, thì Đức Phật đã trở thành một vị thầy vĩ đại, và chúng ta là một người học trò nhỏ nhoi trong trường học rộng lớn của Người.
Trách nhiệm và bổn phận của thầy và trò
Đức Phật là một bậc thầy với đầy đủ trách nhiệm ở mọi nghĩa cụ thể. Dẫu người học có đa dạng và đủ mọi tầng lớp, dẫu có nhiều khác biệt ở các cảnh giới, ngữ nghĩa, giới tính, không gian… nhưng Đức Thế Tôn đã tùy nghi đem lại lợi lạc cho tất cả. Sự nghiệp giáo hóa vĩ đại của Đức Phật là bản trường ca bất tận về trách nhiệm của người thầy cùng bổn phận tương ứng của những học trò. Từ đây có thể thấy, theo giáo pháp của Đức Phật, để được làm thầy đúng nghĩa quả là điều không dễ dàng.
1. Chuẩn mực và trách nhiệm của người thầy
Điều kiện cần của một người thầy đúng nghĩa, đó là phải có tri thức và cả đạo đức. Có tri thức mới có thể sẻ chia tri thức ấy cho người, có đạo đức mới có thể làm chỗ dựa cho học trò nương tựa và y cứ. Đạo đức là nền tảng mà mọi hạt giống tri thức được gieo trên đó. Nền tảng vững chãi thì vụ mùa sẽ bội thu. Từ hệ quy chiếu này có thể thấy, chỉ có tri thức không thôi vẫn chưa đủ điều kiện để hoàn thiện phẩm vị của một người thầy theo tiêu chuẩn của Phật giáo.
Vì lẽ, theo kinh Tăng chi, một bậc thầy đúng nghĩa, thì tiêu chuẩn đầu tiên là phải “sống với sự chế ngự của giới bổn, và là người nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, cất chứa điều được nghe”(5). Trong mười điều kiện làm thầy được ghi ở luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahasanghika)(6) cũng xác chứng việc tương tự. Giới ở đây cần được hiểu rộng ra là những nguyên tắc sống, là những chuẩn mực đạo đức căn bản của con người. Bên cạnh đó, năng lực sở hữu tri thức là một trong những điều kiện cần để khẳng định vị trí của một người thầy. Một người thầy thì phải am tường lãnh vực mà mình đảm trách. Để rồi từ đó mới có thể “huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp”(7).
Phẩm vị người thầy đã được người xưa ví von như chức vụ do trời ban (thiên chức) do bởi tính đặc thù riêng có của phẩm vị này. Hơn thế nữa, trong kinh điển Bắc truyền, phẩm vị người thầy còn tỏa sáng rực rỡ ở những chuẩn mực cao tột: “Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình”(8). Dạy học trò với tâm thế như dạy con một thì hiệu quả học tập sẽ được khẳng định vững chãi. Vì lẽ, khi tình thương luôn xuất hiện trong quá trình giảng dạy thì hiệu quả tiếp thu của học trò sẽ được tiến triển rất nhiều. Không những thế, với tâm lượng không vì danh vọng, lợi dưỡng khi dạy học trò, điều đó đã làm cho hình ảnh cũng như phẩm vị người thầy trở nên rất mực cao cả, thiêng liêng.
Một người thầy đúng chuẩn còn phải có một khả năng nắm bắt tâm lý của học trò. Hiểu rõ đối tượng, hiểu rõ những biến chuyển tâm lý của học trò để khích lệ, tưởng thưởng chúng, là một trong những điều kiện thành công của quá trình giáo dục. Cụm từ “có khả năng khích lệ”(9) đệ tử được sử dụng trong kinh Tăng chi và cụm từ “khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc”(10) được sử dụng trong kinh Trường bộ đã đồng thời xác tín sự tưởng thưởng, ca ngợi đúng lúc và kịp thời là một trong những trách vụ cần làm của một người thầy đúng mực.
Căn tánh của học trò thì đa dạng cho nên tùy theo đối tượng để có một phương thức hỗ trợ, bảo ban. Nói rõ hơn, giải pháp trách phạt ở một chừng mực nào đó được chấp nhận trong cách hành xử của người thầy. Ngay như Đức Phật, trong những trường hợp cụ thể, đối với những căn cơ cụ thể, Ngài vẫn áp dục hình thức la mắng và thậm chí nặng nề là phải đuổi người ấy đi. Trường hợp Tỳ-kheo Vakkali là minh chứng điển hình cho phương thức giáo dục đặc thù này. Kinh ghi, Vakkali tuy thân cận Đức Phật nhưng không chú tâm nghe pháp, mà chỉ chăm chú nhìn ngắm dung nhan của Đức Thế Tôn. Mặc dù Đức Phật đã nhiều lần khuyên bảo nhưng Vakkali vẫn chứng nào tật đó. Do vậy, “Bậc Ðạo Sư nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo này, nếu không được xúc động mạnh, sẽ không thức tỉnh’, nên vào cuối ngày an cư mùa mưa, Đức Phật nói: ‘Này Vakkali, hãy đi đi’. Nghe bậc Ðạo sư nói vậy, ngài tự nghĩ ngài phải đi, nhưng nghĩ rằng đời ngài có ý nghĩa gì, nếu không được gặp bậc Ðạo sư, nên ngài có ý định leo lên núi Linh Thứu để gieo mình xuống vực núi tự tử”(11). May mắn thay cho Vakkali, với tuệ giác siêu tuyệt, Đức Phật đã thị hiện đúng thời điểm để khai ngộ cho Vakkali trước thời khắc nguy khốn của đời mình. Điều kiện cần để có thể áp dụng phương thức giáo dục đặc thù này là tầm mức trí tuệ cũng như bản lĩnh của người thầy. Nếu như vận dụng không thích hợp hoặc quá đáng, thì hậu quả sẽ là bất hạnh, khổ đau. Hình ảnh dùng gai nhọn để chích lễ vết thương đang làm mủ là ẩn dụ sinh động để biểu thị cho trường hợp này. Vết thương sẽ lành nếu gặp được bàn tay của y sĩ bậc thầy và ngược lại.
Trong một vài quan hệ thầy - trò đặc thù, ngoài những chuẩn mực căn bản nêu trên, người thầy còn có khả năng chăm lo điều kiện sống cũng như năng lực bảo hộ sức khỏe cho người đệ tử. Ngay từ thời Đức Phật, Ngài đã có những quan tâm hết mực xác đáng đến không gian tu tập và điều kiện sống của học trò. Đọc Trưởng lão Tăng kệ có thể thấy, đã có những vị đệ tử do nóng lòng nỗ lực chuyên tu nên lánh tận rừng sâu thiền định. Trong một vài trường hợp, có vị ngã bệnh vì không đủ sức khỏe để chuyên tu. Biết vậy, Đức Phật liền răn dạy: “Thầy sống trong rừng sâu/ Chỗ khất thực hạn chế/ Thân gầy mòn ốm yếu/ Tỳ-kheo sẽ làm gì?/ Với thân thể như vậy?”(12). Theo Đức Phật, một chỗ ở lý tưởng dành cho người học trò, đó là “tại trú xứ ấy, tìm được không mệt nhọc các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”(13). Kinh điển Bắc truyền cũng đồng thời xác tín: “Khi đệ tử bệnh phải chăm sóc cho họ, mà không sinh tâm chán ghét”(14). Cần phải thấy, ở thời Phật, vấn đề ẩm thực về cơ bản là tự túc xin ăn. Ngay như bản thân Đức Thế Tôn hàng ngày vẫn tự mình mang bát khất thực. Mặc dù vậy, với những Tỳ-kheo bệnh tật, ốm đau, hoặc không đi khất thực được, Đức Phật huấn thị các Tỳ-kheo khác hãy sớt bát, sẻ chia thức ăn cho những người đồng tu thiếu phước nêu trên. Trách vụ chăm lo và bảo hộ sức khỏe cho người học trò càng có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết đối với thầy thế độ, thầy y chỉ, thầy bổn sư… trong bối cảnh chùa chiền và Tăng chúng ngày càng phát triển như hôm nay.
Ngoài những trường hợp đặc thù là gặp phải những học trò bất trị, vô phương cứu chữa, thì nhìn chung, đã làm thầy thì phải nỗ lực dạy dỗ học trò, đệ tử bằng tất cả những gì có thể. Nhận học trò mà không quan tâm dạy dỗ, hoặc dạy dỗ không đúng mức là điều không thể chấp nhận đối với một người thầy. Kinh luận Bắc truyền đã khẳng định dứt khoát: “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội”(15). Không chỉ dừng lại ở đó, kinh Ưu-bà-tắc còn đẩy trách vụ này lên nhiều cấp độ khi xem đó là tội cực trọng. Kinh ghi: “Thiện nam tử! Chẳng thà thọ ác giới, trong một ngày giết vô lượng chúng sinh, quyết không nuôi dưỡng đệ tử ác mà mình không thể dạy dỗ. Vì sao? Phạm giới ác, chỉ liên hệ đến thân mình, còn nuôi đệ tử ác mà không dạy dỗ, có thể khiến cho vô lượng chúng sinh làm ác, có thể làm chúng sinh hủy báng vô lượng pháp lành vi diệu, phá hòa hợp Tăng, làm cho nhiều chúng sinh phạm tội ngũ nghịch. Do đó, còn ác liệt hơn tội ác luật nghi”(16). Mặc dù có phần khắt khe, song đoạn kinh trên đã đề xuất và hướng tới một hình mẫu lý tưởng về người thầy. Vì lẽ, căn cứ vào tình hình thực tế của hàng chuỗi những sự việc phức tạp, đã và đang diễn ra trong lịch sử thăng trầm của Phật giáo, có thể xác chứng rằng, việc dạy dỗ học trò không nghiêm sẽ để lại những di họa, mà ảnh hưởng tiêu cực của chúng không chỉ giới hạn trong một đời người.
2. Bổn phận của người học trò
“Không có sư trưởng thế gian thì không biết lễ nghĩa, không có sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật pháp. Lễ nghĩa không biết thì khác gì cầm thú, Phật pháp không hiểu thì cũng như phàm tục”(17). Sự khẳng định này một lần nữa khẳng định vai trò tối thắng của người thầy, để rồi từ đó, người học trò cần phải hoàn thành những bổn phận nhất định để có thể hành xử tương ứng trong mối quan hệ này.
Đã là người học trò, tiêu chí đầu tiên là phải “hăng hái học tập”(18) và “chú tâm học hỏi nghề nghiệp”(19). Phải ý thức rằng, được tiếp cận tri thức, được đi học, được gặp thầy tốt là một phước báo cho bất cứ ai khi sống trong đời. Với một số xã hội phát triển, được đi học là một trong những quyền cơ bản của con người, mang tính nhân văn và luôn được xã hội đảm bảo. Vì lẽ, có tri thức là nền tảng để có tất cả. Cần phải thấy rằng, mọi bất hạnh, khổ đau trong cuộc đời đều bắt nguồn hoặc có sự liên quan từ sự thiếu vắng tri thức. Trong tất cả những bất hạnh thì vô minh là bất hạnh cùng tột. Do đó, nỗ lực học tập, “hăng hái học tập” bằng tất cả những gì có thể là điều kiện cần của người học trò dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm thế đúng của người học là phải chú tâm. Chú tâm là sự tập trung đến mức có thể vào sở học của mình. Trong lãnh vực học tập, chú tâm là tiền đề để gặt hái tri thức. Chú tâm giúp cho việc ghi nhận tri thức tốt hơn. Nhờ sự chú tâm và hăng hái học tập, tri thức của người học trò sẽ từng bước được kiện toàn và để cuối cùng, sự thành đạt vững chãi của người học trò là tưởng thưởng lớn nhất trong cuộc đời giảng dạy của người thầy.
Với người học trò, tri thức là điều kiện cần nhưng đạo đức cũng là một điều kiện đủ. Nói rõ hơn, học hỏi tri thức phải song hành với việc kiện toàn đạo đức. Vì đạo đức và tri thức có sự liên hệ tác động lẫn nhau. Đạo đức làm cơ sở để nảy sinh tri thức và có tri thức giúp việc ứng xử đạo đức trở nên thuần thục và chuẩn mực. Kinh ghi: “Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời”(20). Giới hạnh là một cách biểu đạt khác về đạo đức. Chính vì vậy mà một người học trò cần phải biết hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức căn bản, bắt đầu từ những ứng xử mang tính nhỏ nhặt như: cung kính tuyệt đối với thầy của mình. Thầy đến, phải “đứng dậy để chào; hầu hạ thầy; tự phục vụ thầy” (21)… Muốn có đạo đức thì phải huân tập, rèn luyện. Nền tảng đạo đức của người học trò không phải từ trên trời rơi xuống mà bắt đầu từ những thực tập mang tính nhỏ nhặt vừa nêu.
Với Phật giáo, khởi đầu của quá trình giáo dục là sự kiện toàn nền tảng đạo đức. Dù bất cứ lãnh vực kiện toàn tri thức nào đi chăng nữa, việc nhuần nhuyễn về ứng xử đạo đức là chuẩn mực cần có của người học trò. Trong những gương sáng được lưu lại trong kinh điển về việc phục vụ thầy, thì Tôn giả Ananda là điển hình cho một người học trò rất mực tận tụy. Trong hai mươi bốn năm ròng hầu Đức Thế Tôn, ngài Ananda chưa hề chểnh mảng chức phận. Kinh ghi: “Ananda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Ananda ở một bên Đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Ananda đi xung quanh phòng Đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Ananda là vị Tỳ-kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì, và sự hầu hạ chu đáo”(22). Có thể, chuẩn mực hầu thầy của ngài Ananda mang dáng vẻ là hình mẫu lý tưởng, mặc dù vậy, sự thể hiện bổn phận chăm lo cho thầy bằng những gì có thể, là bổn phận quan thiết của một người đệ tử, học trò, là điều có thể nhận ra trong đoạn trích dẫn vừa nêu.
Mặc dù cẩn trọng trong trách vụ hầu thầy, tuy nhiên lộ trình chứng Thánh của Tôn giả Ananda cứ lận đận mãi đến khi cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất sắp sửa diễn ra. Từ sự cương quyết của Tôn giả Ca Diếp, ngài Ananda đã chứng ngộ Thánh quả và đã tích cực góp phần vào công cuộc kiết tập kinh điển đầu tiên. Ở đây, tiến trình tu tập và chuyển hóa tâm linh, được xem là trách vụ cần có của một người học trò trên lộ trình tu Phật.
Sống trong biển, phải biết vị mặn của biển ra sao. Cũng vậy, thân cận Thánh nhân, phải nỗ lực bằng tất cả những gì có thể để bước vào dòng Thánh. Đó là điều cũng được Đức Phật cân nhắc chỉ bày: “Này các Tỳ-kheo, nếu một Tỳ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già-lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc sảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc sảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta”(23). Đã là học trò, ít nhất cũng phải hoàn thiện những phẩm chất của bậc thầy. Thầy là bậc đã giác ngộ, thì học trò phải nỗ lực làm sao để được như thầy. Đó cũng là điều mà Đức Thế Tôn luôn trông đợi, tin tưởng và gửi gắm cho tất cả những học trò của mình. Trên phương diện liên hệ xã hội, một người học trò dù ở nghĩa nào đi chăng nữa thì cần phải tiếp thu và kế tục những giá trị mà thầy mình đã tận tâm truyền thụ. Bổn phận quan trọng này của người học trò có thể biểu đạt nôm na trong nghĩa giản đơn, đó là: Thầy như thế nào, thì học trò phải cố gắng đạt được như thế ấy.
3. Vài suy nghĩ về đạo nghĩa thầy trò hôm nay
Sự dịch chuyển và va đập của những hệ giá trị xã hội bao gồm không gian, điều kiện, quan niệm, lý tưởng sống… trong thời đại ngày nay đã tác động rất lớn đến những quan hệ truyền thống, đôi khi làm biến dạng cơ bản những hệ giá trị nhân bản mà nhân loại đã nhọc công tạo dựng. Quan hệ thầy - trò trong thời đại hôm nay ít nhiều cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng đó.
Trong quan hệ thầy - trò ở chuẩn mực xuất thế gian, cụ thể là người xuất gia, đã có những hình tượng đẹp về tư chất của người thầy và hành xử tương ứng của đệ tử. Quả thật, nếu như đòi hỏi phải kiện toàn những phẩm chất người thầy theo tiêu chuẩn căn bản từ kinh điển thì rất ít người xuất gia thời nay hội đủ. Mặc dù vậy, ba chuẩn mực cơ bản của phẩm vị người thầy như đạo đức, tri thức và tình thương là điều mà các vị ấy có thể kiện toàn ở một giới hạn nhất định. Vì thực tế, có những bậc thầy đã sống với căn bản phạm hạnh, cùng với tri thức hữu hạn và tình thương của mình, các vị ấy đã ghi vào lịch sử quan hệ thầy trò bằng những cảm tác chân thực của đệ tử khi viết về thầy của mình. Hơn thế nữa, những thành tựu khởi sắc của Phật giáo trong tất cả các lãnh vực không phân biệt dân tộc, không gian, trú xứ… đã minh chứng cho sự kế tục, phát triển của tình thầy - trò.
Trên một chiều kích khác, tuy chưa phải là tất cả, nhưng đã có những lúng túng, bất cập nảy sinh từ quan niệm “Trời sanh voi sanh cỏ” trong tư duy cũng như cách hành xử không đúng mực của nhiều vị thầy. Cần phải thấy rằng, quan hệ thầy - trò trong Phật giáo là một quan hệ đặc thù và rất nghiêm túc ở tất cả các nghĩa. Vì phận làm thầy, riêng đối với mối quan hệ giữa người xuất gia, còn có ý nghĩa vừa là làm cha, làm mẹ ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Độ đệ tử, phải có tâm có tầm và có khả năng lo cho đệ tử. Đó là chân lý được xác tín từ lâu trong kinh điển. Trong trường hợp này, có lẽ do không ý thức rõ bản thân mình nên đã có những người đã làm thầy trong khi chưa hội đủ những tố chất cần và đủ cho phẩm vị ấy. Từ thực tế đã có những cá nhân với sơ tâm tinh khiết, dấn thân vào đạo và gửi gắm toàn bộ đời mình cho thầy. Bất cập và bất hạnh đã nảy sinh từ đây, vì gặp phải những vị thầy không như trông đợi. Đó là một trong những lý do phát sinh những tác tệ, làm hoen ố hình ảnh Phật giáo mà xét đến cùng, thì lỗi lầm không thể quy hẳn cho một mình người học trò. Trường hợp này, xét về mặt lịch sử kinh điển thì thời nào cũng có, chỉ khác biệt ở quy mô và mức độ mà thôi. Căn cứ theo luật Phật, gặp phải trường hợp đó, người đệ tử có quyền tự chọn giải pháp cho mình bằng cách tìm cầu một vị minh sư mới. Nếu như vì điều kiện bắt buộc không thể lìa thầy thì giải pháp y pháp bất y nhân là một gợi ý tham khảo trong trường hợp này.
Cửa Phật rộng mở cho tất cả mọi người. Cũng từ đặc tính này nên có những cá thể chưa liệu được sức mình, chưa chuẩn bị tốt tư lương nhưng đã phát tâm nhập đạo. Đây cũng là lý do làm cho nhiều vị thầy rất vất vả và đôi khi khó hoàn thành tốt chức phận của mình. Câu chuyện về Tỳ-kheo Ramanìyavihìrim (người sống trong dục lạc) được ghi lại trong kinh Tiểu bộ là một trường hợp điển hình về việc không từ bỏ những thói quen xấu, mà thầy ấy đã huân tập từ đời sống thế tục trước đó. Mặc dù vậy, câu chuyện thực sự có hậu khi thầy ấy chiêm nghiệm thật sâu về hình ảnh con bò kiệt quệ sức lực khi phải kéo cỗ xe: “Con bò này đã vấp ngã nhưng đã đứng dậy và kéo đi gánh nặng của mình. Vậy ta phải tinh tấn, sau khi rơi vào rừng nhục dục, cần phải đứng dậy và làm tròn bổn phận của người tu hành”(24). Tính chất nâng đỡ, hỗ trợ cho những người học trò lầm lạc nhưng biết tỉnh ngộ quay về, đã nói lên tính nhân văn cao cả của giáo dục Phật giáo nói chung và quan hệ thầy - trò nói riêng.
Trên phương diện chuẩn mực thầy - trò theo quan niệm xã hội, mặc dù thời nay đã có những bước phát triển đáng mừng về chuẩn mực người thầy và bổn phận học trò. Song, vẫn còn đó những nỗi lo cùng tột vì khi quan hệ đó đã và đang bộc lộ ra những vấn đề tiêu cực, hủ bại làm hoen ố hình ảnh người thầy và tư chất của học trò. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm thông tin trên các trang mạng, kết quả sẽ làm cho chúng ta choáng ngợp, u hoài. Chuyện giáo viên uống rượu ẩu đả nhau đến mức mất mạng(25), chuyện hiệu trưởng, giáo viên háo sắc ngay cả với học trò của mình(26); chuyện học trò xông vào tận trường học đánh thầy cô(27), chuyện học trò chưa tốt nghiệp phổ thông dắt nhau đi nhà nghỉ(28)… những thông tin đó đã gióng lên hồi chuông báo động về chuẩn mực đạo đức của người thầy và tư chất của học trò.
Trong lãnh vực đào tạo chuyên môn, đã có rất nhiều cơ sở giáo dục luôn tự nhận và hãnh diện rằng, đã cung cấp cho xã hội hàng vạn giáo viên đầy đủ chuẩn mực qua những văn bằng đỏ chói. Thử hỏi trong những môn học của chương trình đào tạo, ngoài kiến thức chuyên ngành luôn dành trọn sự quan tâm thì có bao nhiêu thời gian tập trung vào việc huấn luyện và tu dưỡng đạo đức? Có kiến thức chuyên ngành về giáo dục, nhưng không có đạo đức cơ bản của con người nói chung và của người thầy nói riêng thì thử hỏi nguồn nhân lực được đào tạo đó sẽ cống hiến gì cho xã hội hôm nay? Và như vậy, biện chứng giữa tài và đức(29) mà tiền nhân đã khẳng định có còn được xem là chuẩn mực tối cần trong phẩm vị của người thầy? Nên chăng, với những chức phận thiêng liêng mà lịch sử xã hội xưa nay tôn trọng và giao phó, ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo, cần phải có những chuẩn mực đặc thù về nhân cách, lối sống, đạo đức riêng có dành cho phẩm vị này. Thử tham khảo chuẩn mực đào tạo một phi công thời nay, thì đủ thấy các quy chuẩn được thiết lập khắt khe đến thế nào? Phi công thao tác sai thì gây nguy hiểm cho vài trăm người, nhưng định hình một người thầy không đúng mực thì di họa cả nhiều thế hệ tiếp theo.
Việc các bậc làm cha mẹ thời nay khao khát con cái mình sở hữu tri thức quá sớm, mong mỏi đào tạo con mình hướng về tiêu chuẩn công dân toàn cầu, mà không đặt nặng và thậm chí là bỏ quên các giá trị đạo đức nhân văn khác, đã làm cho ý thức hệ của người trẻ bị dịch chuyển theo chiều hướng quan ngại. Đã có những đứa trẻ bị đánh mất tuổi thơ trong sự quan tâm quá mức của bố mẹ. Đã có những người trẻ chỉ dành toàn bộ thời gian cho việc học và ăn ở nghĩa đen cụ thể. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình, sự tiếp biến các giá trị văn hóa không được chọn lọc… đã làm cho tư duy, xu hướng cảm thụ, lý tưởng sống của người trẻ bị lệch chuẩn truyền thống. Từ những sự ảnh hưởng, tác động đó, cộng với một vài trường hợp tiêu cực từ thầy, cô, được báo chí đưa tin, đã làm cho người học trò thời nay nhận thức méo mó, sai lệch về thầy, cô của mình. Mặt khác, sự chuyển dịch quan niệm lấy thầy cô làm trung tâm đến việc xem người học trò làm tâm điểm trong lý thuyết giáo dục ngày nay, đang bộc lộ ra những vấn đề bất cập, và đôi khi được nhận thức không đầy đủ và không đúng từ cả hai phía thầy và trò.
Với người học trò, cần phải ý thức sâu sắc rằng, dù ở nghĩa nào đi chăng nữa thì quan hệ thầy trò không phải là quan hệ bình đẳng, mang tính đổi chác. Vì lẽ, sự quan tâm, tấm lòng, cái tâm của thầy cô… là những giá trị không thể cân đong đo đếm và lẽ tất nhiên là không thể quy đổi bằng bất cứ hiện thực vật chất nào. Với người học trò, có lẽ tặng phẩm lớn nhất đối với thầy, cô chỉ có thể gói gọn trong hai chữ biết ơn. Với Phật giáo, đó là tặng phẩm lớn nhất và không phải ai cũng có thể thực hiện được. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật đã long trọng tuyên bố: “Có hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời”(30). Thầy, cô là những người đã thi ân trước và bổn phận của ta, của người học trò là phải nhớ ơn và biết nỗ lực báo đáp những khi có thể.
Kết luận
Cuộc sống là sự ràng rịt trùng trùng của vô vàn mối quan hệ. Có những quan hệ làm cho cuộc sống nở hoa và cũng có những quan hệ dẫn tới những khổ đau, bất trắc. Quan hệ thầy - trò là một trong những quan hệ có cùng lịch sử phát triển với tri thức của con người. Tri thức con người phát triển tới đâu thì lịch sử quan hệ thầy - trò lưu dấu ấn đến đó. Sở dĩ nhân loại vượt thoát khỏi thời kỳ u mê tăm tối và vươn lên đỉnh cao nhân bản, nhân văn thì công lao đầu tiên cũng do bởi mối quan hệ thầy - trò. Để duy trì mối quan hệ này luôn vững chãi thì liệu pháp đầu tiên là cần có một sự thẩm sát, sâu sắc về chúng. Nói rõ hơn, một khi thầy và trò hoàn thiện những chuẩn mực và bổn phận tương ưng của mình, thì khi ấy quan hệ thầy trò sẽ luôn tỏa sáng. Và như một lẽ tất nhiên, sự duy trì và phát triển vững mạnh mối quan hệ này, sẽ đóng góp cho nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng những giá trị không thể kể bằng lời.
Chú thích:
(1) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Makhadeva.
(2) Kinh Tương ưng, tập 5, chương 11 pháp, phần b, Tương ưng dự lưu, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
(3) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh số 140, kinh Giới phân biệt.
|(4) Kinh đã dẫn
(5) Kinh Tăng chi, chương 10 pháp, phẩm Upali và Ananda, kinh Cụ túc giới.
(6) Luật Ma-ha-tăng-kỳ, Thích Phước Sơn, dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, tr. 421.
(7) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.
(8) HT. Tịnh Nghiêm dịch, Kinh ưu-bà-tắc giới, Phẩm Mười ba, Thâu phục đệ tử.
(9) Kinh Tăng chi, chương 10 pháp, phẩm Upali và Ananda, kinh Cụ túc giới.
(10) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.
(11) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão tăng kệ, chương Năm, phẩm Năm kệ, Vakkali.
(12) Kinh đã dẫn
(13) Kinh Tăng chi, chương 10 pháp, phẩm Hộ trì, kinh Trú xứ.
(14) HT. Tịnh Nghiêm dịch, Kinh ưu-bà-tắc giới, Phẩm Mười ba, Thâu phục đệ tử.
(15) Hòa thượng Thích Trí Thủ, Yết ma yếu chỉ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr. 82.
(16 HT. Tịnh Nghiêm dịch, Kinh ưu-bà-tắc giới, Phẩm Mười ba, Thâu phục đệ tử.
(17) Đại sư Thật Hiền, Phát Bồ đề tâm văn, Hòa thượng Trí Quang, dịch, bản ấn tống 1997, tr.44.
(18) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.
(19) Kinh đã dẫn
(20) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Chủng Đức, Sonadana.
(21) Kinh đã dẫn
(22) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão tăng kệ, chương Mười bảy, phẩm Ba mươi kệ, Ananda.
(23) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy, chương Ba pháp, phẩm Ba.
(24) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão tăng kệ, chương Một, phẩm Năm, Ramanìyavihìrim.
(25) Báo Pháp Luật, ngày 28-10-2011.
(26) Báo điện tử vnexpress.vn, ngày 7-11-2009.
(27) Báo điện tử vnexpress.vn, ngày 16-1-2011.
(28) Báo điện tử vnexpress.vn, ngày 30-11-2011.
(29) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2002, tr. 252-253.
(30) Kinh Tăng chi, chương 2 pháp, phẩm Các hy vọng.