GN - Chớm xuân trời lành lạnh dù nắng đã lên. Chén trà thù tạc sớm mai, người ngắm người, bạn ngắm bạn, tỏ bày tóc đã điểm sương hết rồi và chậc lưỡi “mới ngày nào đây!...”.
Không phải cứ đợi đến bây giờ mới sanh lòng luyến tiếc. Nhớ cái thời trẻ thơ hồn nhiên bay bổng, cái thời thanh niên vẫy vùng tự do với bao nhiêu mộng ước thành đạt dù chỉ thỏa mãn trong phút giây nào đó. Cái dĩ vãng ngọt ngào hoa thơm bướm lượn với bao kẻ mọc mời. Cái quá khứ quá đẹp đủ đầy kia đã như “bóng câu qua cửa sổ”. Tiếc thật. Mới đây mà đã… “thời oanh liệt kia còn đâu?”. Giờ, tóc bạc răng lung, bước đi khệnh khạng, gọi tên thân quen cũng nhầm…
Nhiêu đó thôi cũng bước chân vào cái cõi vô thường: thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh cũng vô thường. Vạn vật dao động, không có gì bất biến. Cái tứ đại mỏi mòn hao diệt thế mà cứ mong trường cửu.
Đã là con người nên không thể lẩn tránh cái tham ái. Muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn xe hơi nhà lầu, muốn vợ đẹp con ngoan, muốn và muốn… Cuộc đời bám đuổi với tham ái dục vọng, dẫu biết thường gọi “ước mơ bao giờ cũng là mơ ước” nhưng ta vẫn ước mơ. Tay xách nải chuối đến cửa chùa mong sao Phật độ trì cho ta sống mãi không già bệnh, cho ta muốn gì được nấy thậm chí hóa xuân thơ được quay về chốn cũ người xưa. Không lấy chuyện xưa hư cấu Từ Thức về nhà hoảng hốt cảnh “thương hải tang điền” mà hối chẳng kịp. Thôi thì chịu vậy. Điều Đức Phật đã dạy lấy từ thực tế cuộc sống khi Ngài còn là một thái tử rong kiệu qua bốn cửa thành nhận ra đời người qua bức tranh thân phận khó mà tránh khỏi. Ta muốn thoát ly ra khỏi bể khổ nên phải tu. Tu với cái tâm chẳng hề vướng bận nhưng phải tự đấu tranh chính mình để thấy đủ mà hạn chế đi cái tham ái đang dâng trào trong ta. Nói thì nói vậy, ta vẫn tu với cái hiện hữu, sống với nó và chấp nhặt gom góp những gì tốt đẹp có được, có lợi cho ta và cho người, kết thành tràng hạt niệm Phật để thương lấy mình mà sám hối.
Chữ Hán thế mà hay, thọ (cây) là thụ nhưng người chẳng gọi cổ thụ là cổ thọ. Sống lâu gọi là thọ, ít ai gọi là thụ. Nhưng trong tiếng Hán lại gọi thụ (nhận) là thọ, thụ lĩnh hay thọ lĩnh cũng vậy thôi. Chưa kể thụ còn mang nhiều nghĩa khác như là bán ra, bình phong, trồng trọt, áo vải thô, kẻ hầu trai, hèn mọn như “thụ nho” ấy mà chẳng thèm gọi là “thọ nho”! Nói thì nói, nhưng khi viết ra chữ lại khác nhau… Quả là rắc rối như chuyện đời người.
Trên trái đất này, con người là sinh vật rất sợ chết, nên biết hy sinh cái sống quả là bậc phi thường, đâu dễ gì quyên sinh tuẫn tiết! Suy nghĩ đau khổ đến bạc đầu “chỉ sau một đêm” là chuyện thường vậy mà có người ham sống đến mức cầu luyện linh đơn trường sinh bất lão, trẻ mãi không già! Hèn chi, đã chứng được ngũ thông, bốn đạo sĩ cũng không qua được cái chết. Khi con quỷ vô thường chấm sổ là hết dù có chạy lên trời hay ẩn vào đất, chui vào đá!
Sống qua cái tuổi 60 đã là bắt đầu hưởng “xái” hay được số phần khuyến mại thêm một thời gian là quá đủ rồi. Cớ chi đòi sống thật dai, để làm gì? Để chiêm ngưỡng cuộc đời, tham gia thế sự, để thế giới này còn biết ta hiện diện, càng già càng dẻo càng dai và thích được làm những điều mình muốn vì cứ nghĩ rằng ta sẽ ở mãi vị trí này trong khi người khác luôn cung cẩn khom người nhả câu “kính lão đắc thọ”. Cả bên nhận lẫn bên cho, bên hưởng thụ bên ban phát đều muốn sống thọ! Tìm chữ thọ cho mình mà không chịu thụ. Đã cưu mang chữ thọ phải chấp nhận chữ thụ. Cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu không biết đổ ập xuống khi nào mà cứ mải bon chen đua đòi ham hố. Thích người khác chúc tụng và thích chúc tụng người khác. Cuộc sống cứ loanh quanh mãi xin cho-cho xin, đón nhận từ kẻ này rồi đem ban phát cho kẻ khác, lòng vòng sinh tử-tử sinh. Có phải vì thật chán cho đời hay cả nghĩ nên Cao Bá Quát mới thở than:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt.
Việc đời chìm nổi là chuyện thường tình, chẳng hỏi để làm gì. Ở nơi sương mù sóng gợn cũng có chiếc thuyền câu rủng rỉnh an nhiên. Chiếc thuyền câu không có người câu hay câu chẳng có lưỡi câu. Câu thế sự, câu tâm hồn mịt mờ tận chốn vô minh để thấy tất cả là hiện hữu mà hình tướng rồi cũng như sương mù!
Câu hát ai đó vang lên giữa trời xuân hanh vàng “cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu” nghe thấy sến nhưng ngẫm cũng hay. Đời phải biết cho và biết nhận, đối đãi tương phùng. Đã có cho là biết chẳng còn nhưng thực ra còn rất nhiều thậm chí hơn cả những gì đã cho vì đã được cho người và cả cho mình. Đó là tấm lòng, là chân tâm, là chính mình với đừng tiếc nuối. Còn tiếc nuối là còn tham, còn chấp chặt. Sao mình không để nó qua đi một cách tự nhiên, an ổn.
Phật đã dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đều biến đổi, hư hoại, vô thường”.
Người già hay nhắc chuyện thời xưa hay người già thường hay lẩm cẩm nhớ trước quên sau, âu cũng là cái duyên cái nghiệp dành riêng cho mỗi phận người.
Mùa xuân cứ lại đến. Vạn vật cứ đến đi. Chấp nhận người đi kẻ ở, kẻ mất người còn là chuyện thường tình. Luyến tiếc cũng chỉ là nhắc cho vui thôi, cớ sao dùng chiếc máy “quay ngược thời gian” để làm tội tình nhau mà tội tình ngay cả chính mình?