Lý giải bí mật chữa bệnh "hóa hổ" của Vua Lý

Sử sách thường nhắc đến danh y Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV, đời Trần) như là người đầu tiên dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam với phương châm "Nam dược trị Nam nhân". Thế nhưng, trước Tuệ Tĩnh gần 300 năm, Thiền sư  Nguyễn Minh Không (1066 - 1141) mới là người đầu tiên thực hiện điều này.

Chuyện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư có đề cập đến một cách sơ lược như sau: "Vua bị bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư..." (theo Đại Việt sử ký toàn thư -  tập 1, trang 475). Theo tục truyền thì mình mẩy nhà vua mọc đầy lông lá như hổ, không thầy thuốc nào chữa khỏi. Triều đình sai sứ giả đi khắp dân gian, tìm người tài giỏi về chữa bệnh cho vua. Đến vùng Ninh Bình thì có nhà sư Minh Không nhận chữa.

Trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem, vua Lý Thần Tông mắc bệnh gì mà bỗng nhiên lông lá mọc đầy người như hổ?

Đó chính là căn bệnh rậm lông, tên khoa học là Hypetrichose, thuộc dạng dị loạn: Bỗng nhiên ngứa ngáy rồi lông mọc khắp người, càng ngứa càng gãi thì lông lại càng mọc nhiều, đây là một căn bệnh rất hiếm gặp và khó chữa.

Chính căn bệnh này gây tâm lý bực bội, khó chịu, bẳn gắt khiến nhà vua hay quát tháo, mà sử ghi là "Tiếng như hổ gầm". Bệnh lạ thì cách chữa cũng lạ. Tương truyền  Nguyễn Minh Không đun một vạc dầu sôi, bỏ vào đấy 100 cái kim và bảo có ai dùng tay không mà lấy được kim trong chảo không? Mọi người đều lắc đầu, lè lưỡi. Nguyễn Minh Không thò tay vào chảo, lấy ra đủ 100 chiếc kim dễ dàng. Ông dùng kim này châm cứu và dùng gáo múc dầu sôi dội cho vua. Dội đến đâu lông lá rụng hết đến đấy.

Từ truyền thuyết về cách chữa bệnh kỳ lạ này, chúng ta có thể rút ra hai điều sự thật: Một là, Nguyễn Minh Không đã dùng kim châm cứu vào các huyệt để chữa bệnh. 100 chiếc kim nhúng trong vạc dầu, thật ra là 100 chiếc kim châm cứu, được nhúng vào chảo nước sôi để sát trùng mà thôi. Hai là, Nguyễn Minh Không đã dùng một chảo lớn hoặc là một cái vạc, sắc các loại thuốc, rồi dùng nước sắc này dội lên mình nhà vua. Tất nhiên là phải dội  nhiều lần thì bệnh mới khỏi, chứ không phải một lần mà đã khỏi được.

Vậy thì, Nguyễn Minh Không đã dùng những loại thuốc gì để chữa bệnh cho vua? Chúng ta biết rằng ở tại chùa Bái Đính, nơi Nguyễn Minh Không trụ trì, ông có trồng cả một vườn thuốc lớn, gọi là vườn Sinh Dược (vườn thuốc sống,  nay thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình).

Đó là các loại thuốc Nam, thu hái xong là dùng tươi (hoặc là phơi khô rồi dùng) để phân biệt với loại thuốc đã sao tẩm, bào chế sẵn đưa từ ngoài vào, mà ta quen gọi là thuốc Bắc. Chính nhờ vườn Sinh Dược này, thiền sư Nguyễn Minh Không đã chữa được nhiều bệnh cho người dân quanh vùng và trở thành danh y. Tiếng tăm của ông đã vang đến tận Kinh thành. Vì thế mới có câu hát đồng dao: "Tập tầm vông, có ông Nguyễn Minh Không, chữa cho vua khỏi hoá. Tập tầm vá, muốn chữa cho vua khỏi hoá, phải đón Nguyễn Minh Không"...

Rõ ràng là trước khi đến Kinh thành chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, ông đã hái mang theo từ vườn Sinh Dược của mình nhiều loại thuốc, cây thuốc có tác dụng chữa bệnh ngoài da. Đến kinh thành, ông cho bắc một chiếc chảo lớn, sắc các loại cây lá này, dùng nước tắm cho vua để chữa bệnh. Chính những cây thuốc Nam trong vườn Sinh Dược ở chùa Bái Đính đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, chứ không phải là vạc dầu sôi hay một phép chữa bệnh thần kỳ nào cả.

Có lẽ do vua Lý Thần Tông bị bệnh nặng đã lâu ngày nên thể trạng đã quá yếu nên sau khi được chữa khỏi bệnh, ông chỉ sống thêm được 2 năm 6 tháng. Nhà vua đã qua đời vào tháng 9/1138, chỉ hưởng dương 23 tuổi (1116  - 1138), ở ngôi được 11 năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày