GN - Chiều về, tôi nằm ở cánh võng, ngó nghiêng khu vườn đầy lá lộc vừng trút xuống giữa những ngày xuân. Nhiều người đi ngang kêu răng không quét lá vàng, tôi cười, để rứa cho bui cửa bui nhà.
Thực ra thì tôi nhớ mạ, những chọ lá vàng ngày trước mạ hay lùa chúng đi. Hai ngày một lần, quét lá, rung cây, kêu trời đất rồi quay sang la tôi khi tôi vừa đi làm về, mi chặt hết cây đi, không thì lo mà quét lá. Sớm mai tôi mang chiếc rìu ra, mạ ngồi hếch mắt qua phía hàng rào, ừ, chặt đi, có ai tiếc mô mà dọa. Tôi vung chiếc rìu lên cao, mạ chạy tới ngăn, tưởng tôi làm thiệt. Tôi cười, mạ cũng cười, mần chi có chuyện nớ đúng không, đời mô mi chặt cái cây của cha mi trồng.
Và từ đó mỗi chiều mạ lặng lẽ quét. Tôi lặng lẽ bật lửa đốt, khói bay lên trời, khói lan cả một vùng quê, mạ hiu hắt “khung biết mấy đứa bây có dớ cha bây không hè?”. Tôi cười, ờ, tưởng siêng năng sạch sẽ nên dọn lá trong vườn, ai dè đi nhớ người yêu mà làm cho đỡ nhớ. Mạ nhìn ra sông, nó cách nhà tôi chừng 200 mét, con sông chảy êm đềm, con sông cha hay thả lưới, con sông cha nhờ mạ kì lưng rồi hai người về ở chung một nhà. Tình yêu của mạ và cha giản đơn đến nỗi đời sau còn thèm nhắc, họ sống với nhau rất đỗi ấm êm.
Từ ngày trước tôi và mạ có chung nỗi nhớ cha. Trong bữa cơm trưa hay tối đến bên mái nhà xưa nhỏ bé, chúng tôi thường nhắc đến cha. Kể chuyện về cha cho tới khuya mới đi ngủ, những lúc đó tôi hay hỏi mạ. Không biết sau này miềng có được như rứa không, mạ cười động viên, được chơ, được chơ, mi cũng in cha mi đó mà.
Nhưng có ai in mạ không? Và trên con đường duyên số dễ gì gặp được người đàn bà thuần Việt đến thế. Mạ lo cho cha từng giấc ngủ, miếng ăn, lo cho một bầy con nhung nhúc chẳng phải thua kém người ta để rồi đứa nào đứa nấy lớn lên như những cây xuân giữa rừng xuân con người thời đó. Đi tới đâu ai cũng khen, coi mạ mi giỏi dữ, coi mạ mi khôn ngoan, coi mạ mi đẹp… Mạ đẹp thì tôi thấy, dường như cuộc sống tần tảo không đủ sức để vùi lấp đi xuân sắc của người đàn bà hơn tám mươi tuổi với làn da trắng hồng, làn môi đỏ và mái tóc trắng bồng bềnh như mây núi. Lúc ngồi với mạ tôi cười cười, mạ quay sang nghi vấn, thằng ni in điên hè, chi cười rứa. Tôi mặc cả, nói đừng nạt mới nói. Mạ đồng ý, tôi cười, biết ai tốt để kiếm cho mạ tấm chồng. Lúc đó tôi thường hay được liệng vài chiếc dép, có khi cái chổi đót. Tôi nhìn mạ cười ấm áp, khi chạy ra tới ngoài hiên tôi vẫn cảm nhận được vẻ đáng yêu đó bám sau lưng mình.
Ngót nghét đó mà đã qua 365 ngày, tôi ngồi đếm thời gian. Ngày mạ bỏ lại tôi, bỏ lại mấy đứa cháu, bỏ lại một vườn lá vàng chẳng ai đụng chổi. Tầng tầng lớp lớp lá vàng xếp chồng lên nhau tạo thành thảm mục. Ở đó một vài hạt cỏ dại đã nẩy mầm, lúc sớm mai tôi ra coi hạt sương đậu trên lá non xanh biếc. Lâu lâu tôi đem chổi ra vườn quét lá và nghêu ngao “à ơi, hoa chi lên trời rau răm ở lại, à ơi hoa cải lên trời, rau răm thôi đành ở lại…”.
Hát rứa để chút dỗi hờn bay theo gió, bay đi muôn nơi, có khi mạ nghe để còn về trong giấc mơ đập muỗi cho đứa con có một giấc ngủ an lành. Hát rứa để vơi đi nỗi nhớ cứ chảy theo một chiều không biết dừng lại ở đâu. Cứ đi tìm cơ duyên có khi lại gặp. Và trong tiềm thức, thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau. Thỉnh thoảng mỗi dịp lễ Tết tôi vẫn mua quà về cho mạ, thường là bó hoa, đặt lên bàn, thắp cây nhang mạo muội: Coi bông eng mua đẹp không? Bựa ni không mua túi xách, không mua áo quần nữa, vì, biết có dùng được hay không… rồi nằm lặng trong căn phòng vắng, bật album nhạc mạ thường nghe. Có ai đó đi ngang qua nói trống không… đích thị là dớ mạ rồi chi nữa…