Em lớn nhất là Nguyễn Thị Hiền, năm nay vừa tròn 20 tuổi, đang học trung cấp Phật học Nguyên Thiều ở Bình Định. Em nhỏ nhất là Phan Nguyễn Bảo Châu, mới được 10 tháng tuổi, còn phải nằm nôi. Mỗi cuộc đời một số phận. Mười một em nhỏ ở chùa Hải Sơn, tuy thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhưng bù lại là tình thương của các sư cô có tấm lòng yêu trẻ hết mực.
MỖI CUỘC ĐỜI – MỘT SỐ PHẬN
Chùa Hải Sơn tọa lạc tại một vùng quê hẻo lánh ở thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Hiện tại, ngôi chùa nhỏ này là mái ấm của năm đứa trẻ mồ côi và sáu em nhỏ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng. Mười ba con người, chưa bao giờ có kinh nghiệm làm mẹ, đã góp công nuôi lớn những đứa bé thiếu may mắn nên người.
Nhìn bé Phan Nguyễn Bảo Châu đang cười đùa vui vẻ cùng các anh chị em khác, ít ai biết rằng, mới mấy tháng trước đây thôi, việc bé sống được là cả một kỳ tích. Bảo Châu bị bỏ rơi lúc em còn đỏ hỏn. Bé mới chào đời, được bọc trong một tấm chăn, đặt vào chậu sứ để trước điện Quan Âm. Một ni cô đang học bài, tình cờ phát hiện được, bèn gọi mọi người ra cứu giúp. Lúc đó, bé thở rất yếu, không đủ sức khóc vang như nhiều đứa trẻ khác. Sinh thiếu cân, lại bị bỏ ngoài trời lạnh, sức khỏe Bảo Châu dường như đã cạn kiệt. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các sư cô, bé dần hồi phục.
Câu chuyện về cậu bé kháu khỉnh Phan Nguyễn Bảo Trung cũng thật đáng thương. Trung bị bỏ lại trước cổng chùa khi em còn chưa rụng rốn. Cậu bé khó nuôi, các cô phải liên tục thay phiên nhau bế bồng, vì cứ hễ đặt bé xuống giường là bé khóc mãi không thôi. Các sư cô đã vất vả cả ngày, đến tối còn phải thức chăm bé. Một thời gian sau, các cô đành gửi bé cho một người trông trẻ bên ngoài với số tiền công nuôi là 600 ngàn đồng/tháng. Được một tháng rưỡi, nhà chùa hết tiền nên đã bế Trung về. Bây giờ, Trung được 17 tháng tuổi, bé ngoan hơn nên các cô cũng đỡ cực hơn.
Đến nay, trong số mười một em được cưu mang tại chùa, có 4 em học tiếp trên phổ thông và hai em vừa tốt nghiệp cấp 3. Các em còn lại đều được đến trường như bao đứa trẻ khác. Tương lai của các em đã không còn mịt mù như quá khứ.
SƯ CÔ NHƯ TỪ MẪU
Dù không có quan hệ máu mủ, nhưng các sư cô ở đây đều yêu thương các em hết mực. Nhìn cách họ chăm sóc mấy em nhỏ, chúng tôi thầm cảm phục sự chịu thương chịu khó của những con người yêu trẻ ấy. Mỗi lần cho các em ăn uống là cả một kỳ công. Đối với những bé còn nhỏ, cứ 3 tiếng đồng hồ, các sư cô cho uống sữa một lần, bất kể trời sáng hay tối khuya. Nhiều em tuy mắt còn nhắm nhưng miệng vẫn uống sữa một cách ngon lành. Khi cho các bé ăn, các cô phải hát, phải làm mặt cười, hay thậm chí là phải làm bộ bỏ đi sau mỗi lần đút một muỗng cơm để các em ăn được hết chén. Những lúc các em đổ bệnh, khó ngủ, biếng ăn, các cô càng phải nhọc sức hơn. Trước kia, khi chưa nhận nuôi những đứa trẻ này, các sư cô còn có thời gian thảnh thơi, tập trung tu đạo. Bây giờ, các cô phải tất bật lo lắng, chăm sóc trẻ từng li từng tí, có miếng bánh, bịch sữa cũng nhường cả cho các em.
Sáu em nhỏ bị bỏ rơi đều được khai sinh họ Phan Nguyễn, họ ghép của hai sư cô Thích nữ Minh Chơn và Thích nữ Minh Kỉnh, những con người đã cưu mang các em từ thuở mới lọt lòng. Sư cô trụ trì Thích nữ Minh Chơn tâm sự về quyết định của mình: Những ngày đầu, vì định kiến xã hội, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khi các em đã lọt vào cửa chùa, âu cũng là cái duyên. Vì thế, chúng tôi ráng chăm sóc, nuôi nấng, cho các em ăn học đàng hoàng. May mắn là các em đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, các sư cô trong chùa thương lắm.
Khi chúng tôi đến, nhà chùa vừa mới mua được hai bộ bàn ghế cho các em ngồi học bài. Sư cô trụ trì cho biết: "Trước đây, khi chưa có bàn, các em đều phải ngồi học dưới sàn đất lạnh, mà trẻ em ngồi không đúng tư thế sẽ dễ bị vẹo cột sống. Thương mấy em, nhà chùa dành dụm tiền mua bàn ghế cho các em ngồi học thẳng lưng". Tấm lòng yêu trẻ, hy sinh hết mình vì trẻ thơ của các cô thật đáng quý, đáng khâm phục biết bao.