Mái ấm của vị thầy ở chùa Long Thạnh

GN - Cái nóng cháy da của những ngày hè ở mảnh đất Long An thật sự đáng sợ, nhưng cũng trên mảnh đất Tây Nam Bộ này từ lâu đã xuất hiện một đóa hoa vượt qua cái khắc nghiệt của thời tiết để tỏa hương cho đời. Chúng tôi dùng hình ảnh ví von ấy để nói tới TT.Thích Quảng Tâm, vị thầy không còn xa lạ với người dân vùng đất Thủ Thừa (Long An).
Anh 1, PGTT GN 749.jpg
TT.Thích Quảng Tâm bên các em nhỏ nương náu nơi Mái ấm Kim Chi - Ảnh: H.V

Đất nghèo nuôi lớn tâm từ

Chàng thanh niên Nguyễn Minh Tiến (thế danh của TT.Thích Quảng Tâm, nay là trụ trì chùa Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) ngày nào chập chững bước vào ngưỡng cửa Phật, thế mà bây giờ đã trở thành một vị thầy với tấm lòng cao quý, đạo phong khả kính, được người dân trong vùng ca ngợi.

Xuất gia đầu Phật năm 15 tuổi, vào giai đoạn 1980-1985 - vùng đất Thủ Thừa ngập lụt nhiều, đời sống người dân rất khó khăn, các em nhỏ mỗi lần muốn đi học phải chèo xuồng, đi khoảng 9-10km rất vất vả. Năm 1980, thầy về chùa và bốn năm sau thầy bắt đầu nhận nuôi dạy trẻ, lúc đầu với số lượng rất ít, khoảng 9 trẻ, còn bây giờ con số đó đã lên gần 200.

Những tấm lòng thiện nguyện luôn có những lý do rất đơn giản, như thầy đây, chỉ vì thương các em đi học xa, chỉ vì thương hoàn cảnh các em - đơn giản thế, nhưng chính lý do đơn giản ấy lại thôi thúc thầy làm những việc lớn lao. Những trẻ vì yêu mến thầy, có trẻ gọi bằng bố bằng cha…, “chỉ vậy thôi mà tôi thật sự ấm lòng”, thầy nói.

Những năm khi đất nước vẫn còn bao cấp, muôn phần đời sống người dân khó khăn, cái ăn còn không có huống chi là bảo bọc cho người khác, thế mà thầy đã nhiều lần nhường miếng cơm, manh áo của mình cho các trẻ. Có thể đó chỉ là một miếng tàu hủ của một vị sư nghèo, có thể đó chỉ là một mảnh vải đã bạc màu theo năm tháng nhưng chính những cái đơn sơ, chân quê ấy lại là một món quà vô giá, một tình cảm ấm áp mà thầy dành để dưỡng nuôi tâm hồn cho các em lớn lên dẫu có thiếu thốn vật chất nhưng không nghèo tình thương.

Đến gặp thầy giữa buổi trưa, thấy thầy mà thương quá, quần áo, mặt mũi lấm lem vì bụi, thầy tất bật dọn dẹp hết chỗ này đến chỗ kia. Trò chuyện một lát thầy lại tiếp tục đi, có dịp thấy thầy, mời thầy ngồi uống chung trà, thầy cảm ơn và nói tôi đi làm cái này cái kia. Các cô Phật tử cười bảo, thầy thường đi không thôi, ít thấy thầy nghỉ lắm, công việc nhiều quá.

Với chức vụ Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Long An, thầy luôn là thành viên tích cực, năng nổ trong đạo pháp cũng như giúp đời, thấy rõ nhất là sự quan tâm của thầy dành cho mái ấm nhỏ đầy ắp yêu thương của mình - Mái ấm Kim Chi. Mái ấm yêu thương này đã hình thành vững vàng từ bao năm nay. Các cấp chính quyền địa phương, cũng như mạnh thường quân, bà con lối xóm đều thương và ủng hộ việc làm của thầy: ai chăm trẻ tốt thì chăm phụ, ai đóng bàn ghế, lo chỗ ăn, ở cho các trẻ thì làm giúp. Tất cả là nhờ vào cái duyên và sự cảm phục trước một tình yêu thương vô bờ bến của TT.Thích Quảng Tâm.

Một ngôi chùa, một mái trường

Khi thầy về tiếp quản chùa Long Thạnh, chùa còn rất nhỏ, các em ăn, ngủ, tụng kinh tất cả đều sinh hoạt trên chánh điện vì đất chùa quá hẹp. Mãi về sau, có một vị mạnh thường quân tên là Kim Chi, bà đến thăm chùa nhưng lúc ấy cũng chẳng tỏ ý gì về việc nới rộng khuôn viên chùa. Tuy nhiên, sau này khi bà qua đời, trong di chúc bà đã nhắn gửi các con đem số tiền dành dụm của bà về chùa mua thêm đất mà cất cho rộng. Vì thế, từ một am nhỏ nay đã có diện tích khoảng 3.000m2. Tưởng nhớ đến tấm lòng của cô Kim Chi nên thầy quyết định đặt tên mái ấm là “Mái ấm Kim Chi”.

Khi ngôi chùa dần hoàn tất, với tất cả tâm huyết chăm lo cho mái chùa thầy lại suy tư về chỗ học hành cho các em. Thấy các em ham học mà chùa thì chưa có điều kiện xây dựng, nếu gửi các em ở trường khác thì lo sẽ bất tiện cho việc đi lại nên thầy có ý định thành lập trường học, một ý tưởng khiến nhiều người bất ngờ. Mái ấm Kim Chi đã là một kỳ tích, một sự nỗ lực rất lớn của thầy, thế mà nay thầy lại còn mong muốn xây trường cho các em học.

Nói là làm, thầy đã nhờ người thiết kế bản vẽ, xây dựng trường theo ba cấp: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Ý định là vậy, nhưng kiếm đâu ra kinh phí quá lớn bây giờ, một lần nữa lời kêu gọi của thầy đã vang lên. Các mạnh thường quân khắp nơi cảm phục trước tinh thần cao đẹp đó, nhất là Công ty TNHH Trường Sơn - là đơn vị tài trợ chính cho chùa.

Ngôi trường xây xong với mức chi phí gần 3 tỷ đồng, khuôn viên rộng 1.500m2, gồm có 9 phòng học, 2 phòng thí nghiệm, 1 phòng thư viện và bếp ăn; có 12 giáo viên cơ hữu cho cả ba cấp và 35 giáo viên hợp đồng. Niên khóa đầu tiên 2012-2013 trường đã chính thức hoạt động. Bây giờ, nhìn lại những gì đã qua, thật sự người dân ở địa phương cũng như những nơi xa gần biết đến thầy đều khâm phục trước một ý chí vượt khó, dồn sức cho những trẻ thơ không may ở Mái ấm Kim Chi: có em cha mẹ đều mất, hoặc chỉ còn cha, còn mẹ, hoặc cha mẹ mất ở với ông bà nội, ngoại - không có khả năng nuôi dưỡng thầy đều nhận về. Ở đây, thầy còn tổ chức trung tâm tin học nhằm xóa mù vi tính cho người dân địa phương, con em trong thị trấn, học xong thi chứng chỉ theo giáo trình trung tâm đào tạo của tỉnh Long An.

Thầy hoan hỷ nói, các cháu đến từ tứ phương, không cùng máu mủ mà đoàn kết lắm, đôi khi có nghịch phá, chọc ghẹo nhau nhưng rồi cũng hòa, chắc chúng hiểu bây giờ mình đã là anh em một nhà rồi.

Mọi chuyện lớn nhỏ trong chùa thầy đều lo chu toàn, cứ buổi trưa các em đi học về là thầy lo việc ăn ngủ, đôn đốc học hành… Phật tử Phạm Thị Thanh Vân (Thủ Thừa, Long An, người quản lý bếp ăn nam sinh) và Tôn Thọ Thi (nhân viên trợ giúp cho trường) nói về thầy một cách đầy ngưỡng mộ, rằng, đây là một tấm gương sáng, chúng tôi rất quý thầy, những việc làm của thầy nên được nhân rộng hơn nữa để giúp những cảnh đời bất hạnh như các em ở mái ấm này.
Trần Hà Vân

>> Xem bài 1, 2: Đại đức về núi lập chùa, cưu mang học trò ăn học || Rộng lòng đón những mầm non côi cút ||

_____________

* Đón đọc bài cuối: Nơi đong đầy tình thương

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày