Mất dê

Mất dê

Người láng giềng nhà  Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả  người nhà đi tìm, lại sang nói Dương Chu mượn một người nhà cho đi tìm hộ.

Dương Chu nói: Ôi! Sao mất có một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm?

Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm ngã ba.

Khi các người tìm dê đã về, Dương Chu hỏi: Có tìm thấy dê không?

Người láng giềng nói: Không!

Sao lại không tìm thấy? Dương Chu lại hỏi.

Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành ra không biết đi đường nào để tìm thấy dê, đành phải chịu về không cả.

Một con đường cái có lắm ngã ba, rẽ vào ngã ba lại gặp ngã ba, chỉ vì lắm ngã ba mà dê mất không tìm thấy.

Người đi học cũng vậy, có rất nhiều sự lựa chọn, chỉ nên chọn một con đường hợp với khả năng và sở thích, thì sự thành công mới cao hơn, đừng như người mất dê đi tìm dê nhưng không tìm được dê, chỉ vì đường có lắm ngã ba.(Theo Cổ Học Tinh Hoa)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Dương Chu là người thời Chiến Quốc, ông chủ xướng học thuyết “Vị ngã”, trái ngược với học thuyết “Kiêm ái” của Mặc Tử. Câu chuyện “Mất dê” chỉ liên quan đến người hàng xóm của Dương Chu, chứ không liên quan gì đến học thuyết “Vị ngã” hay “Kiêm ái” gì cả.

Mất dê mà đi tìm như kiểu người láng giềng của Dương Chu, cứ gặp một ngã ba là rẽ thì khó mà tìm thấy dê được. Bởi vì, có nhiều con đường, có lắm ngã ba; người mất dê không thể bỏ ra nhiều công sức để đi tìm một con dê.

Câu chuyện đi tìm dê ở trên cũng giống như người đi học mà không có suy xét cho kỹ lưỡng tinh tường, cái gì cũng ham muốn cả, vì ôm đồm nhiều thứ quá cho nên không bao giờ học cho đến nơi đến chốn!

Đứng giữa ngã ba cuộc đời, người đi học có rất nhiều sự lựa chọn. Nhưng tâm trí và sức lực của con người cũng có giới hạn, nếu phân tán ra nhiều nơi, dùng sự hoạt động vào nhiều loại; tuy học rộng biết nhiều thật, nhưng không chuyên sâu, chỉ hời hợt nông cạn, gọi là biết qua loa khái niệm đại cương thôi. Như thế không bằng tập trung chú tâm học chuyên sâu một ngành nghề nào đó, học cho đến kỳ cùng, thì chắc chắn sẽ trở thành một chuyên gia, một người giỏi, sự học và sự hiểu biết mới chắc chắn, sâu xa và có giá trị hơn nhiều. Việc học cũng như nhiều công việc khác “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Trong cuộc sống, có đôi khi chúng ta cũng bị mất phương hướng như người mất dê đi tìm dê vậy! Chúng ta cần hết sức bình tĩnh suy xét, liệu sức liệu tài để tìm ra phương án tốt nhất phù hợp với khả năng và sở trường của mình. Trong tu học cũng vậy, Phật pháp có vô lượng pháp môn tu, cần phải trạnh pháp để tìm cho riêng mình một pháp môn thích hợp nhất. Được như vậy, sự tu học sẽ chuyên sâu và dễ dàng thành tựu đạo nghiệp hơn. Đừng để bị mất nhiều công sức mà vẫn không tìm được dê như người láng giềng của ông Dương Chu trong câu chuyện kể trên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày