Mẹ: người luôn bên cạnh, người luôn yêu thương...

GNO - Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), ai hẳn cũng nghĩ về những người phụ nữ mình thương yêu. Dưới đây là những lời yêu thương dành cho mẹ, một người phụ nữ vĩ đại của mỗi người con do Giác Ngộ online ghi nhận và chia sẻ tới bạn đọc...

* Thái Thảo Linh (sinh viên ở Q.5, TP.HCM):

A1.jpg

Ba tôi mất khi tôi chỉ vừa tròn 3 tuổi, lúc đó mẹ chỉ có đôi bàn tay trắng ôm lấy hai đứa con thơ dại mà sống. Mặc dù nghèo khó nhưng mẹ vẫn cố gắng làm lụng đủ thứ nghề từ quét dọn, lao công, bán bún riêu đến giặt đồ thuê…, chỉ mong sao hai đứa con của mình được ăn học đến nơi đến chốn.

Đến nay, mặc dù cuộc sống đã khấm khá hơn, anh em tôi cũng đã hoàn thành việc học nhưng mỗi khi chạm vào đôi bàn tay chai sần của mẹ - lòng tôi lại không kìm nổi nước mắt vì những hy sinh của người dành cho.

Tôi chỉ mong sao mẹ sống thật lâu để tôi được bên cạnh mẹ, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.

* Lương Thị Phương Lan (thực tập sinh ở tòa soạn Báo Long An):

A2.JPG

Đối với tôi mẹ không chỉ là người tôi yêu thương tôi nhất mà còn là chỗ dựa tinh thần trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời.

Mẹ của tôi, người phụ nữ cả đời vì con mà chẳng chút chăm lo cho bản thân mình, chẳng bao giờ than trách mà cứ lặng lẽ chịu mọi đắng cay của cuộc đời. Mẹ thường nói: “Mẹ sao cũng được nhưng không thể để con thiếu thốn”. Những khi tôi phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong đời, mẹ luôn ở bên cạnh ủng hộ và cổ vũ cho tôi.

Cả cuộc đời này tôi biết sẽ chẳng bao giờ trả hết công ơn của mẹ, tôi chỉ mong mỗi lần về quê là có thể nhìn thấy mẹ được mẹ ôm vào lòng và nói “con yêu mẹ”.

* Nguyễn Diệu Hiền (sinh viên Trường CĐ PT-TH II):

A3.jpg

Với tôi, mẹ là người vĩ đai nhất vì không chỉ mang tôi đến cuộc đời này mẹ còn cho tôi cảm nhận thế nào là tình yêu thương.

Mẹ hay nói: “Tình yêu thương là thứ nên trao đi, không nên giữ lại”. Lúc còn bé, tôi chẳng hiểu câu nói đó có ý nghĩa gì nhưng khi lớn lên tôi mới hiểu rằng mẹ thật sự trao tôi tất cả tình yêu thương của mình. Ngày tôi lên Sài Gòn - bước vào giảng đường đại học, mẹ đã gần như thức trắng đêm chỉ để làm cho tôi chục đòn bánh tét đem theo, khi nghe tin tôi bệnh mẹ lập tức lên thành phố chăm sóc. Có đôi khi tôi hỏi mẹ: “Tại sao mẹ cho con hết tình yêu vậy?”. Mẹ chỉ cười và nói: “Giữ lại cho nó nổi mốc à?”. Chính câu nói đó đã thúc đẩy và cho tôi động lực hướng tới ước mơ của mình.

Tôi biết mẹ nói đúng - tình yêu thương là “món quà” trao đi. Và tôi cũng mong rằng mẹ sẽ sống bên tôi thật lâu để tôi trao lại tất cả tình yêu thương của mình dành cho mẹ.

Hoài Phong ghi

Mẹ là để yêu thương...

Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.

Vì mẹ rất hay quên. “Mẹ hay quên đường đi lối lại/Chợ Nghĩa Tân, Kim Mã hóa... La Thành”. Mẹ đã có lần đứng rất lâu trước cây rút tiền và băn khoăn vì sao không thể rút tiền, mãi rồi mới phát hiện ra là mẹ cho nhầm... chứng minh thư vào khe quẹt thẻ. Nếu mẹ định mua một gói bột giặt, mẹ sẽ vào siêu thị 1 tiếng, mua đủ các thứ, trừ... bột giặt.

Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.

Vì mẹ rất ít khi lên kế hoạch việc gì đó một cách chính xác. Mẹ luôn cuống cả kê mỗi khi hạn chót của công việc ập đến. Mẹ luôn than thở rằng sao mẹ có ít thời gian thế. Và “kế hoạch” mà mẹ hay làm nhất mỗi khi có quá nhiều việc là... đi ngủ.

Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.

Vì mẹ cũng hay cằn nhằn. Mỗi khi em làm hỏng việc gì đó, mẹ sẽ than thở, trách móc. Khi mẹ làm vỡ một cái bát chẳng hạn, mẹ sẽ nói: Ôi, sao cái bát này làm bằng chất liệu gì mà trơn thế. Còn nếu em làm vỡ, mẹ sẽ nói: Em ơi, em vụng về lắm í. Mẹ khổ vì em lắm í.

Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.

Vì mẹ rất hay “gây rối”. Buổi sáng, mẹ gửi ảnh mẹ mới cắt tóc. Mẹ hỏi “tóc này hợp không em ơi”. Em nói: hợp lắm, hợp lắm mẹ à. Đến chiều, mẹ lại gửi ảnh, lại nói tóc mới, lại hỏi hợp không em ơi. Em bảo, vẫn như sáng mà mẹ. Mẹ nói, không, là mẹ mới... gội đầu. Mệt ghê.

Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.

Vì mẹ đầy mâu thuẫn. Ví dụ mỗi tối thấy em ngồi học, mẹ nhắc: Học đi nhé, đừng lơ đãng. Nhưng rồi mẹ lại chép miệng: Học hành khổ ải, thôi cứ đi ngủ đi mà 
giữ sức.

Mẹ không phải để ngưỡng mộ...

Mẹ là để yêu thương.

Chỉ để yêu thương.

Nhiều khi em cứ tự hỏi, em nhớ mẹ vào thời điểm nào trong ngày: khi bình minh lên mênh mang khung cửa sổ? Khi hoàng hôn nhập nhoạng bóng cây đan? Hay khi đêm về nhớ mẹ tơ tằm rút ruột đan buồn sợi nhớ?

Không, em không biết.

Em chỉ thấy mẹ ĐẦY trong em cùng với sự không hoàn hảo của mẹ.

Giữa trí nhớ và trí quên.

Giữa cằn nhằn và an ủi.

Giữa trách móc và động viên...

Nên em thấy mẹ gần gũi biết bao nhiêu.

Mẹ không phải để ngưỡng mộ.

Mẹ là chỉ để yêu thương.

Em chúc mẹ có cả năm, cả cuộc sống đều là “ngày phụ nữ”, “ngày mẹ” mà không cần “tranh đấu”.

Facebook Đỗ Nhật Nam

* Xem lại bài nói về Đỗ Nhật Nam:

Nhìn lại vụ “ném đá” bé Đỗ Nhật Nam ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày