Mẹ xuất gia, con thành người tốt…

GN - Mỗi lần thấy mẹ khóc, như hiểu mẹ đang buồn, đứa trẻ 3 tuổi Nguyễn Quốc Hoàng Nam cứ nắm tay dẫn mẹ qua chùa lạy Phật. Thoáng chốc, đứa trẻ ngày xưa giờ đã 24 tuổi và người mẹ ngày xưa đã xuất gia được 18 năm, sống an vui nơi cửa Phật…

anh 2, bai cua Hanh Y.jpg

Nam và Sư cô Liên Đức - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con làm thay đổi cả cuộc đời mẹ! Lời chia sẻ ấy là của Sư cô Liên Đức, mẫu thân của Nam, đang tu học tại tịnh xá Ngọc Phước (Q.12, TP.HCM). Cô từ tốn kể: “Lúc còn ở ngoài đời, ngày đêm cô khóc suốt. Có chồng nhưng không có duyên được chồng thương, hôn nhân sớm đổ vỡ. Có ba người con, nhưng cô chỉ giữ được bé Nam bên mình. Nhà nghèo, chiều không có cơm ăn, mẹ con ôm nhau khóc. Thấy cô khóc, thằng bé Nam cứ nằng nặc đòi đến chùa. Có lần, vô chùa rồi Nam không chịu về, thương con còn nhỏ, cô xin sư trụ trì ở lại công quả và chăm Nam”. 

Nhiều lần tụng kinh xong, Nam cứ cầm tay cô nói hoài câu: “Mẹ xuất gia đi mẹ, xuất gia mẹ sẽ hết khóc, mẹ sẽ cười hoài như sư phụ, con có sư phụ lo rồi mà mẹ”. Vì thương Nam còn nhỏ, cô không đành lòng nhưng dần dần, dưới sự gia hộ của chư Phật, sự che chở của quý sư, cô hiểu được kiếp nhân sinh giả tạm, hiểu được sự ngắn ngủi của cuộc đời và xuất gia tu tập”.

Nhờ Nam mà cô - người phụ nữ một thời chịu nhiều đắng cay trong cuộc sống - không còn oán trách gì ai nữa, cũng không hờn giận “người xưa”. Từ ngày đến cửa chùa, cô tha thứ tất cả những ai làm mình tổn thương vì cô đã biết đó là nhân-quả. Lấy tình thương xoa dịu đau khổ, không chỉ chữa lành vết thương cho mình mà lúc Nam trưởng thành, cô còn nhiều lần khuyên Nam về thăm ba và dạy Nam phải kính trọng với dì, vợ của ba như kính với cô vậy.

Gặp Nam, cứ hỏi thăm về mẹ là gương mặt bạn tươi tắn hẳn ra và cứ nói hoài, đến lúc người ta chán mới thôi. Lúc nào Nam cũng nói, bạn thương mẹ vì mẹ chịu nhiều cực khổ nhưng vui vì hôm nay, mẹ đã có cuộc sống an lạc nơi cửa thiền.

Nếu như ngày xưa, mỗi lần mẹ khóc, Nam mếu máo nói với mẹ “mẹ khóc, con cũng khóc theo nè”, thì ngày nay, Nam làm mẹ an lòng bởi sự vững chãi, tinh tấn hành trì lời Phật dạy của bản thân, sống yêu thương mọi người, bạn bè bằng lòng từ của người con Phật.

Khải Hoàng, phóng viên một tạp chí, người bạn thân đồng hành cùng Nam chia sẻ: “Nam để lại nhiều ấn tượng trong tôi vì sự hòa đồng, hiền lành, ai nhờ gì có khả năng là Nam đều tận tình giúp đỡ. Đặc biệt, Nam ăn chay trường từ lúc 4 tuổi, có một thời gian dài nương tựa chốn thiền môn, nên khi hòa nhập cuộc sống đời thường bạn sống rất có tình, có nghĩa. Bạn rất thương mẹ, chỉ cần nghe bạn hát những bài ca, tân cổ về mẹ là cũng đủ cảm nhận tình yêu Nam dành cho mẹ”.

Hỏi Nam, mẹ đi tu như thế, Nam có nhớ mẹ không; lúc gặp áp lực trong cuộc sống mà mẹ không bên cạnh, Nam có buồn không? Cười tươi, Nam đáp: “Nhớ mẹ thì lúc nào cũng nhớ. Những khi nhớ mẹ chịu không nổi thì mình về chùa thăm mẹ”. Mỗi tháng ít nhất một lần, Nam về chùa lễ Phật và mua ngũ cốc, trà, bánh cúng dường cho mẹ. “Những lúc buồn phiền gì đó trong cuộc sống, nhớ đến mẹ là mình vượt qua tất cả. Lần nào gặp mẹ cũng dặn đừng tạo nghiệp ác, hãy gieo nhân lành để cuộc sống thanh thản. Nghe mẹ nói thế, mình càng ý thức hơn để mẹ yên tâm tu tập”, Nam nói.

Mặc dù không còn ở chùa nữa nhưng Nam vẫn ăn chay, ngày đi làm việc nhưng tối đều niệm Phật trước khi ngủ và công đức đó, Nam luôn cầu nguyện cho mẹ, dù hiện tại hay tương lai cũng luôn được an vui trong Chánh pháp…

Hạnh Ý

_______________

* Bài vở cộng tác cho trang Phật giáo - Tuổi trẻ vui lòng gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Chào đón tin, bài của bạn đọc và cộng tác viên. Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày