Miến Điện kỳ bí - Bài cuối: Lạc trong cổ tích

Miến Điện có những vùng đất đẹp như cổ tích. Bagan là thế giới của đền đài hoang sơ. Heho có hồ Inle như tấm gương lớn mà một vị thần lỡ tay đánh rơi giữa trùng điệp núi, nơi có tộc người cổ dài sinh sống...

miendien 1.jpg

Một góc Bagan nhìn từ trên cao

Bagan trầm mặc

Vừa xuống sân bay, du khách phải nộp 10 USD tiền tôn tạo di sản trước khi vào tỉnh Bagan. Điều này khiến không ít du khách Việt Nam ngạc nhiên. Ở ta thường thu tiền vé trước khi tham quan từng di sản, còn ở Bagan thu một lần tại một đầu mối.

Vùng đất này trải dài với cơ man những ngôi đền hoang sơ, kỳ bí. Nghe nói, ngày trước, người dân quần cư xen kẽ các đền đài. Nhưng sau đó, chính phủ Miến Điện di dời dân sang nơi khác để trả lại sự tôn nghiêm cho các di sản.

Ngày đầu tham quan, tôi còn cố nhớ tên từng ngôi đền, nhưng hễ mở mắt là thấy đền nên sau cứ nhớ nhớ, quên quên. Các ngôi đền được đánh số thứ tự nằm trên một vùng đất cằn cỗi. Cây cối quanh đền mang vẻ kỳ bí với dáng hình khắc khổ, vượt thời gian.

Thi thoảng, những chuyến xe ngựa lóc cóc chở du khách chạy qua khiến tôi liên tưởng như đang sống trong thời kỳ thịnh vượng xa xôi lắm. Tôi thầm nghĩ, các nhà làm phim hẳn sẽ vô cùng thích thú khi bắt gặp Bagan, vì nơi đây xứng đáng để thực hiện một đại cảnh hoành tráng.

Đứng giữa Bagan, tôi có thể tưởng tượng được những thớt voi của vua Anwrahta đang rùng rùng di chuyển qua những ngôi đền lớn. Một vị khách người Pháp nói: “Thật vĩ đại! Bagan như một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại”. 

Nắng nóng Bagan là một thử thách. Đến nỗi, ngay đầu sảnh khách sạn luôn có bảng khuyến cáo du khách không đi ngoài trời từ 12 giờ đến 16 giờ chiều. Ấy thế nhưng sang mùa mưa, nước xối xả từ trên trời xuống. Vậy mà, những ngôi đền đồ sộ ở Bagan vẫn tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ.

Ở Miến Điện, người ta nhắc nhiều đến vị vua Anwrahta (trị vì từ năm 1044 đến 1077), đã xây dựng nên cố đô Bagan. Thời kỳ rực rỡ nhất (từ thế kỷ 11-13), cùng với sự phát triển của đạo Phật, Bagan có khoảng 4.500 ngôi đền nhưng trải qua bao thăng trầm bể dâu, nay chỉ còn hơn 2.000.

Đứng giữa Bagan, tôi có thể tưởng tượng được những thớt voi của vua Anwrahta đang rùng rùng di chuyển qua những ngôi đền lớn. Một vị khách người Pháp nói: “Thật vĩ đại! Bagan như một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại”.

Nhưng, không ai hiểu nổi khi thấy những ngôi làng xơ xác cùng đám trẻ tóc cháy nắng vàng hoe dắt những con bò gầy trơ xương gần các đền đài hoành tráng. Thật khó tin hậu duệ của vua Anwrahta lại nghèo khó đến vậy.

Điều tuyệt diệu nhất khiến bất cứ ai đến Bagan khó lòng bỏ qua: Đứng trên đỉnh ngôi đền Shwesandaw (có lẽ cao nhất vùng Bagan) ngắm hoàng hôn. Khi ánh nắng dần tắt, mặt trời đỏ lựng, ngôi đền nổi lên giữa thung lũng Bagan trầm mặc.

Sắc hoàng hôn như nhuộm màu huyền bí lên chóp đền thiêng. Du khách đi chân trần (vào đền, chùa ở Miến Điện phải đi chân trần) dường như quên đi cái nóng bỏng rát tưởng như đang nướng chín đôi chân để ngắm hoàng hôn.

Một giai đoạn lịch sử dù huy hoàng hay đen tối cũng chỉ như cái chớp mắt của vũ trụ. Song những ngôi đền đồ sộ của người Miến Điện hay người theo đạo Phật tồn tại qua hàng thế kỷ như chứng minh niềm tin về một cõi vĩnh hằng an lạc.

Người cổ dài trên hồ Inle

Hồ Inle là hồ trên núi, rộng mênh mông, đứng trên thuyền ở giữa hồ khó nhìn thấy bờ. Nhưng nếu chỉ có thế, chả ai chịu mất hơn 1 giờ ngồi máy bay từ Bagan đến đây để ngắm.

miendien 2.jpg
Một góc hồ Inle

Nếu Bagan khiến lòng người trầm mặc hồi hương thì hồ Inle lại khiến người ta bay bổng. Nhất là khi ngồi trên con thuyền gỗ dài, rẽ sóng vun vút trên mặt hồ rộng lớn. Trước mặt có thể là những cánh cò trắng, những người đàn ông mặc váy, chèo thuyền một chân. Đây là nơi quần cư của nhiều dân tộc, trong đó có người cổ dài Padaung.

Tại một ngôi làng nhỏ ven hồ Pa Lain (17 tuổi) và Pa Lae (15 tuổi) đang ngồi dệt vải. Cả hai không biết tiếng phổ thông Miến Điện hay tiếng Anh nên chỉ biết cười. Những chiếc vòng đồng sáng loá trên cổ 2 cô gái. Áng chừng, mỗi cô đeo khoảng 19-20 vòng, bên trong các vòng được lót chiếc khăn vải để dễ vệ sinh cổ. Người Padaung tin rằng, tổ tiên mình là loài rắn nên họ đeo vòng cổ để cổ cao như rắn, mong tổ tiên phù hộ.

Vốn thật thà nhưng nhiều người bản xứ gặp khách du lịch vẫn nói vống giá lên. Những làng nghề nổi quanh hồ Inle khá đặc sắc như: làm thuốc lá, làng rèn, làng làm tơ lụa ngó sen... nhưng giá cả cứ trên trời.

Trong khi thu nhập của một giám đốc Bảo tàng Bagan chỉ khoảng 100 USD/tháng, thì tại các sạp bán đồ lưu niệm bất cứ món nào cũng thách giá cỡ 10 USD. Đi tàu, xe hay thuyền cũng thế, nếu là khách du lịch ngoại quốc, giá sẽ cao gấp nhiều lần so với người Miến Điện

miendien 3.jpg
Hai thiếu nữ cổ dài Pa Lain và Pa Lae đang ngồi dệt vải

Trên hồ Inle có một thiền viện nổi trên mặt nước, được dựng lên bằng gỗ tếch: Thiền viện Ngaphechaung (còn gọi là thiền viện mèo nhảy). Các nhà sư ở đây thường huấn luyện những con mèo biết nhảy qua vòng lửa. Chúng nằm la liệt trên sàn gỗ tếch.

Nghe chúng tôi nhắc đến Việt Nam, nhà sư Shin Mar Nawa (36 tuổi) nói ngay: “Tôi biết Bác Hồ đấy! Biết từ hồi còn đi học cấp 2, học môn lịch sử thế giới”. Sư Shin Mar Nawa không biết nhiều tiếng Anh nhưng phát âm “Bác Hồ” và “Hồ Chí Minh” khá rõ.

Mũi thuyền lướt qua những luống cà chua nổi dập dềnh trên mặt hồ Inle. Có thứ cà chua vun thành luống cao quá đầu người, rễ kết thành chùm và gần như sống thuỷ sinh. Trên hồ Inle có một khu nghỉ dưỡng ấn tượng mang tên Inle resort, dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói. Những con đường nối các ngôi biệt thự nhỏ, cột nhà... cũng bằng gỗ lim.

Inle resort nằm trên mặt nước, ẩn mình dưới những lùm cây xanh mát. Có lẽ để xây được khu resort này phải mất nửa khu rừng gỗ lim già. Giá một phòng, thực ra là biệt thự nhỏ, khoảng 40 USD/ngày (phòng đẹp nhất có giá khoảng 100 USD). Trong khi đó, mức thu nhập của một sinh viên tốt nghiệp đại học làm ở đây chỉ hơn 50 USD/tháng.

Miến Điện như một cô gái đẹp kiều diễm bị nhốt trong hậu cung. Nhìn từ trên máy bay, nhiều nơi đất đai khô cằn nhưng dưới lòng đất có nhiều quặng đá quý. Đến Miến Điện dường như để nhớ về quá khứ nhiều hơn là hiện tại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày