Mỗi năm hoa đào nở…

Giác Ngộ - Thời hiện đại, những thú chơi tao nhã như thư pháp lại trở về sau những thăng trầm, quên lãng. Người viết và người chơi tâm niệm thư pháp là nghệ thuật, cần có cái tâm trân quý! Nơi Công viên Tao Đàn, Nhà văn hóa Thanh niên, hoặc Công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM) lại thấy những ông đồ…
hoadao.gif

1.

Nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng xót xa vì khách hàng của ông đồ cứ "mỗi năm mỗi vắng" vì người ta không còn chuộng nét bút "rồng múa phượng bay" mà chạy theo những giá trị của Tây. Những giá trị của Tây phương – hiện đại hơn được thay vào trong cuộc sống mới – đó là hình ảnh không chỉ của những năm đầu thế kỷ XX. Hiện nay khi cuộc sống mang đến cho con người với đầy đủ các phương tiện tối tân thì nhiều người trở lại với thú chơi thư pháp.

Nói về vấn đề này bạn Thảo Nhi (SV ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) so sánh: "Cũng giống như một thời nhạc trẻ "lấn" các nhạc khác nhưng rồi mọi người cũng mau ngán và hiện nay người ta trở lại với nhạc xưa, ca sĩ nhạc trẻ cũng hát nhạc "già" mới được". Thảo Nhi cũng là người "mê" thư pháp bởi nét mộc mạc của con chữ, bởi cái thần của một bức thư họa dưới bàn tay của người viết.

Còn bạn Hồng Ân, SV Trường Đại học Bách khoa TP.HCM xem thú chơi thư pháp là "một thú chơi làm mình trở nên thanh thoát hơn, đứng trước một bức thư họa mình sẽ lắng lòng trở lại. Nhất là trước cuộc sống bộn bề lo toan này thì nó là "cứu cánh", để mình bớt suy nghĩ, bớt lo âu". Bạn Nguyễn Thanh Luyện thì xem thư pháp như là "tôn giáo" của riêng bạn và bạn thật sự "tín ngưỡng" thư họa bằng cả tấm lòng. Thanh Luyện chia sẻ: "Giới trẻ hiện nay cần phải học lại những giá trị đẹp đẽ trước đây mà ông cha ta đã có, từng bị mai một đồng thời phục hồi và làm cho nó "sống" lại".

2.

Không nói đâu xa, trong tất cả các lễ hội của các trường, các nơi có bạn trẻ tham gia hầu hết đều có những gian hàng thư pháp với những ông đồ trẻ múa bút. Nhiều người đến xem và "thỉnh" thư pháp về nhà cũng là những bạn trẻ vì "thư pháp đem tặng nhau đã trở thành "mốt" mà các bạn trẻ thích". Chính vì vậy mà ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM… đã mở và dạy thư pháp, có câu lạc bộ hẳn hoi và chỗ nào cũng đông người học là bạn trẻ với niềm "mê" chữ thật sự.

Riêng người viết quan sát thấy, cứ mỗi năm hoa mai, hoa đào vàng rực, tết xôn xao thì những lễ hội có kèm hoạt động viết thư pháp đã mở ra không gian để người ta chiêm ngưỡng, quay về. Đến những gian hàng thư pháp ngày xuân lại thấy như mình được tĩnh tâm hơn. Phải chăng, đây cũng là một trong những gạch đầu dòng cho xu hướng sống chậm của giới trẻ ngày nay, đặc biệt là với mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm mới!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày