>> Phỏng vấn HT. Thích Giác Toàn trước thềm Hội thảo "Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập" / >> Khai mạc Hội thảo / >> Chùm ảnh về Hội thảo
HT. Thích Giác Toàn phát biểu - Ảnh: Võ Văn Tường
Hội thảo chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” được tổ chức là một trong những hoạt động của Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011), trong tinh thần Đạo Phật đồng hành cùng Dân tộc, gắn bó với sự phát triển của đất nước thời hội nhập.
Hội thảo này được tổ chức cũng nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử đã có những đóng góp ý nghĩa và khách quan trong lãnh vực mà mình hoạt động cho các công tác từ thiện, cho Giáo hội nói riêng cũng như cho Phật giáo, đất nước trong nhiều năm qua.
Thêm nữa, trong bối cảnh hiện tại có nhiều biểu hiện của sự xuống cấp trầm trọng về lối sống đạo đức, ngày càng gia tăng sự vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, một ít người vì lợi nhuận đã làm ngơ trách nhiệm chia sẻ, cải thiện môi trường sinh thái, quyền lợi của người tiêu dùng, đi đến việc gian dối trong kinh doanh, giảm chất lượng sản phẩm so với cam kết, không giữ chữ tín, mất niềm tin trong xã hội… Do đó, hơn ai hết, những doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử và có tâm hướng Phật cần ngồi lại với nhau, tìm hiểu lại lời Đức Phật đã dạy, chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể và làm mới tinh thần Phật pháp trong bối cảnh xã hội hiện tại để củng cố niềm tin, phương cách nhằm giữ được sự cân bằng trong đời sống, xây dựng nền tảng vững chãi trong từng bước phát triển thời hội nhập nhiều cơ hội, lắm thách thức và cũng không ít cạm bẫy nguy hiểm.
Đó là ý nghĩa và mục đích của Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” hôm nay.
Hơn 300 đại biểu tham dự Hội thảo
Nhận lời mời của Ban Tổ chức, chư tôn đức thành viên Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương, Ban Kinh tế Tài chánh thuộc các Ban Trị sự tỉnh thành, nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, doanh nhân Phật tử và những doanh nhân có tâm hướng Phật hiện đang quản lý, điều hành các doanh nghiệp thuộc nhiều lãnh vực khác nhau… đã nhiệt tâm hưởng ứng bằng cách gởi các tham luận về Văn phòng Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương Giáo hội trong thời gian qua.
Nội dung các tham luận đã thể hiện sự cần thiết của việc tổ chức hội thảo này. Những gợi ý của Ban Tổ chức về chủ đề cũng đã được chư tôn đức, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý doanh nghiệp Phật tử quan tâm đã có những tham luận thật thuyết phục, dựa trên nhận thức Phật giáo, truyền thống lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn.
Rõ ràng, giáo lý mà Đức Phật giảng dạy không hề ngăn cấm người Phật tử tại gia làm kinh tế, làm giàu tài sản cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đất nước; mà hơn thế nữa, trong nhiều kinh điển, Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử cư sĩ của Ngài hãy chọn cho mình những ngành nghề đúng, không phi pháp, nỗ lực chăm chú công việc mới có thể gặt hái được kết quả tốt đẹp, đời sống an lành. Các doanh nhân Phật tử hãy sống Chánh mạng (một trong 8 chi phần của Bát Chánh đạo), tránh những lãnh vực kinh doanh tạo ác nghiệp, gây hại cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngài cũng nhấn mạnh về những yếu tố tối cần thiết cho sự đi đến thành công của một doanh nhân Phật tử, đó là Trí, Đức và luôn ý thức Nhân - Quả trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, khéo léo trong việc quản lý và phân phối lợi nhuận, phát tâm chia sẻ với người nghèo khó, cộng sự và cúng dường những bậc đáng hiến cúng, hoan hỷ đóng góp vào những thiện sự…
Đức Phật không cấm đệ tử cư sĩ của Ngài làm kinh doanh,
Ngài chỉ khuyến cáo hãy kinh doanh theo tinh thần Chánh mạng,
nghĩa là phải có Trí và Đức...
Hơn cả những mong chờ của Ban Tổ chức, nhiều tham luận của các nhà chuyên môn, chư tôn đức Tăng Ni, doanh nhân Phật tử gởi về đã khai thác vấn đề một cách sâu sắc, thẳng thắn nhìn nhận những tồn đọng và phân tích nguyên nhân một cách xác đáng. Một số bài tham luận thể hiện các vấn đề bức xúc và cần thiết về lãnh vực quản trị dữ liệu, truyền thông, tổ chức sự kiện liên quan mật thiết đến hình ảnh của Giáo hội, những lãnh vực kinh tế mà Phật giáo có thế mạnh nhưng hiện đang bỏ ngỏ, sáng kiến về việc xây dựng các mô hình sinh hoạt rất cần thiết như câu lạc bộ, hiệp hội doanh nhân Phật tử…, xa hơn nữa là Phật sự hoằng dương Chánh pháp theo tinh thần Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Do thời gian có hạn, nên chỉ một số tham luận được chư vị đại biểu trình bày tại Hội trường trong buổi sáng hôm nay, sau đó chúng ta sẽ có phần thảo luận và chất vấn, trao đổi, chia sẻ trong tinh thần hòa hợp của người con Phật. Để đảm bảo thời gian theo kế hoạch, mỗi tham luận chỉ được trình bày dưới 10 phút, Ban Tổ chức chúng tôi rất mong những vị đại biểu trình bày tham luận đi thẳng vào vấn đề trọng tâm của tham luận. Các tham luận đầy đủ, Ban Tổ chức đã tập hợp và in thành tập kỷ yếu, một số bài gởi về cận ngày, Ban Tổ chức cũng đã nhân bản gởi đến tận tay tất cả quý vị để tiện cho mọi người có tài liệu tham khảo trong thời gian thích hợp.
Đây là Hội thảo lần đầu tiên của Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên chắc chắn còn nhiều hạn chế trong việc tổ chức. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong được lắng nghe tất cả những trăn trở, thao thức và ý kiến xây dựng từ quý đại biểu là chư Tăng Ni, nhà nghiên cứu, doanh nhân Phật tử, những doanh nhân có tâm hướng Phật… để trước hết làm sáng tỏ những phẩm chất doanh nhân Phật tử, sau nữa là giúp cho Ban Kinh tế Tài chánh có những kế hoạch hợp lý nhằm phát huy tiềm lực của Ban, của kinh tế Phật giáo, làm tròn nhiệm vụ được Giáo hội giao phó, góp phần vào việc xây dựng Giáo hội, cộng đồng, đất nước ngày càng phát triển, thịnh vượng, văn minh và hạnh phúc, an lạc.