Nhân dịp đầu năm mới, Giác Ngộ có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thoa - Giám đốc Công ty CP Đầu tư ATS về những quy hoạch của dự án được xem là sẽ làm cho Yên Tử trở nên khang trang và bề thế hơn trong tương lai.
Bà có thể cho biết về nhân duyên của mình với Yên Tử và tại sao bà lại quyết định thực hiện một dự án lớn tại nơi được xem là vùng đất Phật của Việt
Tôi là một Phật tử chùa Phúc Khánh và đã có nhiều dịp cùng các Phật tử khác đi Yên Tử lễ Phật đầu năm. Qua lời giảng của TT.Thích Thanh Quyết về Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tôi thực sự bị cuốn hút kỳ lạ về nơi được nhà sư Huyền Quang ghi lại như một cõi trời: “Sen thanh khiết, Mai thiết khí, Trúc rỗng ruột, Tùng quân tử”. Tôi hiểu Yên Tử như là một thánh địa tâm linh, là cội nguồn của văn hóa dân tộc Việt, của Phật giáo Việt Nam, độc nhất vô nhị, không chỗ nào thay thế được, ở đời vui đạo hãy tùy duyên. Có lẽ là duyên (!). Không những thế, nơi đây còn xuất tích của thiền phái Trúc Lâm - biểu tượng giá trị tinh thần, văn hóa của người Việt với nhiều chùa tháp có giá trị.
Bà Nguyễn Thị Thoa - Giám đốc Công ty CP Đầu tư ATS
Hàng năm vào mùa lễ hội, danh thắng Yên Tử có sức thu hút du khách rất lớn nhưng lại hạn chế về dịch vụ, nơi ăn nghỉ, cơ sở hạ tầng và môi trường cảnh quan và hết mùa lễ hội thì lại vắng vẻ. Tôi đã nhiều lần tự hỏi có giải pháp nào cho Yên Tử? Tôi đã nghĩ đến trục phát triển kinh tế du lịch cấp quốc gia Hà Nội - Yên Tử - Hạ Long. Vì thế, tôi đã mạnh dạn xin Tỉnh ủy - UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tự lo kinh phí, nghiên cứu lập dự án đầu tư và đã được chấp thuận thực hiện dự án. Với tâm thành và trách nhiệm trong việc thực hiện dự án đầu tư tại Yên Tử, tôi nghĩ rằng giá trị lịch sử là tài sản, giá trị trường tồn văn hóa và là niềm tự hào lâu dài của dân tộc ta. Vì vậy đầu tư phải mang đúng ý nghĩa tầm vóc.
Thưa bà, phác thảo ý tưởng quy hoạch Yên Tử và việc thực hiện ý tưởng quy hoạch ban đầu của dự án này được tiến hành như thế nào?
Khi lên ý tưởng đầu tư, chúng tôi luôn đưa ra tiêu chí: Tôn trọng, bảo vệ di sản văn hóa, lịch sử núi Yên Tử. Việc đầu tư của công ty phải thực hiện ngoài vùng 1 (ranh giới quy định), không động chạm đến phong thủy của vùng cấm tâm linh. Để làm được thế, chúng tôi tìm hiểu từ ý kiến của lãnh đạo Bộ, ban ngành quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học cùng chư tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tâm huyết với chốn thiêng Yên Tử đồng thời dựa vào lịch sử hành trình của vua Trần Nhân Tông để khoanh vùng ranh giới thực hiện dự án.
Ý tưởng xây dựng cổng chính trong dự án
Nên nhớ rằng, Yên Tử có một khu vực được xem là thánh địa, nguyên thủy, kỳ bí và bất khả đầu tư. Khu tâm linh đặc biệt này chỉ là nơi chắp tay cầu nguyện của mọi người - vì vậy yếu tố cần là giải pháp vệ sinh môi trường, ánh sáng, văn hóa và rừng nguyên sinh của Yên Tử - Đây là vùng rừng cấm.
Bà có thể cho ví dụ?
Ví dụ như dốc Hạ Kiệu và tại sao nhà vua khi đi đến mép đất này lại phải hạ kiệu, đi bộ? Phải chăng đó là vùng của đất trời tụ khí, đất của tâm linh? Tại sao Nhà nước lại khoanh Yên Tử thành 3 vùng (?). Hàng ngàn các câu hỏi tại sao về Yên Tử - địa lý, thiên văn, lịch sử, ranh giới, nhà vua, Phật giáo, hiện trạng cơ sở hạ tầng, đường sá… đã được cán bộ công ty giải đáp trên cơ sở sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lịch sử, tâm linh, phong thủy, giá trị, nhà mỹ thuật cổ, khảo cổ học, các nhà báo, các nhà sư và nhân dân quanh vùng cùng cấp ủy, ủy ban, các sở ban ngành tại Quảng Ninh, Uông Bí và công ty tôi đã xây dựng được mục đích của dự án với phương châm làm tăng giá trị vùng tâm linh Yên Tử
Mục đích, sách lược đầu tư và một vài khó khăn - thuận lợi khi thực hiện dự án cũng như ý nghĩa của nó, thưa bà?
Cái khó thứ nhất là ý tưởng quy hoạch, mục đích đầu tư, khai thác thực hiện dự án. Thứ hai là sự đồng thuận cũng như cách nhìn của các nhà quản lý, các nhà chính sách với ý tưởng của nhà đầu tư dự án.
Về mục đích và sách lược đầu tư, chúng tôi luôn đề cao văn hóa và môi trường cảnh quan thiên nhiên Yên Tử, đưa Yên Tử trở thành thánh địa tâm linh, kinh đô Phật giáo, đề cao văn hóa nhà Trần và văn hóa Việt. Dự án sẽ đáp ứng được nhu cầu du khách hành hương, tham quan, hội họp… phù hợp với phong tục, tập quán của nước ta. Song song đó, vì là thánh địa tâm linh của cả dân tộc nên yêu cầu mức đầu tư phải đủ lớn. Đây sẽ là khu kinh tế du lịch văn hóa tâm linh, do vậy việc quy hoạch khác hoàn toàn với các khu đô thị về mục đích khai thác, đối tượng khai thác và trên hết đáp ứng sự đồng bộ về mọi mặt để tạo sức hút cho du khách đến với Yên Tử.
Để thực hiện dự án, chúng tôi đã mời tư vấn thiết kế VICC (thuộc Bộ Xây dựng) kết hợp với các chuyên gia tư vấn thiết kế đến từ các nước Úc, Ý, Trung Quốc để lập dự án trình UBND tỉnh Quảng Ninh về nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch chi tiết bằng bản đồ với tỉ lệ 1/2000.
Một điều đáng mừng là khi lập dự án, Công ty ATS nhận được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cơ quan ban ngành huyện Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh. Đây là niềm tin, sức mạnh để công ty chúng tôi xây dựng dự án
Theo bà, cần làm gì để Yên Tử ngày càng được nhiều bạn bè, du khách quốc tế tìm đến như một số thánh địa Phật giáo khác trên thế giới?
Theo tôi, chúng ta cần phải có sự nhìn nhận đúng về giá trị văn hóa phi vật thể của Yên Tử. Chúng ta cần nâng cao văn hóa ứng xử với di tích Yên Tử để khai thác những tiềm năng, những thế mạnh về du lịch để phục vụ cho việc quy hoạch Yên Tử trở nên bề thế, khang trang, gần với nhân dân, du khách hành hương. Hiện nay, tuyến du lịch Hà Nội - Hạ Long đang thu hút rất nhiều du khách trong cũng như ngoài nước. Việc nối liền tuyến du lịch này sẽ tạo ra một giá trị khai thác mang tính hiệu quả cao trong tương lai. Làm sao để Yên Tử được chọn như là điểm đến sinh hoạt văn hóa tâm linh như một số thánh địa văn hóa Phật giáo khác trên thế giới.
Song song đó, cũng phải kiên quyết khoanh vùng thánh địa tâm linh tại Khu di tích Yên Tử. Mọi tác động đến di tích cần phải được kiểm tra, theo dõi kỹ tránh để ảnh hưởng, xâm hại đến di tích đặc biệt rất quan trọng này.
Điểm đặc biệt của dự án mà công ty bà làm chủ đầu tư là gì? Bà có thể đánh giá về tiềm năng của dự án này khi hoàn thành?
Đây là một dự án lớn với diện tích gần 700ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cùng với những ý tưởng thiết kế hài hòa mang đậm nét phong cách văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt về kiến trúc tại các khu khánh tiết được xây dựng theo kiểu kiến trúc, văn hóa của cung điện nhà Trần. Hơn nữa, các khu vực lân cận đều được phục dựng theo kiến trúc làng Việt sẽ trở nên mộc mạc và đầm ấm hơn. Chúng tôi cũng triển khai xây dựng một thánh địa cầu phúc, quảng trường phóng sinh, tượng Phật tổ Trúc Lâm trên mặt nước…
Mô hình Trung tâm Hội nghị trong tương lai
Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng tổ chức các hoạt động mang tính quốc gia, quốc tế và các hoạt động Phật giáo như: Hội thảo, hội nghị, giao lưu văn hóa quốc tế; Đại lễ, hội nghị, đào tạo và biểu diễn văn hóa Phật giáo Việt Nam…
Thêm vào các hoạt động mang tính dân gian được phục dựng cùng với các nghi lễ văn hóa dân gian cổ xưa sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. Theo tính toán của chúng tôi, dự án phi vật thể Yên Tử sẽ mang lại hiệu quả sau khi hoàn thành lên đến hơn 50 triệu USD/năm.
Như vậy, khi hoàn thành dự án, thì vùng đất thiêng này sẽ đáp ứng được những nhu cầu gì cho nhân dân, bà con Phật tử và du khách trong nước và quốc tế? Và Yên Tử sẽ khang trang, bề thế hơn?
Sau khi được phê duyệt xây dựng chính thức, trong thời gian thực hiện dự án, chúng tôi sẽ sử dụng khoảng 2.800 lao động làm việc trực tiếp và hơn 2.000 người thực hiện dự án gián tiếp. Đến khi dự án hoàn thành, dự kiến sẽ thu hút thêm khoảng 4.500 lao động làm việc.
Đây sẽ là dự án nhằm tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử, một dự án quảng bá về một nền kiến trúc văn hóa thuần Việt. Vì vậy, nhân dân và du khách khắp nơi khi đến với Yên Tử sẽ hiểu hơn về Yên Tử mà không cần phải thông qua một phương tiện gián tiếp nào. Tôi tin, dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao vị thế ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo tại Yên Tử trong cả nước cũng như trên trường quốc tế, Yên Tử sẽ là kinh đô Phật giáo lớn nhất nước Việt Nam, đồng thời cũng sẽ có nhiều kỷ lục đặc biệt nhất Đông Nam Á và thế giới.
Xin chân thành cảm ơn bà, chúc bà năm mới có thật nhiều niềm vui và thành đạt!