Một lần làm phóng sự điều tra

0:00 / 0:00
0:00

GNO - Đó là vào một ngày trời nắng đẹp cách đây 4 năm, trong một con hẻm sâu tít, ngoằn ngoèo, với những khu nhà khá nhếch nhác và rác bay tứ tung.

Trái tim tôi loạn nhịp phía sau tay lái của một tiền bối thâm niên trong nghề, khi anh đánh con xe đi băng qua hai cột trụ xiên vẹo, hồ như là vết tích còn lại của chiếc cổng Tam quan, tiến vào một ngôi chùa khá cũ kỹ.

Đây cũng chính là nơi lần đầu tiên tôi “tác nghiệp” và cảm nhận rõ con đường mình đã lựa chọn để bước đi sắp tới, một phóng viên báo chí.

Nhiệm vụ tôi nhận được lúc bấy giờ là tìm hiểu và đem lại giải pháp thiết thực cho việc trùng tu, tu bổ các di tích chùa cổ tại TP.HCM, đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống Tăng Ni lưu trú tại đây.

3.JPG


PV Giao Hảo nhận giải khuyến khích giải Báo chí TP.HCM (năm 2017) cho loạt bài "Hiện tượng sợ di tích" - Ảnh: Vũ Giang

Thời điểm ấy, di tích chùa cổ đáng lưu tâm có thể kể đến là cổ tự Giác Viên (Q.11) một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, còn tồn tại cho đến ngày nay. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác đối nghịch khi lần đầu đặt chân đến nơi này, vừa bình yên nhưng lại vừa lo sợ.

Có lẽ bởi không gian cổ kính và mùi hương còn vẹn nguyên của gỗ, của cây lá um tùm, gợi nhớ cảnh chùa quê, mà nơi đây mang lại cảm giác bình yên lạ kỳ. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng bị dập tắt ngay khi chúng tôi trên tay cầm chiếc máy ảnh và bước về phía sau chùa.

Dường như những ánh mắt sắc lẹm của người dân sống quanh đây (chủ yếu là lấn chiếm đất chùa), đang nhắm thẳng đến từng cử chỉ và hành động của chúng tôi. Tôi nhận thấy rõ một mối nguy hiểm như chực chờ ập đến, ngay cú chụp ảnh đầu tiên từ anh tiền bối về cảnh quan chùa. Một vài người dân trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” để cướp lấy chiếc máy ảnh của anh tiền bối, khiến chúng tôi có chút dè chừng, cho đến khi vị sư thầy từ trong chùa bước ra “hòa giải”, giúp “cuộc chiến” được lắng dịu đôi chút.

Ngày đó, tôi mang theo một nhiệt huyết, tràn đầy niềm tin rằng, với lòng chân thành mình sẽ tìm ra cách giúp nơi này khang trang hơn, lấy lại đất bị chiếm cho chùa và tạo tác động đủ để các cơ quan chuyên trách vào cuộc trùng tu di tích. Nhưng, sau ngày “tác nghiệp” hôm đó, trong đầu tôi nhận ra một điều khác, đó là về “cuộc chiến” xém chút đã bùng nổ giữa chúng tôi và người dân.

Công việc của một phóng viên, nhà báo là gì? Tôi vì điều gì để tìm hiểu và viết về vấn đề này? Không phải tất cả là để nỗ lực kết nối để mang một sự bình yên trọn vẹn cho đối tượng mà mình hướng đến sao? Và họ, những người dân sống quanh đó, cũng là một đối tượng phụ nằm trong đối tượng chính mà tôi hướng đến, nếu có thể cũng giúp được họ bình yên, không phải chùa cũng sẽ bình yên sao?

Từ những suy nghĩ này, tôi liều mình với những cuộc thương thảo “ngầm”. Thử bắt chuyện, lắng nghe những tâm tư, những lo ngại và mong muốn thật sự của họ, kết nối chúng với đại diện Phật giáo và ban ngành hữu quan. Nhờ vậy, công việc trở nên suôn sẻ hơn. Đồng thời, ngoài mong đợi, cuối cùng cổ tự Giác Viên cũng đã chính thức được trùng tu ngay vài tháng sau loạt bài phản ánh thực trạng và người dân hẳn nhiên cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ nơi an cư, mưu sinh mới phù hợp hơn.

Kể từ sau “lần đầu” ấy, tôi luôn tin rằng, công việc của mình chính là cầu nối thiết thực nhất, giúp tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề. Do vậy, trước khi đặt bút viết về một đề tài gì đó, hơn hết cần đặt mình vào lập trường của từng đối tượng, để nhận rõ vai trò và trách nhiệm của họ. Lắng nghe chân thành và chia sẻ trung thực là bài học quý giá đầu tiên tôi nhận được từ môi trường báo chí mà báo Giác Ngộ đã mang lại cho tôi của hôm nay.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Giao Hảo
(phóng viên báo Giác Ngộ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày