Một người Đức đam mê nghiên cứu đạo Phật và văn hóa VN

Đó chính là ông Heiner Dinglinger, Phó Chủ tịch Ban Điều hành Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại bang Sachsen - CHLB Đức. Phóng viên Thiên Nga phỏng vấn và nghe ông chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, tôn giáo phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt Nam và những hoạt động của Trung tâm.

Heiner Dinglinger có niềm đam mê nghiên cứu về khoa học và tôn giáo tại các nước châu Á, đặc biệt là đối với Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX.

PV: Xin chào ông Dinglinger. Mấy năm gần đây, trong những lần Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại bang Sachsen tổ chức lễ cầu an hay trong những ngày lễ trọng của đạo Phật như Lễ Phật đản, Lễ Vu lan đều thấy sự có mặt của ông. Điều đó gây nên sự tò mò đối với bà con trong cộng đồng và Phật tử Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết lý do về sự hiện diện của ông không ạ?

Heiner Dinglinger: Đơn giản vì tôi là một Phật tử.

PV: Ông có thể chia sẻ về cơ duyên đưa ông đến với văn hóa phương Đông, đặc biệt là đối với đạo Phật?

Heiner Dinglinger: Năm 11 tuổi, có một lần tôi đọc một cuốn sách về đất nước Campuchia, trong cuốn sách có viết về ngôi đền Angkor Wat và tôi nhìn thấy bức ảnh chụp tượng Phật. Bức ảnh đó gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt, cho nên từ đó tôi bắt đầu tự mày mò tìm hiểu về văn hoá, lịch sử và các tôn giáo của Á châu. Học xong phổ thông trung học và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi quyết định theo học ngành Khoa học châu Á tại Trường Đại học Tổng hợp Berlin. Lúc đầu tôi muốn học tiếng Khmer nhưng lúc này ở trường chưa dạy tiếng Khmer, nên tôi chuyển sang học Khoa tiếng Việt, vì trước đấy tôi cũng là một người chống chiến tranh Việt Nam nên tôi cảm thấy Việt Nam gần gũi với mình. Và từ đây việc học và nghiên cứu của tôi bắt đầu có hệ thống hơn.

(1)hen-ry.jpg

Ông Heiner Dinglinger bên bàn thờ Phật tại gia đình

Tốt nghiệp Đại học một thời gian, tôi xin sang Việt Nam để có điều kiện nghiên cứu sâu hơn. Ngoài văn hoá lịch sử của Việt Nam, tôi còn nghiên cứu về các nước Đông Nam Á. Khi tôi đến với Việt Nam, thì đất nước của các bạn mới thoát khỏi chiến tranh, nên đời sống còn rất khó khăn, thiếu thốn. Trong thời gian từ năm 1983 đến 1989, tôi thường được chỉ định làm phiên dịch cho các phái đoàn Chính phủ Việt Nam và Đông Đức nên đây cũng là điều kiện để tôi được đi đây đó nhiều để tìm hiểu về văn hóa và tôn giáo ở Việt Nam.

Qua thời gian nghiên cứu, tôi đặc biệt quan tâm đến đạo Phật, dần dần tôi đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và muốn trở thành một Phật tử. Khi nước Đức thống nhất, tôi đang làm luận án tiến sĩ về khoa học và các tôn giáo ở châu Á. Lúc này ở nước Đức nói chung có rất ít người học và nghiên cứu đề tài này, nhưng rất tiếc là khi thống nhất thì chính sách giáo dục cũng thay đổi rất nhiều, khiến cho tôi không thể hoàn thành luận án của mình, nhưng tôi vẫn không từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu về tôn giáo và đặc biệt là Phật giáo. Và đấy là cơ duyên đưa tôi đến với đạo Phật.

PV: Với tư cách là Phó Chủ tịch Ban Điều hành Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại bang Sachsen, xin ông cho biết những công việc Trung tâm đã làm được từ khi thành lập đến nay, cũng như kế hoạch tương lai của Trung tâm?

Heiner Dinglinger: Việc quan trọng nhất của chúng tôi là thành lập được Trung tâm văn hoá Phật giáo một cách hợp pháp, để từ đây bà con Phật tử người Việt và những người yêu mến đạo Phật có nơi thực hành những sinh hoạt tâm linh hợp pháp. Điều này có thể nói là một kết quả và thành công lớn của chúng tôi.

Theo nghiên cứu của tôi thì ở Việt Nam có khoảng từ 70-80% người Việt theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Người Việt có mặt ở bang Sachsen đã lâu, nhưng thực sự chưa có một nơi để sinh hoạt tâm linh, cho nên việc thành lập Trung tâm Văn hóa Phật giáo ở đây đã phần nào đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của bà con. Trong những năm qua, chúng tôi đã cùng với các hội Phật tử nơi khác mời các đoàn Tăng Ni Phật tử từ Việt Nam sang để làm lễ cầu an cho bà con Phật tử và những người yêu mến đạo Phật, nhất là trong các ngày lễ trọng của đạo Phật như Lễ Phật đản, Lễ Vu lan báo hiếu... Những ngày đó, bà con Phật tử và bà con người Việt đến tham dự rất đông.

Cuối năm 2011, ngày Totensontags, chúng tôi đã đến một số nghĩa trang thắp nến, dâng hương, cầu siêu cho những người chết trong chiến tranh thế giới thứ hai. Việc làm này góp phần nâng cao hình ảnh tích cực của người Việt Nam đang sinh sống ở đây, được thành phố rất ủng hộ và qua đó chúng tôi cũng nhận được sự cảm kích của nhiều người dân Đức.

Mong muốn của chúng tôi là trong tương lai có thể xây được một ngôi chùa, không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, mà còn là chỗ sinh hoạt văn hoá, nơi chia sẻ tinh thần cho bà con trong cộng đồng. Người Việt Nam có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” - đó cũng là nguyện vọng và mong muốn lớn của bà con người Việt ở đây, đặc biệt đối với những người Việt lớn tuổi.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Chúc ông nhiều sức khỏe và cùng với Ban Điều hành Trung tâm Văn hoá Phật giáo tại bang Sachsen tiếp tục làm được nhiều việc tích cực cho bà con Phật tử và kiều bào người Việt tại Sachsen nói riêng, nước Đức nói chung.

Ông Heiner Dinglinger sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Cụ tổ ông - cụ Dinglinger, từng là một nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng thế giới, là thợ kim hoàn cho nhà vua Sachsen Augusta và cũng là vua của Ba Lan - một ông vua giàu có và nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ, cách đây khoảng hơn 300 năm. Những đồ kim hoàn do cụ chế tác dành cho vua Augusta hiện được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật của Sachsen. Heiner Dinglinger cũng đã từng tiếp nối truyền thống gia đình làm nghề chế tác kim hoàn khi nước Đức thống nhất. Ông là người có đam mê nghiên cứu văn hóa, khoa học, tôn giáo châu Á và cũng là người bạn gắn bó với đất nước, con người, văn hóa Việt Nam từ rất sớm.


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày